1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều gì xảy ra nếu ông Trump và ông Putin thỏa thuận về Ukraine?

Bùi Ann

(Dân trí) - Tương lai thỏa thuận về Ukraine giữa Mỹ và Nga có thể sẽ khiến châu Âu cần chủ động hơn trong việc bảo vệ lợi ích cũng như hỗ trợ Ukraine.

Điều gì xảy ra nếu ông Trump và ông Putin thỏa thuận về Ukraine? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tại Phần Lan vào năm 2018 (Ảnh: Getty).

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẽ chấm dứt cuộc chiến Nga - Ukraine ngay trong ngày đầu nhậm chức, nhưng ông vẫn mơ hồ về cách thức thực hiện.

Tất nhiên, việc chấm dứt xung đột không hề đơn giản. Ngay cả khi ông có thể đạt được thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin thì một thỏa thuận mà  không có Ukraine và châu Âu tham gia cũng không có ý nghĩa gì nhiều trong việc chấm dứt chiến sự.

Trọng tâm của thỏa thuận Trump - Putin có thể bao gồm việc Mỹ không ủng hộ tư cách thành viên NATO của Ukraine, Kiev cam kết trung lập, công nhận lãnh thổ sáp nhập vào Nga, chấm dứt lệnh trừng phạt với Nga và hạn chế (hoặc chấm dứt) hỗ trợ quân sự cũng các hỗ trợ khác cho Ukraine.

Đổi lại, Nga có thể cam kết ngừng bắn và ngừng các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái vào Ukraine. Một khu phi quân sự dọc theo đường ranh giới hiện tại sẽ tách biệt lực lượng hai bên.

Theo các chuyên gia, Nga có thể chấp nhận một thỏa thuận như vậy vì những lý do chiến thuật để củng cố các lợi ích lãnh thổ, cũng như tái vũ trang và tái lập lực lượng.

Nga đã tái vũ trang với chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ đạt 32% ngân sách nhà nước vào năm tới. Những căng thẳng về tài chính do lệnh trừng phạt của Mỹ gây ra cũng có thể thúc đẩy Moscow đi đến một thỏa thuận. 

Tuy nhiên, hoàn toàn có khả năng thỏa thuận như trên sẽ không đạt được. 

Về phía Mỹ, việc chấp nhận tất cả các yêu cầu của ông Putin sẽ khiến ông Trump trông yếu đuối và khiến Ukraine phải chịu thất bại. 

Hơn nữa, ông Putin tin rằng mặc dù cuộc chiến này tốn kém và chậm dần, nhưng Nga đang đạt được những bước tiến trên chiến trường. Vì vậy, tại sao Nga phải đồng ý một thỏa thuận ngay bây giờ trong khi có thể đạt được nhiều hơn trên chiến trường? Lợi thế trên thực địa có thể tạo đòn bẩy giúp Nga đạt được một thỏa thuận có lợi hơn trong tương lai.

Một lệnh ngừng bắn cũng được Nga coi một kịch bản mạo hiểm. Bởi việc ngừng bắn có thể cho Ukraine thời gian để cải thiện lực lượng vũ trang với sự hỗ trợ từ các thành viên NATO. 

Trong trường hợp ông Putin từ chối một thỏa thuận, ông Trump sẽ cố tìm cách gây thêm áp lực lên Nga bằng việc hợp tác với Ả Rập Xê Út để làm suy yếu Nga trong hoạt động xuất khẩu dầu.

Ngoài ra, có kịch bản cho rằng ông Trump có thể sẽ cố gắng tạo lợi thế trên bàn đàm phán bằng cách thay đổi cán cân quyền lực trên chiến trường. Trong trường hợp này, có khả năng ông Trump sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine và dỡ bỏ thêm những hạn chế về việc sử dụng vũ khí của phương Tây để giúp Kiev đối phó với Nga. 

Tuy nhiên, cho dù ông Trump và ông Putin có thể đạt được thỏa thuận đi nữa, Ukraine và châu Âu có thể không chấp nhận điều đó. 

Hiện nay, Ukraine và châu Âu đang tăng cường sản xuất vũ khí, đạn dược. Điều này có thể giúp họ bù đắp một phần trong trường hợp Mỹ thực sự chấm dứt viện trợ quân sự. 

Nếu Ukraine và châu Âu từ chối thỏa thuận Trump - Putin, cuộc chiến sẽ tiếp tục. Vậy trước khi hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga thực sự tiến hành đàm phán, châu Âu cần chuẩn bị gì? 

Đầu tiên, châu Âu cần tăng cường chi tiêu quốc phòng ngay lập tức với cam kết tối thiểu mới là 3% GDP. Ngoài ra, mỗi quốc gia nên dành 0,5% GDP để hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả đầu tư vào lĩnh vực quốc phòng. Điều này sẽ giúp châu Âu xoay xở trước thỏa thuận Trump - Putin.

Thứ hai, châu Âu có thể gửi quân đội đến Ukraine với tư cách là huấn luyện viên và cố vấn, cũng như triển khai các vũ khí phòng không đến các quốc gia tiền tuyến. Điều này sẽ gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng châu Âu sẵn sàng chịu trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của chính mình và có thể tạo đòn bẩy cho vai trò quân đội châu Âu trong việc giám sát lệnh ngừng bắn trong tương lai.

Thứ ba, các đồng minh NATO nên tái khẳng định cam kết của họ trong việc đưa Ukraine trở thành thành viên của khối. Quá trình gia nhập EU của Ukraine cũng cần được xem xét khi con đường NATO có thể bị chặn. 

Theo Foreign Policy
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine