1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điện Kremlin được bảo vệ nghiêm ngặt thế nào?

Minh Phương

(Dân trí) - Điện Kremlin được ví như một pháo đài được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt trong lòng thủ đô Moscow của Nga.

Điện Kremlin được bảo vệ nghiêm ngặt thế nào? - 1

Quang cảnh bên ngoài Điện Kremlin (Ảnh: Getty).

Theo thông cáo của văn phòng chính phủ Nga, khoảng 2h30 sáng 3/5, hai máy bay không người lái (UAV) đã tiếp cận Điện Kremlin ở thủ đô Moscow. Các UAV này phát nổ sau khi bị lực lượng an ninh của Nga vô hiệu hóa. Nga cáo buộc Ukraine triển khai hai UAV trên nhằm tập kích, ám sát Tổng thống Vladimir Putin.

Kiev đã lên tiếng bác bỏ, trong khi phương Tây tỏ ra hoài nghi về cáo buộc của Moscow.

Mức độ đảm bảo an ninh cho Điện Kremlin, nơi ở chính thức của người đứng đầu chính phủ Nga, ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Theo báo New York Times, với điều kiện an ninh nghiêm ngặt của Điện Kremlin, việc tấn công Tổng thống Putin khó xảy ra.

Khoảnh khắc UAV cảm tử được cho là của Ukraine lao vào Điện Kremlin (Video: Twitter).

Công trình lịch sử

Điện Kremlin là một tổ hợp kiến trúc kiên cố nằm tại trung tâm thủ đô Moscow, gồm 15 tòa nhà, 20 tòa tháp với các bức tường có tổng chiều dài khoảng 3km, dày tới 6m. Toàn bộ công trình có tổng diện tích hơn 275.000m2 với 5 điện chính, 4 nhà thờ và nhiều khu vườn bên trong, được xây từ năm 1482 đến năm 1495.

Theo tiếng Nga, Kremlin có nghĩa là pháo đài ở thành phố. "Điện Kremlin" cũng được dùng để chỉ chính quyền Tổng thống Nga, tương tự "Nhà Trắng" tại Mỹ.

Kremlin từng được dùng làm hoàng cung cho Sa hoàng Nga. Từ đây, người ta có thể ngắm nhìn dòng sông Moscow ở phía nam, nhà thờ Thánh Basil và Quảng trường Đỏ ở phía đông và vườn Alexander ở phía tây.

Ban đầu, vùng đất này có vai trò bảo vệ cho khu dân cư ở trên đồi Borovitskii, mũi đất nơi con sông Neglinnaya đổ vào sông Moscow, bằng những hàng rào gỗ. Đến năm 1156, những công trình quân sự đầu tiên với tổng chiều dài 700m bắt đầu xuất hiện.

Năm 1812, Moscow và Điện Kremlin bị quân đội của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte tấn công và chiếm đóng. Khi rút lui, Napoleon đã ra lệnh đào hào và bố trí mìn xung quanh Điện Kremlin và một số công trình quan trọng khác nhằm phá hủy Nga. Moscow rung chuyển và ngập trong biển lửa sau khi những quả mìn đầu tiên phát nổ. Tuy nhiên, một trận mưa lớn trút xuống khiến những quả còn lại bị vô hiệu hóa và đám cháy bị dập tắt. Điện Kremlin tránh được nguy cơ hủy hoại, nhưng vẫn phải trải qua nhiều lần trùng tu và mở rộng.

Từ năm 1955, Điện Kremlin bắt đầu mở cửa cho công chúng tham quan. Từ năm 1991, Điện Kremlin được chọn làm nơi ở và làm việc chính thức của Tổng thống Nga. Tuy nhiên, ông Putin hiếm khi sinh sống, mà chủ yếu chỉ làm việc tại đây. Dinh thự của ông nằm ở khu Novo-Ogaryovo, phía tây thủ đô.

Pháo đài an ninh

Điện Kremlin được bảo vệ nghiêm ngặt thế nào? - 2

Lực lượng an ninh Nga tuần tra ở Moscow (Ảnh: Getty).

Điện Kremlin được ví như một pháo đài giữa thủ đô Moscow, bảo vệ an toàn cho Tổng thống Nga.

Theo chuyên gia nghiên cứu nước Nga Mark Galeotti, về lý thuyết, Điện Kremlin có thể điều động gần 100.000 thành viên vũ trang từ 4 lực lượng khác nhau trong trường hợp biến cố xảy ra.

Lực lượng đầu tiên chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho Tổng thống và Điện Kremlin là Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO).

FSO là một nhánh của KGB - Ủy ban An ninh nhà nước thời kỳ Liên Xô. FSO hiện có khoảng 20.000-30.000 người, cũng có thông tin cho rằng quân số của lực lượng này lên đến 50.000 người. FSO đặc biệt ưu tiên những người có kinh nghiệm quân sự dù đây không phải là tiêu chí bắt buộc khi tuyển chọn thành viên.

Đội cận vệ bảo vệ Tổng thống Putin là các nhân viên Cục An ninh Tổng thống, cục này trực thuộc FSO với quân số từ 2.000-3.000 nhân viên mặc thường phục. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống, các yếu nhân và một số địa điểm quan trọng như Điện Kremlin, họ còn được giao kiểm soát vali hạt nhân để sử dụng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Bên cạnh FSO, lực lượng khác đảm bảo an ninh cho Điện Kremlin còn là Cảnh sát Moscow (GUVD). Với quy mô khoảng 50.000 người, đây là lực lượng cảnh sát hùng hậu và lâu đời nhất nước Nga.

Ngoài ra, Điện Kremlin còn được bảo vệ bởi lực lượng quân sự hóa của Bộ Nội vụ Vnutrennye Voiska (VV). Bản chất của lực lượng này là công an, nhưng được quân sự hóa, không khác nhiều so với quân đội chính quy. VV từng tham gia chinh chiến tại Chechnya và Bắc Caucasus.

Lực lượng chủ đạo của VV tại thủ đô Moscow là Sư đoàn Dzerzhinskii, hay còn gọi là Sư đoàn Osnaz 1 - ODON với quy mô 12.000 người nổi tiếng trung thành tuyệt đối với Điện Kremlin. Sư đoàn này gồm một số đơn vị chuyên biệt như tiểu đoàn cứu hỏa, nhưng không có nhiều xe tăng và đại bác như một sư đoàn quân đội thông thường. Ngoài ra, VV còn có nhiều đơn vị khác rải rác ở Moscow, song chủ yếu chỉ là trạm tư lệnh trung chuyển.

An ninh của Moscow và Điện Kremlin cũng được đảm bảo bởi các đơn vị quân đội chính quy tinh nhuệ gồm lữ đoàn Súng trường Tamanskaya số 2 và lữ đoàn xe tăng độc lập Kantemiroskaya. Trong trường hợp xảy ra biến cố nghiêm trọng, lực lượng lính dù thuộc trung đoàn Trinh sát Độc lập VDV số 45 tại căn cứ Kubinka, hay lính biệt động thuộc lữ đoàn Spetsnaz số 16 có thể hỗ trợ.

Bảo mật tuyệt đối

Điện Kremlin được bảo vệ nghiêm ngặt thế nào? - 3

Đoàn xe hộ tống Tổng thống Nga Vladimir Putin trở về Điện Kremlin hồi tháng 3 (Ảnh: Getty).

Từ nhiều năm qua, UAV đã bị cấm bay gần Điện Kremlin. Các nhân viên an ninh của Nga triển khai những thiết bị đặc biệt để bắn hạ bất cứ UAV nào có xu hướng tiếp cận.

FSO hiếm khi xác nhận nơi ở hay tiết lộ hoạt động của ông Putin. Mỗi khi Tổng thống rời đi hoặc trở về Điện Kremlin, FSO sẽ chặn các con đường gần đó để hạn chế các phương tiện giao thông khác.

Các biện pháp an ninh xung quanh Điện Kremlin cũng có thể khiến hệ thống định vị toàn cầu (GPS) bị loạn. Nga có khả năng tạo ra các tín hiệu định vị toàn cầu giả mạo nhằm che giấu vị trí của Tổng thống Putin. Do đó, định vị của Điện Kremlin có khi ở vị trí cách xa hàng chục km so với ngoài đời thực.

Một cựu nhân viên FSO đào tẩu mới đây tiết lộ, "ngay cả khi ông Putin dường như đang ở trong Điện Kremlin thì ông ấy cũng có thể không thực sự ở đó".

Tổng thống Nga được cho là đã lập ra các văn phòng làm việc giống nhau ở nhiều địa điểm, với nội thất và cách bài trí giống nhau đến từng chi tiết từ bàn làm việc đến tranh treo tường.

Chỉ đến gần đây, ông Putin mới đề cập đến sự tồn tại của một căn hộ riêng tư mà ông nói thường xuyên sử dụng bên trong khuôn viên Điện Kremlin.

"Tôi có một căn hộ ở đó, nơi tôi dành nhiều thời gian để làm việc muộn, thức đêm ở đó", ông Putin nói với các phóng viên khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Moscow hồi cuối tháng 3.

Phòng làm việc chính và căn hộ của ông Putin được cho là đều nằm ở Cung điện Thượng viện, khu vực bị UAV xâm nhập sáng 3/5.

Theo truyền thông, trong bối cảnh xảy ra nhiều vụ nổ bí ẩn sâu trong lãnh thổ Nga và các vụ xâm nhập gần đây của UAV ở Moscow, Nga đã tăng cường hệ thống phòng không cho thủ đô.

Moscow Times hồi tháng 1 dẫn các hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hệ thống phòng không được triển khai trên tầng thượng của các tòa nhà ở Moscow, trong đó có trụ sở Bộ Quốc phòng Nga và khu vực cách nơi ở của ông Putin khoảng 10km. Trước đó, các hệ thống tên lửa phòng không S-400 được nhìn thấy tại một vườn quốc gia và một bãi thử vũ khí ở phía bắc và đông bắc Moscow.

Theo New York Times, India Times, Politico