1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dọa nhấn chìm tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc có thể “đánh thức mãnh thú”

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng với thực lực hải quân của Bắc Kinh như hiện nay và trong bối cảnh quan hệ song phương đang có nhiều diễn biến phức tạp, những tuyên bố cứng rắn của các tướng lĩnh Trung Quốc có thể sẽ đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột nóng.

Dọa nhấn chìm tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc có thể “đánh thức mãnh thú” - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS John C. Stennis và các máy bay F/A-18 Hornet của Mỹ. (Ảnh: US Navy)

Trung Quốc gần đây đã có một loạt động thái nhằm thách thức sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực. Bắc Kinh đã triển khai các tên lửa "sát thủ diệt hạm" DF-26 tại khu vực cao nguyên và sa mạc với tầm bắn có thể bao trùm Biển Đông. Trung Quốc trước đây từng thử nghiệm các tên lửa tương tự DF-26 nhằm tấn công giả định các tàu sân bay Mỹ và thiết kế loại vũ khí này để áp đảo các tàu hải quân Mỹ.

Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ hôm 7/1 đã tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải gần Hoàng Sa, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Trước đó, các tướng lĩnh Trung Quốc với lập trường cứng rắn cũng đưa ra những tuyên bố "nắn gân" Mỹ. Trong bài phát biểu hồi tháng 12 năm ngoái, Chuẩn đô đốc La Viện, phó giám đốc học viện khoa học quân sự Trung Quốc và là một tướng "diều hâu" chống Mỹ, đề xuất phương án đánh chìm một hoặc hai tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông. Trong khi đó, Đại tá không quân Đới Húc, Viện trưởng Viện Hợp tác và An toàn Hàng hải Trung Quốc, đề xuất rằng hải quân Trung Quốc nên đâm vào các tàu của hải quân Mỹ nếu các tàu này xâm phạm cái gọi là "lãnh hải" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Zhang Junshe, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, trong tháng này từng nói rằng nếu có bất kỳ cuộc xung đột nào xảy ra giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, Washington sẽ là bên phải gánh trách nhiệm dù cho bối cảnh xảy ra là gì.

Theo Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc, những phát biểu trong nội bộ Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các nhà nghiên cứu, không phải là tuyên bố chính thức của Bắc Kinh, song cũng không thể bỏ qua những phát ngôn này.

"Việc các tướng lĩnh "diều hâu" (Trung Quốc) sẵn sàng đưa ra những tuyên bố nguy hiểm như vậy là dấu hiệu cho thấy những tiếng nói mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc đang dẫn dắt chính sách của Trung Quốc trong khu vực", John Hemmings, chuyên gia về Trung Quốc tại Hiệp hội Henry Jackson, nói với Business Insider.

Đô đốc La Viện cho rằng "điều khiến Mỹ sợ nhất là xảy ra thương vong" và cảnh báo kịch bản đánh chìm tàu sân bay Mỹ có thể cướp đi sinh mạng của 5.000 thủy thủ. Tại Mỹ, một số ý kiến cũng tỏ ra lo ngại về điều này. Họ cho rằng đô đốc Trung Quốc đã đúng khi nhận định việc mất đi một tàu sân bay có thể làm giảm quyết tâm của Mỹ trong bất kỳ cuộc xung đột nào.

Jerry Hendrix, cựu đại tá Hải quân Mỹ, từng cảnh báo rằng các tàu sân bay được xem là biểu tượng "thiêng liêng" của vị thế quốc gia. Do vậy, Mỹ có lẽ cũng lo ngại việc đưa các tàu chiến "siêu khủng" này tham gia một cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Nguy cơ xung đột

Dọa nhấn chìm tàu sân bay Mỹ, Trung Quốc có thể “đánh thức mãnh thú” - Ảnh 2.

Đô đốc Mỹ John Richardson sắp có chuyến thăm tới Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Thực tế cho thấy mặc dù Mỹ đã từng mất các tàu sân bay trước đây, song nước này chưa bao rút lui khỏi các cuộc xung đột.

"Quyết định bám đuổi tàu sân bay, một con tàu được trang bị vũ khí hạt nhân, là quyết định mà bất kỳ thế lực nước ngoài nào cũng phải cân nhắc với sự dè dặt nhất. Họ phải hiểu rằng nếu nhắm mục tiêu tới tàu sân bay, cơn thịnh nộ sẽ trút xuống đầu họ", Bryan McGrath, giám đốc điều hành của hãng tư vấn hải quân FerryBridge, nhận định.

Theo ông McGrath, những lời đe dọa nhằm vào tàu sân bay Mỹ không mới. Mặc dù các tàu của Mỹ có thể sẽ phải nỗ lực để ứng phó với mối đe dọa từ các tên lửa mới của Trung Quốc, song sức mạnh của tàu sân bay Mỹ là điều không thể phủ nhận.

"Tôi có lẽ sẽ ngạc nhiên hơn nếu nghe các cựu đô đốc Trung Quốc nói rằng, "việc chúng ta (Trung Quốc) đóng tàu sân bay là một trong những quyết định ngớ ngẩn nhất của thế kỷ 21 vì người Mỹ sẽ dọn sạch chúng trong 3 ngày đầu tiên của cuộc chiến", ông McGrath nói, đồng thời mô tả những bình luận của tướng La Viện là chiến thuật "dằn mặt" vô tác dụng.

Chuyên gia Hemmings cũng chia sẻ quan điểm với chuyên gia McGrath về sức mạnh thực sự của quân đội Trung Quốc.

"Những lời đe dọa của Trung Quốc chỉ phản tác dụng. Hải quân Trung Quốc đơn giản là chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến với đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Kinh (Mỹ)", ông Hemmings nhận định.

Theo Business Insider, mặc dù hải quân Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về số lượng tàu và quân đội Trung Quốc một ngày nào đó có thể áp đảo Mỹ về sức mạnh, nhưng ngày đó vẫn chưa đến. Các tướng Trung Quốc cũng từng công khai thừa nhận rằng điểm yếu lớn nhất của họ là sự thiếu kinh nghiệm trong chiến đấu.

Trung Quốc có thể cho rằng việc đưa ra tuyên bố đánh chìm tàu chiến và tàu sân bay Mỹ sẽ thu hút sự chú ý của dư luận, nhưng ông McGrath nhận định quân đội Trung Quốc thực sự xem đây là một động thái nguy hiểm.

"Nếu Trung Quốc đánh chìm một tàu sân bay (Mỹ), họ sẽ đánh thức mãnh thú. Tôi đang nói về một cuộc chiến tranh lớn thực sự", ông McGrath nói.

AFP đưa tin Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, sẽ thăm Trung Quốc vào tuần tới và gặp gỡ người đồng cấp Thẩm Kim Long. Chuyến thăm kéo dài từ ngày 13-16/1 trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.


Thành Đạt

Theo BI