1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điểm yếu trong tham vọng hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia cho rằng việc thiếu kinh nghiệm chiến đấu và thiếu kiến thức về tác chiến hiện đại là 2 trong số điểm yếu gây khó khăn cho mục tiêu hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.

Điểm yếu trong tham vọng hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc - 1

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh minh họa: Xinhua)

Theo SCMP, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng có 2 triệu lính, trong 4 năm qua đã hướng tới mục tiêu hiện đại hóa quy mô lớn. Mục tiêu của Trung Quốc là PLA sẽ trở thành lực lượng quân đội hiện đại vào năm 2027 và đạt tới đẳng cấp thế giới vào năm 2050.

Gần đây nhất, Quân ủy Trung ương Trung Quốc (CMC) đã ban hành một tài liệu hướng dẫn huấn luyện hồi đầu tháng trước. Chi tiết về văn bản này chưa được công khai, nhưng được soạn thảo nhằm thúc đẩy tích hợp giữa các lực lượng chiến đấu và các hệ thống vũ khí của PLA.  

Một nguồn thạo tin nói với SCMP rằng, hơn 70% tài liệu hướng dẫn này được cho dựa trên tài liệu hướng dẫn hiệp đồng tác chiến của quân đội Mỹ. Điều này cho thấy Bắc Kinh dường như đang thôi thúc mục tiêu hiện đại hóa quân đội.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng tham vọng của Trung Quốc phải đối mặt với những rào cản từ chính nội bộ PLA.

Một nguồn ẩn danh cho biết: "Khi nhìn vào các thành viên của CMC, chỉ có một người là có kinh nghiệm chiến đấu. Tuy nhiên, kinh nghiệm của người này có từ hàng chục năm trước".

Nguồn tin nói rằng các chiến lược quân sự hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với nhiều năm trước và các chỉ huy quân sự cần giám sát các hệ thống phức tạp hơn rất nhiều so với trước đó.

Chuyên gia quân sự Liang Guoliang cho rằng Trung Quốc đang cảm thấy các dấu hiệu gia tăng căng thẳng với Mỹ ở khu vực e biển Đài Loan và Biển Đông. Vì vậy, họ muốn thiết lập chiến lược huấn luyện có thể kết hợp 5 bộ phận chính của PLA và 5 đại chiến khu.

Trước đây, các nhánh của PLA và các chiến khu hoạt động riêng rẽ với nhau và trách nhiệm huấn luyện do từng chỉ huy bộ phận phụ trách. Trung Quốc hiện giờ muốn các quan chức quân sự hàng đầu sẽ phụ trách việc vạch ra kế hoạch huấn luyện.

Vì vậy, việc quân đội thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế có thể ảnh hưởng tới việc huấn luyện cũng như mục tiêu hiện đại hóa. Ví dụ, các quan chức quân đội cao cấp có thể sẽ không quen với sự thay đổi nhanh chóng về mặt kỹ thuật.

"Nhiều vũ khí và thiết bị quân sự quen thuộc với đội ngũ quan chức cấp cao đã bị loại biên và thay mới trong quá trình PLA hiện đại hóa hàng chục năm qua", chuyên gia Zhou Chenming nhận định.

Ông Zhou cho rằng dù có vũ khí mới, nhưng do thiếu kinh nghiệm nên việc các chỉ huy hàng đầu của CMC và PLA huy động và tận dụng các vũ khí đó trong tác chiến hiện đại như thế nào vẫn là chủ đề hoàn toàn mới.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Antony Wong Tong nhận định học thuyết huấn luyện của PLA được lấy cảm hứng từ Nga và Mỹ. Nhưng trong lực lượng quân sự của 2 cường quốc này, các tướng lĩnh và quan chức cấp cao đều "đã trải qua các hoạt động tác chiến thực sự". Ví dụ, nhiều tư lệnh của Mỹ đã trải qua các trận chiến ở Trung Đông trong nhiều năm qua, trong khi, tướng lĩnh Nga cũng tham chiến ở Syria.  

Việc PLA chưa tham chiến thực sự trong nhiều năm dẫn tới việc quân đội nước này thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế, cộng với các quan chức đầu não chưa quen với lối tác chiến mới, được cho là sẽ gây khó cho tham vọng hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc.