1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điều gì đang chờ đợi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tại Việt Nam?

Điều gì đang chờ đợi ngài Bộ trưởng? Có lẽ là ý muốn thắt chặt mối quan hệ hợp tác quân sự với Việt Nam.

 
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang có chuyến thăm Hà Nội trong thời gian từ ngày 03/06 đến ngày 05/06 sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao An ninh châu Á (còn gọi là Đối thoại quốc phòng Shangri-La) lần thứ 11 tại Singapore. Chuyến đi này nằm trong hoạt động trao đổi các chuyến viếng thăm ở cấp Bộ trưởng quốc phòng ba năm một lần giữa Mỹ và Việt Nam, bắt đầu từ năm 2003 sau chuyến đi của Bộ trưởng quốc phòng Phạm Văn Trà sang Washington.

Từ sau chuyến thăm của Bộ trưởng Phạm Văn Trà năm 2003 đến nay, các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai cơ quan quốc phòng đã thường xuyên diễn ra. Năm 2004 là cuộc đối thoại quốc phòng Mỹ - Việt đầu tiên. Bốn năm sau, cuộc đối thoại này được nâng lên thành Đối thoại Chính trị, An ninh và Quốc phòng, với sự tham gia của các quan chức cao cấp trong lĩnh vực ngoại giao và quốc phòng hai nước. Mới đây nhất, vào tháng 06/2011, cuộc đối thoại lần thứ 4 đã diễn ra tại Washington.

Bên cạnh đó, trong chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates sang Việt Nam năm 2010 và chuyến thăm của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh sang Washington cùng năm đó, Đối thoại quốc phòng Mỹ-Việt được nâng cấp khi cuộc Đối thoại về Chính sách Quốc phòng đầu tiên được tổ chức giữa các sĩ quan quân đội cao cấp của bộ Quốc phòng Việt Nam và của bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ở cấp thứ trưởng. Đến năm 2011, trong cuộc Đối thoại về Chính sách Quốc phòng lần thứ hai, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ chính thức đầu tiên (Memorandum of Understanding). Trong biên bản ghi nhớ chính thức năm 2011, có 5 lĩnh vực chính mà Mỹ và Việt Nam chú trọng hợp tác, đó là thiết lập đối thoại cấp cao đều đặn giữa hai bộ Quốc phòng, an ninh hàng hải, tìm kiếm và cứu hộ, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai.

Sau khi biên bản ghi nhớ ra đời năm ngoái, một loạt những hoạt động giao lưu, trao đổi giữa quân đội hai nước đã diễn ra. Hai nước đã có những trao đổi về đào tạo quân sự. Việt Nam mới gửi một số học viên đi học về quân y, tiếng Anh, một số vấn đề kỹ thuật tại Đại học An ninh Quốc gia của Mỹ (NDU), Mỹ cũng gửi chuyên gia sang Việt Nam đào tạo cho sĩ quan tại Học viện Quân sự. Bên cạnh đó, về an ninh biển, hiện Việt Nam đang được Mỹ và Nhật cung cấp hàng năm thông tin về dự báo thời tiết ở Biển Đông. Tiêu biểu nhất phải nhắc đến sự kiện ngày 1/8/2011, đại diện quân đội Mỹ và Việt Nam đã chính thức ký một bản thỏa thuận hợp tác y tế, thiết lập các cuộc giao lưu , hợp tác nghiên cứu y học quân sự. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ Việt-Mỹ nói chung và mối quan hệ quân sự nói riêng.

Theo thông cáo của Bộ quốc phòng Mỹ, chuyến công du của bộ trưởng Panetta lần này là nhằm thúc đẩy thỏa thuận để đạt được các bước tiến trong những lĩnh vực hợp tác đã kí kết trong biên bản ghi nhớ năm ngoái. Ngoài ra, bộ trưởng Panetta sẽ tìm kiếm một sự cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Tuyên bố hợp tác sơ khởi về quân y, được ký kết hồi tháng 08/2011.  Theo lời một quan chức tại Bộ Quốc phòng Mỹ, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đang phát triển "theo một quỹ đạo tốt" trong những năm qua (good trajectory with Vietnam over a number of years), thời điểm này là "cơ hội tuyệt vời" đối với Mỹ để nhấn mạnh lại thỏa thuận đã kí về hợp tác quốc phòng năm ngoái.

Trong bài phát biểu tại Shangri-la vừa rồi, Panetta đã công bố chi tiết kế hoạch quân sự của Mỹ thời gian tới, trong đó nhấn mạnh trong vòng vài năm tới, Mỹ sẽ tái bố trí hạm đội hải quân với mục tiêu đến năm 2020, có 60% tàu chiến Mỹ hoạt động tại châu Á-Thái Bình Dương. Ông cũng khẳng định lại một loạt các cam kết quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương, gồm các hiệp ước với các đồng minh và đối tác. Ông cho biết Mỹ sẽ nỗ lực xây dựng quan hệ quân sự khu vực thông qua những hoạt động hợp tác tương tự như thỏa thuận luân chuyển bố trí quân mà Mỹ đã đạt được với Australia và đang tiến hành với Philippines. Ngoài ra, Washington còn tăng số lượng cũng như quy mô các cuộc tập trận quân sự song phương và đa phương tại khu vực. Việc Mỹ bày tỏ rõ ràng sự quay lại và tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương không khỏi khiến người Trung Quốc phải quan tâm đến chuyến đi sau Shangri-La của Panetta. Chuyến đi của ông đến Việt Nam lần này chắc chắn có nhiều ý nghĩa trong thời điểm hiện nay và có thể xem là "một cơ hội tuyệt vời" đúng như lời của vị quan chức ở trên đã nói khi mà tình hình khu vực Đông Nam Á trong thời gian vừa qua không hề yên tĩnh. Những căng thẳng trên Biển Đông trong khoảng thời gian trước khi Shangri-La diễn ra sẽ có ảnh hưởng rất lớn vào những nội dung mà ông Panetta sẽ làm việc với người đồng nhiệm Việt Nam.

Điều gì đang chờ đợi ngài Bộ trưởng? Có lẽ là ý muốn thắt chặt mối quan hệ hợp tác quân sự với Việt Nam. Một thỏa thuận cho tàu chiến Mỹ thường xuyên xuất hiện tại Biển Đông trong các nhiệm vụ huấn luyện và cứu trợ sẽ vừa có tác dụng cảnh cáo sự hiếu chiến của nước khác, vừa đảm bảo an ninh hàng hải như người Mỹ mong muốn. Mới đây, BBC dẫn tin, Thượng Nghị Sĩ John McCain, thành viên trong Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, tiết lộ bên lề Diễn Ðàn Shangri-La rằng việc hai bên thương thuyết về việc Mỹ võ khí sát thương cho Việt Nam đang diễn ra trong chiều hướng "tích cực". Hơn thế nữa, việc Mỹ đang xem xét phê chuẩn UNCLOS sẽ có thể được đề cập trong nội dung làm việc của hai ngài bộ trưởng trong những ngày tới vì nếu Quốc hội Mỹ thông qua việc phê chuẩn UNCLOS, đó sẽ là cơ sở để ASEAN đưa Mỹ "đứng cùng chiến tuyến" một cách hợp pháp trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Leon Panetta cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định. Thứ nhất, ông phải đảm bảo kết quả chuyến đi không làm Trung Quốc có những phản ứng tiêu cực, một quan hệ đối tác lúc này với Trung Quốc sẽ tốt hơn là tăng thêm căng thẳng. Thứ hai, vẫn còn có những nghi ngại nhất định về ý đồ của Mỹ trong mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thành công của chuyến đi này nếu đạt được sẽ không chỉ thể hiện ở bản Thông cáo chung với những thỏa thuận tốt đẹp mà hai bên đạt được mà còn ở một động thái "răn đe" mang tính dây chuyền nhất định để đưa Biển Đông trở lại trạng thái yên tĩnh hơn.
 
Theo Giang Phạm
Tuanvietnam