1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Điệp viên "Nữ hoàng Cuba" từng khuynh đảo nước Mỹ

Linh Phong

(Dân trí) - Ana Montes đã trải qua nhiều năm làm điệp viên bí mật của Cuba và bị Mỹ coi là một trong những điệp viên nguy hiểm nhất trong lịch sử nước này.

Điệp viên Nữ hoàng Cuba từng khuynh đảo nước Mỹ - 1

FBI đã bắt giữ Ana Montes 10 ngày sau vụ tấn công khủng bố 11/9 (Ảnh: FBI).

Ana Belén Montes tỏ ra nghiêm nghị trong lúc chụp ảnh ngay khi được trả tự do sau 22 năm tù hôm 6/1. Ở độ tuổi 66, mái tóc nâu của bà đã điểm bạc. Bà ra tù sớm 3 năm vì hành vi tốt và muốn trở về Puerto Rico để sống nốt phần đời còn lại. Rất ít dấu hiệu cho thấy Montes đã trải qua nhiều năm làm điệp viên bí mật của Cuba trong chính phủ Mỹ, hay bà từng bị Mỹ coi là một trong những điệp viên nguy hiểm nhất với nước này. Theo các chuyên gia, chính điều đó khiến bà trở thành một điệp viên hoàn hảo.

Ana Montes bị bắt vào ngày 21/9/2001 và bị kết tội âm mưu thực hiện hoạt động gián điệp chống Mỹ. Vào thời điểm đó, các quan chức tình báo Mỹ đã tìm một gián điệp Cuba trong chính phủ trong gần một thập niên và họ không thể ngờ nhiệm vụ ấy lại gian nan đến vậy.

Pete Lapp, một đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nghỉ hưu, cùng đồng nghiệp Steve McCoy, là hai thành viên của nhóm có công trong việc chứng minh Ana Montes là một điệp viên Cuba. Ông thừa nhận: "Đó thực sự giống như việc mò kim đáy bể".

Để giấu giới tính của Ana Montes, phía Cuba cố ý để lộ thông tin rằng điệp viên bí mật là một người đàn ông có quyền hạn cao. Thông tin ấy khiến FBI phải mở rộng danh sách các mục tiêu tiềm tàng.

"Nếu chúng tôi biết mục tiêu là một phụ nữ, công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn", Lapp bình luận với BBC.

Nhưng hóa ra người mà nhóm của Pete Lapp săn lùng lại là một nhà phân tích tình báo hàng đầu của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ chuyên phụ trách Cuba và khu vực Trung Mỹ, người am hiểu Cuba đến nỗi giới tình báo gọi bà bằng biệt danh "Nữ hoàng Cuba".

Ngày 16/10/2002, tòa án liên bang tuyên Ana Montes mức án 25 năm tù, 5 năm quản chế sau khi mãn hạn tù và 500 giờ lao động công ích.

Trở thành điệp viên nhị trùng

Điệp viên Nữ hoàng Cuba từng khuynh đảo nước Mỹ - 2

Ana Montes từng nhận giấy chứng nhận của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (Ảnh: The Guardian).

Chào đời ở Tây Đức cũ, Ana Belén Montes là con cả trong một gia đình trung lưu có 4 người con. Bố, mẹ của bà là người gốc Puerto Rico và từng phục vụ tại căn cứ lục quân Mỹ ở Tây Đức vào năm 1957. Bố của Montes là bác sĩ quân y. Khi Montes vào học trường trung học, bố của bà đã rời quân đội và lập gia đình rồi định cư ở thành phố Towson, bang Maryland. Tốt nghiệp trung học, Montes đăng ký vào Đại học Virginia.

Năm 1977 và 1978, Montes học một năm ở Tây Ban Nha. Tại đây, bà đã gặp Ana Colon, một sinh viên từ Puerto Rico. Hai cô gái cùng tên Ana nhanh chóng trở thành bạn bè khi biết họ cùng quê. Khi kết thúc một năm sống ở nước ngoài, họ giữ liên lạc bằng thư. Năm 1984, Montes học xong trường Đại học Virginia, làm thư ký tại Bộ Tư pháp ở Washington và học bằng thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins.

Dù làm việc trong chính phủ, Montes thể hiện thái độ phản đối gay gắt việc Tổng thống Ronald Reagan ủng hộ phe nổi loạn chống chế độ cộng sản ở Trung Mỹ. Đặc vụ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Pete Lapp, người đã chỉ huy cuộc điều tra và bắt Montes sau này, bình luận: "Montes cảm thấy nước Mỹ không có quyền áp đặt ý chí lên các nước khác".

Một số người ở Đại học Johns Hopkins chú ý tới quan điểm tích cực của Montes về Cuba và không lâu sau, bà được giới thiệu với những người tuyển điệp viên và đồng ý hỗ trợ sự nghiệp của Cuba. Lúc đó, Montes đã nộp đơn vào Cơ quan Tình báo Quốc phòng, nơi có nhiệm vụ xử lý bí mật quân sự của Mỹ hàng ngày. Khi bắt đầu làm việc tại đây năm 1985, Montes đã là một điệp viên toàn tâm toàn ý với Cuba.

"Việc Cuba tuyển mộ Ana Montes khi cô này học tại Đại học Johns Hopkins đã tạo vỏ bọc rất tốt cho bà ấy. Trong mắt các cấp trên của Ana Montes ở Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, bà ấy là một ứng viên hoàn hảo", Pete Lapp nhận xét.

Trí nhớ siêu phàm

Điệp viên Nữ hoàng Cuba từng khuynh đảo nước Mỹ - 3

Các trang mật mã bí ẩn được tìm thấy trong căn hộ của Ana Montes sau khi bà bị bắt giữ năm 2001 (Ảnh: FBI).

Theo báo cáo tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ đã được giải mật, hồi tháng 3/1985, Montes đã thực hiện chuyến đi bí mật đầu tiên tới Cuba qua Madrid và Prague. Khi trở về, Montes tình cờ gặp lại bạn cũ Ana Colon và kể với bạn về chuyến đi bí mật. Sau này, Ana Colon cho biết Montes đã kể với mình về những dân tộc đã bị đàn áp như thế nào và về chuyến thăm tới các căn cứ quân sự. Về sau, Ana Colon biết rằng trong chuyến đi đó, Montes được huấn luyện làm một điệp viên.

Sau khi Montes ổn định công việc tại Cơ quan Tình báo Quốc phòng, bà không trao đổi thư từ với Ana Colon nữa. Nhiều năm sau, FBI cho rằng Montes không liên lạc với Ana Colon vì người bạn này biết quá nhiều về hoạt động của bà ở Cuba.

Ở Cơ quan Tình báo Quốc phòng, Montes chọn một kỹ thuật tình báo giúp bà giấu thân phận trong suốt 16 năm. Một lý do mà Montes có thể giữ bí mật lâu như vậy là vì bà không bao giờ mang bất kỳ tài liệu hay tập tin điện tử nào từ chỗ làm về nhà. Thay vào đó, Montes ghi nhớ chi tiết nội dung tài liệu nhạy cảm và khi về nhà, bà đánh máy thông tin vào máy tính. Tiếp theo, Montes sao chép thông tin đã đánh máy vào các đĩa mã hóa. Sau đó, Montes sẽ nhận hướng dẫn mã hóa qua sóng vô tuyến ngắn về địa điểm giao đĩa thông tin cho người liên lạc.

Khi làm gián điệp cho Cuba, Montes cũng mạo hiểm bất thường khi trực tiếp gặp người phụ trách bên phía Cuba. Cứ vài tuần, bà lại ăn tối với những người phụ trách ở các nhà hàng Trung Hoa tại khu vực thủ đô Washington DC. Tại nhà hàng, Montes chuyển các đĩa mã hóa trong các đĩa thức ăn. Các cuộc gặp bí mật cũng diễn ra trong khi Montes đi nghỉ hè. Montes đã tới Cuba 4 lần để gặp các quan chức tình báo nước này. Trong đó, 2 lần Montes dùng hộ chiếu giả, 2 lần được Lầu Năm Góc cử đi Cuba để tìm hiểu thông tin. Bà gặp quan chức Mỹ ở La Habana ban ngày, sau đó lén gặp những người liên quan tại đây.

Trong quá trình đó, Montes nhanh chóng thăng tiến trong công việc. Đồng nghiệp coi bà là một nhân viên kiểu mẫu, đến nỗi cấp trên từng trao cho bà giấy chứng nhận đạt thành tích xuất sắc trong công việc. Danh tiếng nổi bật khiến đồng nghiệp đặt cho Montes biệt danh "Nữ hoàng Cuba".

Quá trình bại lộ thân phận

Điệp viên Nữ hoàng Cuba từng khuynh đảo nước Mỹ - 4

Ana Montes làm việc cho cơ quan của chính phủ Mỹ trước khi bị bắt (Ảnh: FBI).

Scott Carmichael, một đặc vụ phản gián của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ, bắt đầu cảm thấy nghi ngờ Ana Montes từ năm 1996. Ông xem lại hồ sơ nhân sự của Montes. Dù nhận thấy hồ sơ hoàn hảo nhưng Scott vẫn quyết định thẩm vấn Montes. Kết thúc cuộc gặp, ông Carmichael cảm thấy Montes đang che giấu điều gì đó.

Bốn năm sau, Scott Carmichael nghe nói FBI đang truy lùng một điệp viên nhị trùng, cụ thể là một điệp viên không rõ danh tính đang làm việc cho Cuba và hiện ở trong Cơ quan Tình báo Quốc phòng. Nghi can đã tới căn cứ hải quân Mỹ tại Vịnh Guantanamo (Cuba) tại một thời điểm cụ thể. Khi ông xem danh sách nhân viên Cơ quan Tình báo Quốc phòng từng thăm Guantanamo trong thời gian đó, một cái tên quen thuộc xuất hiện: Ana Montes. Đặc vụ Carmichael cho biết: "Lúc tôi nhìn thấy tên cô ta, tôi đã biết".

Sau đó, ông Carmichael và đặc vụ Pete Lapp của FBI đã phối hợp để chứng minh "Nữ hoàng Cuba" thực ra là một gián điệp. Nhờ một nguồn tin tình báo, họ biết điệp viên nhị trùng đã mua một máy tính đặc biệt vào năm 1996 tại một cửa hàng ở Alexandria, Virginia. Đặc vụ Lapp đã tìm ra giấy tờ gốc của cửa hàng cho thấy Montes mua máy tính đó. Họ biết chắc Montes chính là điệp viên họ đang tìm kiếm.

Kế hoạch tiếp theo là tìm cơ hội bắt quả tang Montes. FBI đã nghe lén điện thoại và theo dõi Montes. Họ nhận ra một số hoạt động lặp lại nhiều lần. Họ phát hiện ra Montes đi tới nhiều cột điện thoại khắp Washington và dừng lại để gọi điện. Khi họ lần ra các số mà Montes gọi đến, họ phát hiện ra các số này chính là số máy nhắn tin ở New York và chúng liên quan tới tình báo Cuba.

Khi các đặc vụ FBI lục soát nhà Montes trong lúc bà đi vắng, họ tìm thấy một máy truyền sóng vô tuyến mà phía Cuba dùng để gửi tin nhắn cho Montes. Bước tiếp theo, các đặc vụ FBI vạch ra một kế hoạch đánh lạc hướng Montes ở chỗ làm để có thể lục soát ví của bà. Kế hoạch thành công. Bên trong ví, họ tìm thấy một mẩu giấy ghi hệ thống mã mà Montes dùng để liên lạc với người điều khiển phía bên kia thông qua điện thoại công cộng và máy nhắn tin. Với thông tin này, FBI có thể giải mã các tin nhắn mà Montes gửi sang bên kia bờ biển. Họ đã biết những toan tính của Montes.

Tuy nhiên vụ khủng bố ngày 11/9/2001 đã thay đổi kế hoạch của FBI. Vụ việc đã rút ngắn cuộc điều tra về Montes, khiến FBI không còn hy vọng về việc có thể bắt những người phía bên kia nữa. Sau đó, Montes đã được chọn tham gia một nhóm phụ trách phân tích các mục tiêu bị đánh bom sau khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan. Công việc này giúp Montes tiếp cận các kế hoạch chiến tranh của Lầu Năm Góc. Với FBI, thời cơ bắt "Nữ hoàng Cuba" đã tới.

Ngày 21/9/2001, Montes bị triệu tới phòng hội nghị của Cơ quan Tình báo Quốc phòng và đặc vụ Lapp đã bắt giữ bà, chấm dứt sự nghiệp của một trong những điệp viên gây thiệt hại cho Mỹ nhiều nhất trong lịch sử gần đây. Nhìn lại toàn bộ quá trình điều tra, một quan chức phản gián thuộc Bộ Quốc phòng thừa nhận: "Lý do duy nhất mà chúng tôi bắt được bà ta là vì chúng tôi may mắn!".

Montes và luật sư của bà đã thỏa thuận với công tố viên rằng Montes sẽ nhận tội làm gián điệp, lĩnh 25 năm tù và 5 năm quản chế để tránh bị xét xử công khai.  "Nữ hoàng Cuba" đồng ý kể với FBI và giới chức Mỹ chi tiết về các hoạt động gián điệp từ năm 1985 đến ngày bị bắt. Các buổi lấy lời khai của Montes kéo dài từ 5-6 tiếng diễn ra 3 ngày/tuần trong 7 tháng.

Theo FBI, một số thông tin quan trọng nhất mà Montes thừa nhận gửi cho Cuba là danh tính 4 đặc vụ mật của Mỹ đang làm việc ở Cuba. Montes cũng gửi cho Cuba thông tin về vị trí của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ ở El Salvador những năm 1980. Ngoài ra, bà còn tiết lộ một vệ tinh "tàng hình" trị giá vài tỷ USD mà Mỹ sử dụng để theo dõi Trung Quốc, Iran và Nga.

Cựu đặc vụ phản gián Scott Carmichael nói rằng Montes không những cung cấp các thông tin về Mỹ cho Cuba, mà bà còn tác động lên cả cách thức các cơ quan an ninh Mỹ đánh giá về hòn đảo. Vào năm 1998, tổng thống Bill Clinton tuyên bố "Cuba không còn là một mối đe dọa cho nước Mỹ", vì Ana Montes đã hạ thấp mối đe dọa từ Cuba.

Điều khiến nhiều người bất ngờ là Montes làm việc cho Cuba không phải là vì tiền. Không giống như các điệp viên khác, Montes không đổi bí mật lấy tiền, trừ một số khoản thanh toán các chi phí cần thiết. Tại tòa, Montes giải thích động cơ: "Tôi cho rằng chính sách của chính phủ chúng ta với Cuba là độc ác và bất công. Tôi cảm thấy về mặt đạo đức phải có nghĩa vụ giúp họ bảo vệ đất nước trước nỗ lực của Mỹ nhằm áp đặt các giá trị, hệ thống chính trị lên nước họ".

Dù nhận án tù dài tới một phần tư thế kỷ, Montes tỏ ra không hối hận vì ủng hộ Cuba. Bà viết thư cho một người bạn: "Nhà tù là một trong những nơi cuối cùng tôi muốn tới, nhưng một số điều trong cuộc sống rất đáng để đấu tranh".

Giờ đây, sau khi ra tù, nguyện vọng lớn nhất của Montes là sống phần đời còn lại một cách yên bình và riêng tư. Cựu tù nhân này vẫn nghĩ về Cuba.

"Đối với những người quan tâm tới tôi, tôi mong họ hãy nghĩ tới những vấn đề nghiêm túc hơn, như khó khăn của người dân Puerto Rico hay lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba", bà nói.

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm