Điều ít biết về cuộc sống của các nhà ngoại giao tại Triều Tiên
(Dân trí) - Các nhà ngoại giao nước ngoài tại Triều Tiên sống và làm việc trong môi trường khác biệt hơn so với các cơ quan ngoại giao nước ngoài khác trên thế giới.
Nhiều người cho rằng Triều Tiên là nước có ít quan hệ ngoại giao nhất, tuy nhiên thực tế cho thấy quốc gia Đông Bắc Á này có số lượng đại sứ quán nước ngoài rất đông đảo.
Mặc dù từng gây tranh cãi về vấn đề nhân quyền và chương trình hạt nhân, song Triều Tiên hiện vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với 164 quốc gia, trong đó có 25 nước đặt đại sứ quán tại thủ đô Bình Nhưỡng, bao gồm Anh và Thụy Điển.
John Blaxland, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết hoạt động ngoại giao tại Triều Tiên không giống bất kỳ quốc gia nào khác.
“Quan hệ ngoại giao với Triều Tiên hời hợt, khó khăn và không quá sâu sắc”, ông Blaxland nói, đồng thời cho biết có rất ít cơ hội để các nhà ngoại giao nước ngoài có thể hợp tác tích cực với những người đồng cấp Triều Tiên.
“Các nhà ngoại giao bị theo dõi, tuần tra, giám sát chặt chẽ, do vậy tạo ra rào cản rất lớn cho công việc của một nhà ngoại giao”, ông Blaxland cho biết.
Đèn tắt lúc 9 giờ tối
Andry Yuwono, một nhân viên lãnh sự tại đại sứ quán Indonesia ở Bình Nhưỡng, chia sẻ với ABC rằng anh đã tìm được một căn nhà mới ở Triều Tiên để sống cùng gia đình gồm 4 người.
Yuwono cho biết anh được tự do nói chuyện với người dân địa phương, sử dụng phương tiện công cộng và có thể bắt taxi đi vòng quanh thủ đô Bình Nhưỡng với một giám sát viên của chính phủ. Tuy nhiên nếu muốn đi xa hơn ngoài Bình Nhưỡng, anh cần có sự cho phép đặc biệt và một số khu vực bị cấm tiếp cận.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên khi tôi lần đầu tiên tới đây là tất cả đèn đều tắt vào lúc 9 giờ tối và chúng tôi không thể vào các cửa hàng trên đường”, Yuwono nói.
Yuwono tới Triều Tiên cùng vợ và các con vào năm 2002. Con trai anh theo học một trường quốc tế ở Bình Nhưỡng, nơi có đầy đủ cấp học từ mầm non cho tới phổ thông. Cậu bé học cùng với con của các nhà ngoại giao khác trong thời gian công tác của bố mẹ tại Triều Tiên và được miễn học phí.
Yuwono cho biết các học sinh như con anh được dạy 10 môn khác nhau tại trường. Nhà ngoại giao Indonesia cũng ca ngợi hệ thống giáo dục “chuẩn quốc tế” của Triều Tiên.
“Cuộc sống hàng ngày diễn ra khá bình thường. Chúng tôi có thể đi chợ mua đồ, chơi với người dân địa phương ở công viên. Tuy nhiên chúng tôi không thể tự ý chụp ảnh. Cuộc sống của người dân địa phương và người nước ngoài thường tách biệt. Chúng tôi sống trong một căn hộ với các điều kiện sống ổn định. Chúng tôi vẫn có thể xem truyền hình Indonesia, nhưng chỉ có vài kênh”, Yuwono cho biết thêm.
Đại sứ quán ở Bình Nhưỡng
Hầu hết các đại sứ quán tại Triều Tiên đều nằm ở một khu vực đặc biệt tại Bình Nhưỡng hay còn gọi là khu ngoại giao Monsu-dong. Tuy nhiên 3 đại sứ quán lớn nhất là Nga, Trung Quốc và Pakistan nằm ngoài khu vực này.
Hầu hết sự hiện diện ngoại giao của các nước tại Triều Tiên đều có liên quan tới quan hệ lịch sử của nước đó với Bình Nhưỡng. Quan hệ của Triều Tiên với Nga và Trung Quốc có từ thời Chiến tranh Lạnh, trong khi quan hệ với Pakistan bắt đầu từ sự nổi lên của phong trào chống Mỹ trong thập niên 1970. Đức và Ấn Độ cũng duy trì quan hệ ngoại giao với Triều Tiên từ thời Chiến tranh Lạnh và chiến tranh Triều Tiên.
Đối với những nước này, việc mở đại sứ quán tại Triều Tiên là quyết định dựa trên cả yếu tố về kinh tế cũng như an ninh quốc gia. Theo Giáo sư Blaxland, việc một quốc gia nào đó đóng cửa đại sứ quán, sau đó mở lại tại Triều Tiên, sẽ rất tốn kém trong việc bảo đảm an ninh do có rất nhiều vấn đề an ninh nhạy cảm trong khuôn viên khu ngoại giao, bao gồm nguy cơ bị đặt thiết bị nghe lén.
Do vậy, một số quốc gia thay vì đóng cửa đại sứ quán tại Triều Tiên đã chọn phương án duy trì sự hiện diện ở mức thấp nhất. Chẳng hạn Indonesia chỉ có 4 nhân viên làm việc trong đại sứ quán ở Bình Nhưỡng.
Thông thường, nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan ngoại giao của một nước là nhằm hỗ trợ cho công dân của nước đó ở nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng người nước ngoài tới Triều Tiên rất hạn chế, do vậy nhiều câu hỏi được đặt ra về vai trò của các đại sứ quán tại Triều Tiên.
Theo Giáo sư Blaxland, ngoài chức năng lãnh sự, các cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Triều Tiên cũng khai thác các cơ hội thương mại, giám sát hoặc đóng các liên kết thương mại với Triều Tiên sau các lệnh trừng phạt, đồng thời thu thập thông tin.
An ninh của nhà ngoại giao
Theo Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, đại sứ quán của một quốc gia ở nước ngoài được xem là vùng an toàn ngoại giao, được miễn trừ tất cả các hoạt động khám xét và được coi là lãnh thổ ở nước ngoài của quốc gia đó.
Nhà ngoại giao Indonesia Yuwono cho biết tính đến thời điểm hiện tại, anh chưa từng gặp bất kỳ rắc rối nào kể từ khi chuyển tới Triều Tiên công tác từ cách đấy hơn 10 năm.
“Bản thân tôi nhận thấy đây là đất nước rất an toàn để sống, tỷ lệ tội phạm gần như bằng 0. Mặc dù tỷ lệ đói nghèo vẫn thấp hơn mức trung bình, nhưng tôi đánh giá cao việc Triều Tiên có khả năng tự xoay sở”, ông Yuwono nói.
Một trong những nước phương Tây đầu tiên mở đại sứ quán tại Triều Tiên là Thụy Điển - quốc gia vẫn giữ quan hệ hữu nghị và hỗ trợ cho Bình Nhưỡng từ năm 1975. Một trong những nước phương Tây cuối cùng mở đại sứ quán tại Bình Nhưỡng là Anh (năm 2002). Mặc dù quan hệ thăng trầm giữa hai nước, song đại sứ quán Anh vẫn cung cấp các chương trình đào tạo tiếng Anh và nhân quyền cho giới chức Triều Tiên.
Australia mở đại sứ quán tại Triều Tiên từ tháng 4/1975 nhưng đã đóng cửa vài tháng sau đó do quan hệ ngoại giao đổ vỡ. Trong khi đó, Indonesia vẫn duy trì đại sứ quán tại Triều Tiên nhằm thúc đẩy quan hệ trên mọi lĩnh vực.
Thành Đạt
Theo ABC