1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều ít biết về "đảo đá bị ghét nhất" ở Triều Tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Một hòn đảo của Triều Tiên liên tục biến thành mục tiêu dội tên lửa trong các vụ thử vũ khí của Bình Nhưỡng tới mức nhiều chuyên gia hài hước gọi nó là "đảo đá bị ghét nhất" tại quốc gia Đông Á.

Điều ít biết về đảo đá bị ghét nhất ở Triều Tiên - 1

Tên lửa Triều Tiên dội vào một vách đá được cho là đảo Alsom hồi năm 2019 (Ảnh: KCNA).

Tháng trước, khi Triều Tiên thực hiện số lượng nhiều chưa từng có vụ thử tên lửa, một nơi tại quốc gia này đã bị hứng chịu nhiều hỏa lực nhất: Đảo Alsom - một đảo đá với tên gọi có ý nghĩa là "Vùng đất không người ở".

Alsom nằm cách khu vực duyên hải Triều Tiên 18 km, đã trở thành mục tiêu của 25 vụ thử tên lửa kể từ năm 2019. Chỉ riêng trong tháng trước, có 8 tên lửa đã dội vào Alsom.

Quân đội Hàn Quốc đã theo dõi sát đảo đá này, đặc biệt là khi Triều Tiên xây một cấu trúc rộng 10 mét vào tháng 8/2020, theo nghị sĩ Hàn Quốc Yoon Ju-kyeong. Cấu trúc này được cho là nhằm để thử các quả bom phá boong-ke và thậm chí có những nghi vấn rằng, nó có thể được giả lập giống một công trình quan trọng ở Seoul.

Điều ít biết về đảo đá bị ghét nhất ở Triều Tiên - 2

Đảo Alsom của Triều Tiên (Ảnh: TOI).

Quá nhiều hỏa lực dội vào một hòn đảo đã khiến Alsom trở thành chủ đề được quan tâm. Chuyên gia vũ khí Joseph Dempsey hài hước so sánh Alsom là "đảo đá bị ghét nhất" Triều Tiên.

Ông Dempsey từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Anh, cho biết đảo Alsom được xem là điểm thử nghiệm phù hợp cho các hệ thống tên lửa tầm ngắn mới của Triều Tiên, ví dụ như tên lửa KN-23. Loại vũ khí này có tầm tấn công bao phủ Hàn Quốc.

"Mục tiêu tương đối nhỏ và rõ ràng này là lựa chọn tốt nhằm thể hiện độ chính xác của vũ khí, nhất là trong mục đích tuyên truyền", ông Dempsey cho hay.

Trong những tuần qua, Triều Tiên liên tục thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất của họ bằng cách nã nó vào Alsom. Một số tên lửa lao vào các mỏm đá với tốc độ hơn 3.000 km/h. Ngoài ra, Triều Tiên cũng sử dụng hòn đảo để chứng minh tính chính xác của các tên lửa hành trình tầm xa mà họ mô tả là có thể bay 1.800 km trước khi lao vào mục tiêu hôm 25/1.

Điều ít biết về đảo đá bị ghét nhất ở Triều Tiên - 3

Một vụ thử tên lửa nhằm vào đảo Alsom, Triều Tiên (Ảnh: Reuters).

Alsom nằm đủ xa bờ để tạo ra một vùng đệm nếu tên lửa thử nghiệm gặp vấn đề và đủ gần để đảm bảo chỉ các tàu Triều Tiên mới ở khu vực này. Với độ dài khoảng 850 mét, đảo này đủ nhỏ để Triều Tiên gửi đi thông điệp tới các đối thủ rằng họ có thể tấn công chính xác vào mục tiêu đã định từ trước.

Từ khi lên nhậm chức lãnh đạo Triều Tiên hơn 10 năm trước, ông Kim Jong-un đã nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí nước này. Trước đó, Triều Tiên phụ thuộc vào các tên lửa Scud với độ chính xác còn khá mơ hồ. Trong khi đó, tên lửa nhiên liệu rắn, tầm gần mới xuất hiện từ năm 2019 có thể bay xa 250-500 km.

Trong bối cảnh Triều Tiên tăng tần suất thử tên lửa thời gian qua, Alsom trở thành nơi để họ thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền. Truyền thông nhà nước Triều Tiên liên tục đăng hình ảnh tên lửa phóng vào hòn đảo trong những ngày gần đây.

Trong tháng qua, căng thẳng xung quanh tình hình bán đảo Triều Tiên leo thang khi Bình Nhưỡng liên tục thử vũ khí. Gần đây nhất, Bình Nhưỡng đã thử tên lửa lớn nhất từ năm 2017 và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, khiến Mỹ và các đồng minh quan ngại. 

Theo www.scmp.com