Mỹ cáo buộc Trung Quốc đánh cắp thiết kế máy bay chiến đấu F-35
(Dân trí) - Một quan chức cấp cao của Mỹ cáo buộc Trung Quốc đã đánh cắp thiết kế máy bay chiến đấu F-35, viện dẫn sự giống nhau về mặt hình thức giữa tiêm kích Trung Quốc và tiêm kích thế hệ 5 của Washington.
“Tiêm kích thế hệ 5 của Trung Quốc rất giống với F-35, vì đó là F-35 và họ đã đánh cắp nó”, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Joln Bonton phát biểu ngày 28/8 trong một cuộc họp báo tổ chức ở Kiev nhân chuyến công du của ông tới Ukraine.
Ông Bolton cũng nhận định rằng F-35 là một ví dụ rõ ràng cho lời cáo buộc Trung Quốc đã đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ trong hàng thập niên qua.
Ông Bolton không nêu rõ máy bay Trung Quốc nào mà ông đề cập tới, tuy nhiên Bắc Kinh hiện thời chỉ có duy nhất J-20 là tiêm kích thế hệ 5 đang hoạt động trong biên chế.
Quan chức Nhà Trắng cũng nói rằng: “Mỹ và Trung Quốc đang có những khác biệt rõ ràng về vấn đề thương mại lúc này. Điều này không chỉ vì sự chênh lệch giữa cán cân xuất nhập khẩu Mỹ - Trung. Điều này là vì những lý do cơ bản dẫn tới sự chênh lệch nói trên”.
Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào về các cáo buộc trên.
Hồi đầu tháng, ông Bolton từng cáo buộc Nga “đánh cắp” công nghệ Mỹ liên quan tới vũ khí siêu thanh. Phía Moscow đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc của Washington.
Phát biểu của ông Bolton về việc Trung Quốc đánh cắp thiết kế F-35 được đưa ra trong bối cảnh 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trải qua cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng. Tuần trước, hai bên đã liên tiếp tuyên bố áp thuế lên hàng hóa lẫn nhau khiến thị trường tài chính, chứng khoán toàn cầu bị ảnh hưởng mạnh.
Trung Quốc ngày 23/8 tuyên bố sẽ áp mức thuế mới, từ 5-10%, đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ theo 2 đợt, từ ngày 1/9 và 15/12.
Vài giờ sau đó, ông Trump tuyên bố từ ngày 1/10, 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đang bị đánh thuế ở mức 25% sẽ bị đánh thuế ở mức 30%. Ngoài ra, 300 tỷ USD hàng hóa còn lại, vốn được lên kế hoạch bị đánh thuế từ ngày 1/9 ở mức 10%, bây giờ sẽ bị đánh thuế ở mức 15%.
Sau đó, ông Trump lên tiếng kêu gọi các công ty Mỹ nhanh chóng tìm một quốc gia mới thay thế Trung Quốc. Ông tuyên bố có “quyền lực tuyệt đối” yêu cầu các công ty Mỹ rời Trung Quốc, viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp quốc tế (IEEPA) năm 1977.
Đức Hoàng
Theo RT, Sputnik