1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điện Kremlin tiết lộ lý do ông Putin trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ

Quốc Đạt

(Dân trí) - Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson là để gửi đi thông điệp đến đông đảo khán giả phương Tây, thay vì Washington, theo Điện Kremlin.

Điện Kremlin tiết lộ lý do ông Putin trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ - 1

Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn cựu người dẫn chương trình Mỹ Tucker Carlson tại Moscow, Nga vào ngày 6/2 (Ảnh: Sputnik).

Trong 24 giờ đầu, cuộc phỏng vấn đã được xem hơn 150 triệu lần chỉ riêng trên nền tảng X, nhưng sự quan tâm rộng rãi của khán giả không có nghĩa là sự ủng hộ, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, chỉ ra.

"Điều quan trọng nhất là để tiếng nói của Tổng thống chúng ta được lắng nghe. Nếu ông ấy được lắng nghe, sẽ có nhiều người tự hỏi rằng liệu ông ấy nói đúng hay không. Ít nhất họ sẽ nghĩ về việc đó", TASS dẫn lời ông Peskov.

Ngày 9/2, ông Putin dành 2 giờ trả lời phỏng vấn nhà báo Carlson - cựu người dẫn chương trình nổi tiếng của đài Fox News (Mỹ), tập trung vào xung đột Ukraine, mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, NATO, và phương Tây nói chung. Đây là lần đầu tiên ông Putin trả lời báo chí phương Tây trong hơn 2 năm.

Người phát ngôn Điện Kremlin chỉ ra rằng Nga khó có thể cạnh tranh với Mỹ trên phương diện truyền thông vì Washington "bằng cách này hay cách khác" sở hữu tất cả các đài phát thanh và tờ báo lớn.

Trong bối cảnh ấy, cuộc phỏng vấn dành cho nhà báo Carlson là "cơ hội rất tốt" để truyền đạt lập trường của Moscow tới người dân, ông Peskov nói.

Trong lúc trả lời ông Carlson, ông Putin đã ra tín hiệu sẵn sàng quay trở lại đàm phán, nhưng khẳng định phương Tây phải chấp nhận quyền kiểm soát của Nga đối với gần 1/5 lãnh thổ Ukraine mà nước này hiện nắm giữ. Ông cũng cảnh báo Mỹ không cấp thêm vũ khí cho Ukraine nếu muốn chiến sự kết thúc.

Dù vậy, người phát ngôn Điện Kremlin chỉ ra rằng, chính quyền Mỹ ý thức rất rõ thông điệp của ông Putin dù không có cuộc phỏng vấn.

"Vấn đề không phải là biết hay không, mà là muốn hay không. Như mong muốn hành động để bước vào con đường dẫn đến thương lượng. Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy mong muốn và ý chí chính trị để làm vậy ở Mỹ", ông Peskov nói.

Về tác động của cuộc phỏng vấn, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nhận định cuộc phỏng vấn sẽ chỉ có tác động hạn chế ở Mỹ.

"Tôi không nghĩ người dân Mỹ sẽ bị tác động sau chỉ một cuộc phỏng vấn", ông Kirby nói.

Về việc liệu cuộc phỏng vấn có thể ảnh hưởng đến các nhà lập pháp Mỹ hay không, ông Kirby nói Nhà Trắng "tin chắc rằng có sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng ở Đồi Capitol dành cho việc ủng hộ Ukraine".

Theo TASS