Điều tra bản "danh sách đen" trong chính quyền Tổng thống Park Geun-hye
Ngày 9-1, phiên xử thứ 9 liên quan đến bê bối của bạn thân Tổng thống Park Geun-hye, bà Choi Soon-sil đã được Quốc hội tiến hành. Tuy nhiên, rất ít trong số 20 người được triệu tập xuất hiện trong phiên xử này.
Bà Choi Soon-sil, bạn thân của Tổng thống Hàn Quốc và là nhân vật trung tâm của bê bối chính trị hiện nay đã từ chối tham dự phiên xử này. Lý do mà bà Choi Soon-sil đưa ra là vì bà còn phải chuẩn bị cho phiên xét xử chính mình dự kiến diễn ra vào ngày 11-1.
Quốc hội Hàn Quốc tạm thời chấp nhận sự vắng mặt này trong ngày 9-1 và cho biết sẽ xin quyết định của tòa án Hiến pháp về bước đi tiếp theo đối với bà Choi Soon-sil trong điều trần về Tổng thống Park Geun-hye được tổ chức ngày 10-1.
Một Thượng nghị sĩ trong Quốc hội khi trả lời tờ Korean Times cho hay, tòa án Hiến pháp không loại trừ khả năng dùng sức mạnh để buộc bà Choi Soon-sil tới dự phiên xử. Cũng theo Thượng nghị sĩ này thì nếu Tổng thống Park Geun-hye vẫn tiếp tục vắng mặt, phiên điều trần thứ 3 nhằm vào Tổng thống vẫn tiếp diễn với sự tham gia của người đại diện.
Tại phiên xử được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc ngày 9-1, Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc Kim Sung Tae cũng cho biết, các nghị sĩ sẽ thúc đẩy kéo dài cuộc điều tra của Quốc hội và tìm kiếm sự đồng tình của 4 đảng chính trị chính. Trước đó, quyết định điều tra cho phép sẽ kết thúc trong tuần này.
Đáng chú ý là trong ngày 9-1, nhóm công tố viên đặc biệt thuộc Uỷ ban đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc cũng đã đưa ra những cáo buộc mới đối với bà Choi Soon-sil, trong đó có cáo buộc tham nhũng và hé lộ một bản “danh sách đen” trong chính quyền Tổng thống Park Geun-hye.
Cụ thể, hãng Yonhap cho biết, các công tố viên đã triệu tập cựu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kim Jong-deok, cựu thư ký Tổng thống phụ trách về vấn đề văn hóa Kim Sang-yule, cựu Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội, hai lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn Samsung gồm người đứng đầu văn phòng chiến lược Choi Ji-sung và Phó phụ trách văn phòng Chang Chung Ki.
Các công tố viên đã lập luận rằng, văn phòng chiến lược của Tập đoàn Samsung đã hối lộ Tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil để được ưu ái trong vụ sáp nhập quan trọng giữa Samsung C&T và Cheil Industries hồi tháng 7 năm 2015. Và liên quan đến vụ sáp nhập này còn có người đứng đầu Cơ quan hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS) Moon Hyung-pyo.
Ông này đã bị bắt giữ hôm 31-12-2016 để phục vụ công tác điều tra. Cũng theo nguồn tin từ hãng Yonhap, cựu Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kim Jong-deok, cựu thư ký Tổng thống phụ trách về vấn đề văn hóa Kim Sang-yule buộc phải trả lời xung quanh thông tin họ đã giúp bà Choi Soon-sil lập một bản danh sách về những nhân vật văn hóa bị cho là phản đối chính quyền Tổng thống Park Geun-hye. Từ đó, hai nhân vật này giúp bà Choi Soon-sil hướng dẫn loại bỏ những đối tượng nói trên.
Như vậy, bê bối chính trị ở Hàn Quốc ngày càng được khoét sâu và để lộ những mặt trái đằng sau thông tin bà Choi Soon-sil thao túng chính quyền. Nhiều nhà phân tích nhận định, vào thời điểm này, kịch bản bầu cử sớm và Tổng thống Park Geun-hye từ chức nhiều khả năng sẽ xảy ra. Hiện tại, uy tín của bà Park Geun-hye đã xuống ở mức dưới 20%, mức thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây.
Phong trào biểu tình kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc từ chức hiện cũng đang được mở rộng. Mới đây nhất, vào ngày 7-1, hàng trăm ngàn người Hàn Quốc đã đổ xuống đường phố thủ đô Seoul biểu tình đòi thay thế Tổng thống ngay lập tức. Nhóm người này đã tuần hành tới Nhà Xanh, văn phòng Thủ tướng, tòa nhà Quốc hội và trụ sở tòa án Hiến pháp.
Theo Phan Hiển
Công an nhân dân