1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Điểm yếu lớn của tiêm kích Trung Quốc nghi “nhái” F-35 Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới chuyên gia quân sự cho rằng tiêm kích J-31 của Trung Quốc - máy bay bị nghi sao chép thiết kế theo F-35 của Mỹ - đối diện với nhiều vấn đề và một trong những điểm yếu lớn nhất là động cơ.

Điểm yếu lớn của tiêm kích Trung Quốc nghi “nhái” F-35 Mỹ - 1

Tiêm kích F-35 của Mỹ (trên) và tiêm kích J-31 của Trung Quốc được cho có nhiều điểm tương đồng về mặt hình thức (Ảnh: Popular Science)

Năm 2012, Trung Quốc cho tiêm kích thế hệ thứ 5 J-31 bay thử lần đầu. Nó được quảng cáo có khả năng tàng hình vượt trội, cơ động cao cùng nhiều tính năng hiện đại khác.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, J-31 được xem là có nhiều điểm tương tự với tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ về mặt thiết kế. Năm 2007, Lockheed - nhà thầu sản xuất F-35 - được cho là đã phát hiện ra các tin tặc Trung Quốc đánh cắp các tài liệu kỹ thuật liên quan tới F-35.

Một báo cáo của Quốc hội Mỹ từ năm 2014 đã viện dẫn một nghiên cứu năm 2010 của Ban Khoa học Quốc phòng Mỹ cáo buộc gián điệp mạng Trung Quốc có thể đã đánh cắp hàng loạt thông số kỹ thuật của vũ khí Washington, trong đó có F-35.

Năm 2013, Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cũng từng đề cập tới những điểm tương đồng về thiết kế giữa J-31 và F-35. Tuy nhiên, tờ báo này cũng chỉ ra sự khác biệt lớn nhất giữa 2 máy bay là F-35 có biến thể F-35B có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng. Ngoài ra, trong khi F-35 chỉ sử dụng 1 động cơ thì J-31 sử dụng 2 động cơ.

Ngoài ra, theo National Interest, vào năm 2017, các tin tặc Trung Quốc bị nghi đã tấn công mạng các nhà thầu F-35 của Australia và thu thập được các thông tin về chiếc tiêm kích hiện đại.

Mặc dù có nhiều điểm tương đồng về diện mạo, tuy nhiên, chuyên gia quân sự Kris Osborn nhận định với National Interest rằng J-31 trên thực tế chưa thể là đối thủ thực sự của F-35 theo bất cứ tiêu chí có thể đánh giá nào. Chuyên gia này cho rằng J-31 có vấn đề về mặt động cơ.

Theo Newsweek, J-31 được cho vẫn đang sử dụng động cơ WS-13, được chế tạo dựa trên thiết kế của Liên Xô vào những năm 1970. Giới chuyên gia nhận định đây là một điểm hạn chế khiến J-31 không thể sánh cùng với F-35, một trong những dòng tiêm kích thế hệ 5 hàng đầu thế giới hiện tại. WS-13 được cho là có rất nhiều hạn chế về mặt chức năng và làm giảm khả năng tàng hình của J-31.

Hồi năm 2014, trong một triển lãm hàng không ở Zhuhai, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, hình ảnh chiếc J-31 nhả khói đen khi bay đã khiến tiêm kích này bị đánh giá thấp về hiệu suất đốt nhiên liệu của động cơ.

Trên thực tế, dù J-31 xuất hiện tại nhiều triển lãm sau chuyến bay đầu tiên năm 2012, nhưng nhà sản xuất máy bay này chưa nhận được bất cứ đặt hàng nào, bao gồm cả từ không quân Trung Quốc.

Vì vậy, phía nhà sản xuất dường như đang kỳ vọng J-31 sẽ được triển khai trên các tàu sân bay mới của Trung Quốc, vì nó có kích thước nhỏ hơn J-20 nên phù hợp hơn với hoạt động tác chiến của hải quân. Họ được cho đang chuyển hướng thiết kế J-31 phiên bản cho tàu sân bay.