1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Doanh nghiệp Trung Quốc thu gom container rỗng giữa "cơn sốt" toàn cầu

Minh Phương

(Dân trí) - Giao thương thực phẩm toàn cầu đang bị đình trệ, thực phẩm bị chất đống ở nhiều nơi do các hãng vận tải ưu tiên chở các container rỗng đến Trung Quốc để có lợi nhuận cao hơn.

Doanh nghiệp Trung Quốc thu gom container rỗng giữa cơn sốt toàn cầu - 1
Thế giới đang trong "con sốt" container khiến hàng hóa ùn ứ ở nhiều nơi. (Ảnh: APM)

Cuộc cạnh tranh container toàn cầu đồng nghĩa với việc Thái Lan không thể xuất khẩu gạo đi các nơi hay Ấn Độ không thể xuất khẩu đường. Việc vận chuyển các container rỗng cho lợi nhuận cao đến mức ngay cả một số hãng vận chuyển đậu tương của Mỹ cũng phải chật vật tranh giành các container để có thể xuất khẩu hàng sang châu Á.

Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ hai thế giới, chỉ xuất khẩu được 70.000 tấn đường trong tháng 1, chưa bằng 1/5 lượng xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái, Ravi Gupta, chủ tịch công ty sản xuất đường lớn hàng đầu của Ấn Độ, cho hay.

Ở nhiều nơi trên thế giới, nhiều người cần thực phẩm phải chờ đợi. "Nhiều người không thể có được thực phẩm mà họ cần. Trước kia, một khách hàng của tôi từng vận chuyển 8 đến 10 container gạo mỗi tuần từ Thái Lan đến Los Angeles, nhưng hiện giờ chỉ chuyển được 2-3 container mỗi tuần", Steve Kranig, giám đốc logistics tại công ty IM-EX Global Inc, một công ty chuyên đảm nhận việc vận chuyển gạo, chuối và một số mặt hàng khác từ châu Á đến Mỹ.

Tình trạng trên được xác định chủ yếu là do nhu cầu container ở Trung Quốc đang tăng mạnh cùng với sự phục hồi của ngành xuất khẩu nói riêng, nền kinh tế nói chung sau đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên. Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để các hãng vận tải đưa các container rỗng trở lại Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy, do chi phí vận tải tăng cao khiến giá một số thực phẩm tăng mạnh. Tháng trước, giá đường đã lên cao nhất 3 năm.

Tuy việc các hãng vận tải đưa container trở lại cảng xuất không phải là điều hiếm thấy, nhưng thông thường họ sẽ cố gắng để có thể tận dụng vận chuyển hàng hóa cả hai chiều. Mặc dù vậy, hiện tại chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ cao gấp gần 10 lần so với chiều ngược lại nên các hãng muốn vận chuyển container rỗng hơn là vận chuyển hàng hóa thực tế, dữ liệu của hãng Freightos cho biết.

Tại cảng Los Angeles, cảng container lớn thứ 4 của Mỹ, cứ 4 container từ Mỹ về Trung Quốc thì có 3 container rỗng (hay 75%), cao hơn so với tỷ lệ thông thường là 50%.

"Tình trạng này đã kéo dài suốt từ tháng 12/2020, thế giới sẽ không chỉ thiếu thực phẩm mà sẽ còn thiếu nhiều thứ", đại diện của IM-EX Global nói và nhấn mạnh thêm nghịch lý rằng nhiều công ty vận tải vẫn đang lãi lớn.

"Cơn sốt" container xảy ra trong bối cảnh các nhà xuất khẩu của Mỹ đang tìm cách tăng cường xuất khẩu mọi thứ từ đậu tương đến nhiều loại ngũ cốc khác sang châu Á. Tình trạng thiếu nhân lực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động bốc dỡ tại các cảng chậm hơn so với thông thường càng làm trầm trọng hơn tình trạng khan hiếm container. Tại Vancouver, Canada, hàng loạt container vẫn đang xếp ở cảng.