Trung Quốc lên tiếng vụ tàu ngầm hạt nhân Mỹ va chạm vật thể lạ ở Biển Đông
(Dân trí) - Trung Quốc bày tỏ quan ngại sau khi một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ va phải một "vật thể lạ" khi hoạt động tại vùng biển được cho là Biển Đông.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay 8/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói: "Trung Quốc vô cùng quan ngại về vụ việc này".
Ông Triệu nhấn mạnh, Mỹ và các nước khác có liên quan nên công bố các chi tiết về vụ việc, bao gồm "địa điểm chính xác xảy ra va chạm, mục đích của chuyến đi và chi tiết vật thể mà tàu ngầm đã va chạm".
Bình luận trên được đưa ra sau khi Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ cho biết: "Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Seawolf, USS Connecticut, của Hải quân Mỹ đã va chạm với một vật thể hôm 2/10 khi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những người bị thương không bị đe dọa tính mạng".
Thông cáo không nêu cụ thể địa điểm xảy ra va chạm, nhưng hai quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, khu vực này nằm ở vùng biển quốc tế ở Biển Đông.
Sự cố khiến 11 thủy thủ bị thương và con tàu đang trở về cảng ở đảo Guam để đánh giá hư hại, phục vụ điều tra. Lò phản ứng của USS Connecticut không bị ảnh hưởng và con tàu vẫn "an toàn và ổn định".
USS Connecticut là một tàu ngầm tấn công lớp Seawolf chạy bằng năng lượng hạt nhân với mức giá lên tới 3 tỷ USD. Con tàu có tải trọng 9.300 tấn, được vào biên chế từ năm 1998, được vận hành bởi 140 thủy thủ.
Với kích thước lớn hơn so với các tàu ngầm tấn công lớp Virginia, USS Connecticut có thể mang được nhiều vũ khí hơn các tàu ngầm tấn công khác của Mỹ, trong đó, có thể mang tới 50 ngư lôi và các tên lửa hành trình Tomahawk.
Mặc dù đã có tuổi đời hơn 20 năm, nhưng con tàu vẫn được đánh giá vận hành nhanh, êm, trang bị vũ khí và các cảm biến hiện đại.
Vì sao tàu ngầm Mỹ gặp sự cố?
Hiện chưa rõ tàu ngầm USS Connecticut đã va chạm với vật thể gì, nhưng một quan chức Mỹ nhận định, đó có thể là xác một con tàu đắm, một container bị đắm hoặc một vật thể nào khác ít khả năng là một tàu ngầm khác.
Theo các nhà phân tích, tính chất vùng Biển Đông có thể là một thách thức với hệ thống định vị thủy âm của tàu ngầm USS Connecticut. Các tàu hải quân thường sử dụng hệ thống cảm biến thụ động để phát hiện vật thể ở vùng biển xung quanh. Nếu cảm biến chủ động phát ra tiếng ping để xác định vật thể nằm trên đường đi của tàu, thì cảm biến thụ động chỉ phát hiện âm thanh đi về phía nó.
Sử dụng cảm biến thụ động giúp con tàu hoạt động êm hơn, tránh bị đối phương phát hiện. Điều đó có nghĩa là các tàu ngầm phải dựa vào nhiều thiết bị khác hoặc nhiều cảm biến thụ động để xác định vật thể trên đường đi.
Do Biển Đông là một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới, các loại âm thanh từ tàu mặt nước có thể gây trở ngại cho hệ thống định vị thủy âm của các tàu ngầm bên dưới. "Dựa vào địa điểm xảy ra vụ va chạm, tôi cho rằng, những âm thanh hỗn tạp ở trên có thể đã ảnh hưởng đến hệ thống cảm biến của con tàu", Alessio Patalano, giáo sư tại trường Cao đẳng King's, bình luận. Theo ông, các cảm biến có thể đã không phát hiện được vật thể nhỏ trong môi trường ồn.
Carl Schuster, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, cũng cho rằng có thể thứ gì đó từ bên dưới đã gây ra sự cố.
Ông nói: "Môi trường của những vùng nước đó và đáy biển đang ở trong tình trạng thay đổi chậm nhưng liên tục. Đây là một khu vực đòi hỏi phải lập bản đồ dưới nước liên tục, nếu không tàu có thể đâm vào một ngọn núi chưa được phát hiện ở dưới đó. Đó là lý do tại sao các nước trong khu vực, Mỹ và Trung Quốc liên tục khảo sát và tuần tra".