Điểm yếu có thể kìm chân quân đội Trung Quốc bất chấp nỗ lực hiện đại hóa
(Dân trí) - Quân đội Trung Quốc trang bị nhiều vũ khí hiện đại hơn, nhẹ hơn, nhưng cũng đang đối mặt với một vấn đề lớn trong lĩnh vực huấn luyện.
Theo SCMP, Trung Quốc đã mất tới 2 thập niên để tự động hóa các hệ thống vũ khí có trong biên chế, chuyển phần lớn các hoạt động tác chiến từ vật lý sang kỹ thuật số.
Nếu trước đây, để khai hỏa bệ phóng rocket, cần có ít nhất hơn 10 quân nhân, thì giờ đây, Trung Quốc chỉ cần ít hơn nửa số đó để vận hành các hệ thống phần cứng uy lực hơn.
Tuy nhiên, vấn đề mà Trung Quốc đang gặp phải là hoạt động huấn luyện quân nhân không bắt kịp sự tiến bộ của hệ thống vũ khí - vấn đề khiến giới chuyên gia Trung Quốc bày tỏ quan điểm bất đồng với một số chỉ huy vì họ không thay đổi và áp dụng tư duy hiện đại vào hoạt động huấn luyện quân sự.
Trong một số bài viết đăng tải tuần trước, PLA Daily, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, chỉ ra những thiếu sót lớn trong hệ thống huấn luyện của nước này. Các chuyên gia cho rằng, một số hoạt động huấn luyện thoạt trông có vẻ "rất khó khăn", nhưng "thực sự đã lỗi thời và không hiệu quả rõ ràng".
"Tất cả các đối thủ đều coi trọng công nghệ trong hoạt động tác chiến hiện đại. Khó để thành công nếu Trung Quốc không có bước nhảy vọt trong hoạt động huấn luyện và không để tâm tới đổi mới trong tác chiến", chuyên gia Zhang Xicheng từ học viện quân sự PLA, nhận định.
Bài viết của ông Zhang nhằm vào một số chỉ huy lục quân không hiểu rõ công nghệ và tác động của nó tới hoạt động tác chiến hiện đại.
Trong khi đó, Zhou Chenming, chuyên gia từ viện nghiên cứu Yuang Wang (Bắc Kinh), cho biết lực lượng mặt đất Trung Quốc đang chịu áp lực phải biến đổi từ một lực lượng cồng kềnh trở thành đội chiến đấu tinh gọn, quy mô nhỏ và linh hoạt hơn để tận dụng các vũ khí nhẹ, mới và chính xác.
"Những vũ khí này nhẹ hơn nhưng mạnh hơn nhiều các vũ khí từ thế kỷ trước vốn tận dụng sức người để hoạt động", ông Zhou nói.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, quân đội Trung Quốc cần thay đổi về tư duy và phương pháp huấn luyện.
Ví dụ, trong quá khứ, hầu hết các hoạt động huấn luyện vũ khí đều sử dụng đạn thật. Tuy nhiên, ông Zhou cho rằng đây không còn là cách tiếp cận hiệu quả nhất vì nó tốn kém và lãng phí. "Nó không tuân theo lý thuyết chiến tranh hiện đại và mục tiêu cơ giới hóa", ông Zhou cho hay.
Chuyên gia trên cho rằng, một trong những cách để cắt giảm chi phí là để quân nhân diễn tập trên thiết bị giả lập - chiến thuật mà lực lượng vũ trang Mỹ đã sử dụng trong nhiều năm nay. Trung Quốc mới đang bắt đầu xem xét thử nghiệm hình thức này.