1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đô đốc Nga phỏng đoán "vật thể lạ" tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm ở Biển Đông

Minh Phương

(Dân trí) - Đô đốc nghỉ hưu của Nga cho rằng, rất có thể tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ đã va chạm với một giàn khoan dầu khi hoạt động ở Biển Đông, khiến 11 thủy thủ bị thương.

tau ngam My_Drive.jpeg

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut của Mỹ (Ảnh: Drive).

Tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut ngày 8/10 đã cập cảng ở đảo Guam sau vụ va chạm "vật thể lạ" ở vùng biển quốc tế tại Biển Đông. Giới chức hải quân Mỹ sẽ đánh giá thiệt hại cũng như điều tra làm sáng tỏ vụ va chạm khiến 11 thủy thủ bị thương.

Đô đốc về hưu Vladimir Valuyev, cựu chỉ huy Hạm đội Baltic của Nga, đã đưa ra giả thuyết về vật thể mà tàu ngầm tấn công của Mỹ đã va chạm phải.

"Một vụ va chạm với một tàu ngầm khác có thể xảy ra, nhưng trong trường hợp đó, vụ va chạm ở mức khiến thủy thủ đoàn bị thương, lẽ ra hai tàu ngầm phải nổi lên trên mặt nước để đánh giá thiệt hại. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Hơn nữa, khó có thể tin rằng một tàu ngầm hiện đại lớp Seawolf không nhận biết được tàu ngầm khác đang tiến về phía mình", ông Valuyev nhận định với Sputnik.

Cũng theo cựu quân nhân Nga, với các hệ thống định vị hiện đại, khả năng tàu đâm va vào một rạn san hô hay bãi đá ngầm gần như không xảy ra.

Ông Valuyev tin rằng, lý giải thích hợp nhất trong trường hợp này là tàu ngầm USS Connecticut của Mỹ đã đâm vào một giàn khoan dầu mới dựng gần đây hoặc đang dựng dở dang và hạm đội của Mỹ vẫn chưa nắm được thông tin".

USS Connecticut là một tàu ngầm tấn công lớp Seawolf chạy bằng năng lượng hạt nhân với mức giá lên tới 3 tỷ USD. Con tàu có tải trọng 9.300 tấn, được vào biên chế từ năm 1998, được vận hành bởi 140 thủy thủ.

Theo thông cáo ngày 7/10 của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, con tàu đã va chạm với một vật thể chưa xác định hôm 2/10 khi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Vụ va chạm khiến 11 thủy thủ trên con tàu bị thương nhẹ nhưng lò phản ứng của USS Connecticut may mắn không bị ảnh hưởng. Nguyên nhân va chạm vẫn đang được điều tra làm rõ.

Tàu ngầm Mỹ thực hiện sứ mệnh nào khi gặp nạn?

Hiện chưa rõ tính chất hoạt động của tàu ngầm USS Connecticut vào thời điểm xảy ra va chạm, nhưng một quan chức hải quân Mỹ nói với AP rằng, đây là một hoạt động định kỳ.

Bryan Clark, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ và hiện là chuyên gia quốc phòng tại Viện nghiên cứu Hudson, cho rằng con tàu có thể gặp nạn khi đang hoạt động ở độ sâu lớn gần đáy biển. Biển Đông vốn là môi trường hoạt động nhiều thử thách đối với các tàu ngầm bởi vì hầu hết các vùng biển ở đây rất sâu so với các vùng biển Thái Bình Dương lân cận, với độ sâu đến hàng nghìn mét.

Chuyên gia này nhận định thêm, việc các thủy thủ chỉ bị thương nhẹ cho thấy, có thể lúc gặp nạn, con tàu đang di chuyển chậm vì hoạt động gần đáy biển. Ông Clark nói, ông không ngạc nhiên nếu tàu USS Connecticut khi đó đang thực hiện sứ mệnh do thám các hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Trung Quốc được cho là đồn trú một số lượng tàu ngầm chưa xác định tại căn cứ hải quân Yulin ở đảo Hải Nam.

Ngoài giả thuyết do thám, ông Clark không loại trừ các giả thuyết khác như con tàu đang thực hiện nhiệm vụ vẽ bản đồ dưới nước.

Collin Koh, chuyên gia phân tích an ninh hàng hải của Viện nghiên cứu quốc tế, trường S. Rajaratnam của Singapore, cảnh báo địa hình phức tạp của vùng biển trong khu vực cùng với cuộc chạy đua phát triển tàu ngầm làm tăng nguy cơ các sự cố va chạm tương tự.

Trung Quốc đề nghị Mỹ công bố chi tiết vụ va chạm

Đô đốc Nga phỏng đoán vật thể lạ tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm ở Biển Đông - 2

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: Kyodo).

Ngay sau khi Mỹ công bố sự cố liên quan đến tàu USS Connecticut, Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại và đề nghị Washington cung cấp thêm chi tiết về vụ việc.

"Mỹ nên minh bạch thêm chi tiết về vụ việc, bao gồm vị trí cụ thể, ý định điều hướng, các diễn biến chi tiết, vật thể mà tàu ngầm đã đụng phải, và liệu vụ va chạm có gây rò rỉ hạt nhân hay gây tổn hại cho môi trường biển không", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói trong một cuộc họp báo ngày 8/10.

Ông Triệu chỉ trích Mỹ "thiếu minh bạch" và "cố tình trì hoãn hoặc che giấu chi tiết vụ việc". Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng cáo buộc hoạt động của Mỹ ở Biển Đông "đe dọa hòa bình và ổn định ở khu vực".

Các quan chức Mỹ giải thích, vụ việc xảy ra hôm 2/10, nhưng chỉ được công bố gần một tuần sau đó là bởi họ muốn đảm bảo an ninh cho con tàu trong hành trình trở về đảo Guam sau sự cố.