Điều ít biết phía sau tên gọi của siêu biến chủng Omicron
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bỏ qua 2 chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên Omicron cho biến chủng mới của virus gây đại dịch Covid-19.
Ngày 26/11, WHO đã đặt tên cho biến chủng 1.1.529 được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi là Omicron. Đây là chữ cái thứ 15 trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Trước Omicron, biến chủng gần đây nhất được WHO đặt tên là Mu, tương ứng với chữ cái thứ 12 trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Nếu theo thứ tự của bảng chữ cái Hy Lạp, lẽ ra tên biến chủng mới được phát hiện ở Nam Phi phải là Nu hoặc Xi, tương ứng chữ cái thứ 13 và 14. Tuy nhiên, WHO đã không sử dụng 2 tên này.
Trong tuyên bố hôm 27/11, WHO nói rằng "Nu rất dễ bị nhầm lẫn với "new" (mới), trong khi "Xi" không được sử dụng vì đây là tên họ phổ biến".
WHO cũng khuyến cáo tránh đặt tên "gây xúc phạm đến các nền văn hóa, xã hội, quốc gia, khu vực, cũng như các nhóm dân cư và ngành nghề".
Tên gọi mới do WHO đặt cho biến chủng 1.1.529 gây nhiều tranh cãi, khi một số quan điểm hoài nghi về việc tổ chức này bỏ qua các chữ cái theo thứ tự.
WHO hồi tháng 5 đã thông báo về việc áp dụng hệ thống bảng chữ cái Hy Lạp để gọi tên các biến chủng của virus SARS-CoV-2, giúp đơn giản hóa quá trình đặt tên virus và các biến chủng của chúng. WHO cho rằng cách đặt tên này rất đơn giản, dễ gọi và dễ nhớ, đồng thời lưu ý rằng việc gắn các biến chủng virus với một địa điểm cụ thể nào đó là hành động "kỳ thị và phân biệt đối xử".
Tiến sĩ Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Saskatchewan, cho biết cô đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn trong năm nay, trước khi việc đặt tên theo bảng chữ cái Hy Lạp được công bố, và đã vấp phải những giải thích khó hiểu về các biến chủng B.1.1.7 và B.1.351. Hiện các biến chủng này được gọi là Alpha, xuất hiện ở Anh, và Beta, xuất hiện ở Nam Phi.
Biến chủng Omicron gây lo ngại bởi có khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai, gấp đôi số đột biến ở Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên hơn.
Các nhà chức trách Anh ngày 25/11 gọi B.1.1.529 là biến chủng "tồi tệ nhất" và là biến chủng nhiều đột biến nhất từ trước đến nay của virus SARS-CoV-2.
Omicron đã lan đến hàng loạt quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước châu Âu. Ngay sau những tin tức về Omicron, các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước láng giềng.