1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Diễn biến mới trong đợt thanh trừng hậu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoài số lượng người bị bắt, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục điều tra hàng nghìn người khác bị nghi dính đến âm mưu đảo chính.

Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Berkir Bozdag hôm 9/8 thông báo, trong chiến dịch trấn áp những kẻ âm mưu đảo chính, nước này đã bắt giữ và tạm giam một lượng lớn các tướng lĩnh, binh sĩ, cảnh sát cũng như giới công chức ngành tư pháp, truyền thông và dịch vụ công.

Các cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một quân nhân tham gia đảo chính.
Các cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một quân nhân tham gia đảo chính.

Điều này cho thấy sau cuộc đảo chính, một cuộc thanh trừng quy mô rộng đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Berkir Bozdag cho biết, có khoảng 16.000 người đã bị bắt hoặc tạm giam do liên quan đến âm mưu đảo chính thất bại tháng trước, trong khi đó hàng nghìn nghi can khác vẫn đang bị điều tra vì nghi ngờ có liên quan đến âm mưu đảo chính.

Cùng ngày 9/8, Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đình chỉ thêm hơn 2.500 nhân viên thuộc Diyanet - một cơ quan nhà nước chuyên về tôn giáo. Ban giám đốc Diyanet cho biết, tính đến nay, tổng số nhân viên cơ quan này bị sa thải đã lên tới 3.672 người.

Diyanet vốn có mối liên hệ trực tiếp với Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, được thành lập từ năm 1924 nhằm kiểm soát các vấn đề liên quan đến tôn giáo ở nước này. Diyanet có ngân sách hoạt động hàng năm lớn hơn so với nhiều bộ ngành của Thổ Nhĩ Kỳ và có trách nhiệm kiểm soát khoảng 80.000 nhà thờ Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán tối cao và công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã sa thải 1.500 thẩm phán và công tố viên.

Gần 10.000 binh sĩ tham gia đảo chính

Phát biểu với báo giới, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết, cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ có sự tham gia của 8.651 binh sĩ, chiếm khoảng 1,5% lực lượng vũ trang nước này.

Phe đảo chính đã sử dụng tới nhiều máy bay, trực thăng, tàu chiến, xe tăng và xe bọc thép. Hiện vẫn còn 186 binh sĩ và 30 sĩ quan cấp cao trong quân đội bị nghi tham gia cuộc đảo chính bất thành đang bỏ trốn. Trong số 30 sĩ quan cấp cao có 9 người mang quân hàm Tướng.

Ngoài ra, nhiều công dân nước ngoài cũng tham gia cuộc đảo chính này.

Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus cho biết: “Cho đến nay chúng tôi đã xác định 10 người nước ngoài liên quan đến vụ đảo chính. 9 trong số những người này có liên kết với các tổ chức của giáo sĩ Gulen. Hiện chúng tôi đã bắt giữ 9 người, 1 người vẫn đang bỏ trốn. Trong số 9 người này, chúng tôi đã cho thả một người, những người còn lại vẫn đang trong quá trình thẩm vấn”.

Như vậy, kể từ sau vụ đảo chính quân sự bất thành đêm 15/7 mà giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc có liên quan đến giáo sĩ Hồi giáo đang lưu vong ở Mỹ Fehullah Gulen, hàng chục ngàn người thuộc các lĩnh vực tư pháp, quân sự, giáo dục và tôn giáo ở nước này đã bị sa thải hoặc bắt giữ do những cáo buộc có liên quan tới phong trào ủng hộ giáo sĩ Gulen.

Cùng với việc thực thi tình trạng khẩn cấp trong nước, hàng trăm tờ báo, hàng chục đài truyền hình và hàng chục nghìn trang báo mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ bị đóng cửa và xóa sổ.

Không chỉ giới quân đội, an ninh bị "xử", chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ còn thanh trừng cả cộng đồng khoa học, giới thể thao với lý do nhằm loại bỏ tận gốc những phần tử ủng hộ vị giáo sĩ Hồi giáo Gulen, nhân vật mà chính quyền Ankara khẳng định chỉ đạo cuộc đảo chính ngày 15/7 vừa qua./.

Theo Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm Tin