Chuyến đi bí mật của Ngoại trưởng Mỹ tới Triều Tiên qua lời kể phóng viên
(Dân trí) - Hai phóng viên hiếm hoi có cơ hội tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến đi tới Triều Tiên gần đây đã chia sẻ những trải nghiệm khó quên của họ về quốc gia được cho là bí ẩn nhất thế giới.
Hai phóng viên Matthew Lee của hãng thông tấn AP và Carol Morello của báo Washington Post đã có cơ hội tháp tùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong chuyến đi tới Bình Nhưỡng trong tuần này. Trong bài viết được công bố hôm qua 12/5, Matthew Lee đã kể lại những trải nghiệm đặc biệt trong hành trình tới Triều Tiên cũng như sự khác biệt của chuyến đi lần này so với những dịp trước đó, cũng với vai trò là phóng viên của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Dưới đây là phần ký sự của phóng viên Mathew Lee:
Đặt chân tới Bình Nhưỡng
Sau khi máy bay hạ cánh xuống Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Pompeo được các quan chức Triều Tiên tiếp đón và bước lên chiếc limousine Mercedes. Trong khi đó, chúng tôi lên một chiếc Chevrolet và có thể dễ dàng nhận diện dòng xe này thông qua logo trên bánh xe dự phòng. Không rõ tài xế có biết tiếng Anh hay không nhưng người đàn ông này hoàn toàn im lặng, do vậy thắc mắc của chúng tôi về sự xuất hiện của dòng chữ “Con đường Mỹ” ở vị trí bảng điều khiển của tài xế không được giải thích.
Bình Nhưỡng đã thay đổi rất nhiều trong 20 năm qua. Ở đây xuất hiện nhiều tòa nhà cao tầng hơn và nhiều phương tiện hơn nhưng vẫn ít hơn rất nhiều so với thủ đô của các nước khác trên thế giới. Một đặc điểm khác biệt nữa của Bình Nhưỡng là những nữ cảnh sát giao thông thông minh mặc đồng phục. Họ hướng dẫn phân luồng cho xe ô tô với các động tác chuẩn xác. Do vị trí lắp đặt của đèn giao thông, họ phải di chuyển từ giữa các giao lộ tới các góc đường để làm nhiệm vụ.
Sau khi đi những cung đường uốn lượn với các đài tưởng niệm, bảo tàng, văn phòng chính phủ và biển hiệu cổ động cách mạng bề thế, chúng tôi tới khách sạn chính dành cho khách nước ngoài - khách sạn quốc tế Koryo. Nhiều người trong chúng tôi từng ở trong khách sạn này khi tới Bình Nhưỡng trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Albright năm 2000.
Khách sạn Koryo được mở cửa trở lại từ năm ngoái sau khi được tu sửa nhằm thay đổi phần thiết kế theo phong cách Liên Xô. Sàn nhà bằng đá cẩm thạch và tường sáng bóng, tuy nhiên hệ thống thang máy vẫn chậm chạp như 18 năm trước đây.
Vì lịch trình chưa chắc chắn của Ngoại trưởng Pompeo nên sảnh khách sạn Koryo, hiệu sách, khu bán đồ xa xỉ, quán cafe và nhà hàng truyền thống của Triều Tiên là những nơi tôi và Carol ghé qua trong gần 13 giờ đồng hồ tiếp theo. Trong khi đó, ông Pompeo gặp mặt và ăn trưa với các quan chức Triều Tiên trước khi có cuộc hội đàm kín với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Chúng tôi vẫn ngồi bên ngoài chờ tin và uống không biết bao nhiêu cốc cafe.
Chờ đợi
Hiệu sách đã giúp chúng tôi “giết thời gian”. Chỗ này bày bán các cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp chính trị của các cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il. Tại đây cũng bán sách ghi chép các giai thoại về nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo nhân viên bán hàng, những tấm thiệp phô trương sức mạnh quân sự của Triều Tiên, như hình những quả tên lửa trút xuống một khu vực được trang trí bằng hình ảnh sao vạch (cờ Mỹ) hay tượng Nữ thần Tự do bị phong tỏa, là những mặt hàng bán chạy nhất. Người phụ nữ này nói rằng hiệu sách chấp nhận nhiều loại tiền tệ, từ USD, euro, yên hay nhân dân tệ.
Nói chung chúng tôi đã phải chờ đợi rất lâu và chán nản. Tuy vậy, việc chờ đợi tại khách sạn Koryo cũng mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm khác biệt.
Cách đây 18 năm, Norbert Vollertson, một nhân viên cứu trợ người Đức tại Triều Tiên, đã nắm lấy cơ hội có sự hiện diện hiếm hoi của phóng viên nước ngoài và đánh liều lái xe đưa họ ra khỏi khách sạn để về khu vực ngoại ô, chỉ cho các phóng viên thấy cuộc sống khó khăn của người dân Triều Tiên. Hành động này bị coi là phạm pháp và Vollertson sau đó đã bị trục xuất.
Hôm 9/5, chúng tôi nhìn thấy các nhân viên khách sạn chăm chú theo dõi bản tin của kênh truyền hình nhà nước phát trên tivi. Đây là bản tin nóng đặc biệt nói về chuyến thăm kéo dài 2 ngày của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thành phố Đại Liên, Trung Quốc và gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Kim Jong-un đã đi bằng máy bay, thay vì tàu hỏa và đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên bằng máy bay của một nhà lãnh đạo Triều Tiên trong nhiều thập niên.
Rốt cuộc, Ngoại trưởng Pompeo cũng trở về sau 90 phút hội đàm với ông Kim Jong-un. Khi được hỏi về việc liệu các công dân Mỹ có được thả hay không, ông Pompeo làm dấu “bắt chéo ngón tay” (nghĩa là mong điều gì đó thành hiện thực). Khoảng 10 phút sau đó, một đặc phái viên của Triều Tiên xuất hiện và mang cho ông một tin tốt: Triều Tiên sẽ thả người. Và chúng tôi chuẩn bị trở về nhà.
Một nhóm nhỏ gồm các nhân viên y tế và quan chức được cử đi đón 3 công dân Mỹ. Những người còn lại trong số chúng tôi, bao gồm cả ông Pompeo, được đưa tới sân bay để chuẩn bị hành trình dài trở về Washington.
Khi các công dân Mỹ tới sân bay, chúng tôi thoáng nhìn thấy họ rời khỏi xe và bước lên máy bay. Không giống trường hợp của Otto Warmbier trước đây, 3 người này tự đi lại được và dường như giữ tinh thần ổn định khi lên máy bay. Khi máy bay tới Nhật Bản, họ được chuyển sang một máy bay khác nhỏ hơn của chính phủ Mỹ và chúng tôi không nhìn thấy họ thêm lần nào nữa cho tới khi họ tới căn cứ Andrews và ra khỏi máy bay trước sự chào đón của Tổng thống Trump. Chúng tôi theo dõi trực tuyến trên điện thoại từ khoảnh cách xa vì máy bay của chúng tôi không ở gần nơi họ và Tổng thống Trump gặp nhau.
Tổng thống Trump đón 3 công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do
Thành Đạt
Theo Dailymail