Điểm yếu chí mạng của siêu tăng Mỹ khiến lính Ukraine"không thể sống sót"
(Dân trí) - Lính Ukraine thừa nhận những điểm yếu và thiếu sót trên xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp khi tác chiến trên chiến trường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố chuyển giao 31 xe tăng Abrams cho Ukraine vào tháng 1/2023. Động thái này được cho là một cách để gây áp lực buộc các nước NATO khác gửi xe tăng Leopard do Đức sản xuất với số lượng lớn hơn.
Tuy vậy, xe tăng được chuyển giao đến muộn so với chiến dịch phản công của Ukraine mùa hè năm ngoái và bắt đầu tham chiến vào tháng 2 năm nay. Cho đến nay, lực lượng Nga đã ghi nhận 8 lần phá hủy xe tăng Abrams.
"Lớp giáp của xe tăng không đủ dày", một binh sĩ thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine, đóng quân ở Donbass, nói với CNN.
"Lớp giáp không thể bảo vệ kíp lái. Thực tế, cuộc chiến hiện tại là cuộc chiến của máy bay không người lái. Vì vậy, mỗi khi xe tăng này xuất hiện, đối phương luôn tìm cách phá hủy chúng", binh lính có biệt danh "Joker" cho biết.
"Không có lớp phòng thủ, kíp lái không thể sống sót trên chiến trường", binh lính có biệt danh "Dnipro", đồng đội của "Joker", nói thêm.
Lữ đoàn 47 là đơn vị duy nhất của Ukraine vận hành mẫu xe tăng do Mỹ sản xuất. Lữ đoàn đang nghiên cứu các điều chỉnh thực địa cho M1A1, bao gồm lắp các hộp bọc thép phản ứng nổ cũng như các khung dây.
War Zone đưa tin, hình ảnh từ thực địa cho thấy Ukraine lắp lên siêu tăng Abrams do Mỹ viện trợ lớp giáp lồng và giáp phản ứng nổ (ERA) Liên Xô Kontakt-1. Đây được xem là biện pháp bảo vệ các xe tăng này trên tiền tuyến, nơi máy bay không người lái hoạt động dày đặc và phá hủy không ít xe tăng Abrams trong thời gian qua.
Thông tin của CNN dường như mâu thuẫn với tuyên bố của Lầu Năm Góc hồi tháng trước rằng xe tăng Abrams đã được rút khỏi chiến trường vì mối đe dọa từ máy bay không người lái của Nga. Xe tăng hiện đại của Mỹ dường như dễ bị tổn thương khi các máy bay không người lái tự sát tấn công lớp giáp phía trên yếu ớt của chúng.
Các kíp lái xe tăng Ukraine cũng phàn nàn rằng các thiết bị điện tử bên trong xe có thể bị chập mạch do ngưng tụ hơi nước từ mưa và sương mù. Động cơ của một xe tăng vừa được vận chuyển từ Ba Lan đã bị hỏng. Hơn nữa, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine loại đạn chống tăng không phù hợp với mục đích sử dụng.
Các binh lính thuộc lữ đoàn 47 cũng phàn nàn rằng xe tăng Abrams được thiết kế để hoạt động với sự yểm trợ của pháo binh và ưu thế trên không. Tuy nhiên, Ukraine không có lợi thế này.
"Chúng tôi không có máy bay và pháo binh. Chúng tôi chỉ có xe tăng. Và đó chính là vấn đề", Joker nói, đồng thời cho biết vũ khí phương Tây được gửi đến Ukraine quá chậm và số lượng quá ít.
"Chúng ta đang lãng phí thời gian. Điều đó dẫn đến cái chết của chúng tôi", binh lính Ukraine chia sẻ.
Mặc dù được cho là một trong những xe tăng bọc thép tốt nhất thế giới, Abrams dường như dễ bị tổn thương trước một loạt vũ khí của Nga. Phiên bản viện trợ cho Ukraine không được trang bị những loại giáp hiện đại như bản của quân đội Mỹ, khiến chúng có nguy cơ tổn thương cao hơn.
Các chuyên gia cho rằng, khi máy bay không người lái ngày càng trở nên tiên tiến, lớp giáp bảo vệ truyền thống của Abrams có thể không đủ để chống chọi các cuộc tấn công chính xác, khiến nguy cơ các siêu tăng bị phá hủy tăng cao.
New York Times gần đây đưa tin những máy bay không người lái trị giá 500 USD có thể dễ dàng phá hủy những xe bọc thép trị giá 10 triệu USD.
Mỹ và các đồng minh đã cung cấp xe tăng, xe bọc thép, pháo, máy bay không người lái và các thiết bị khác trị giá hơn 200 tỷ USD cho Ukraine trong hai năm qua. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ thiết bị nào được gửi tới Ukraine cũng sẽ bị phá hủy và việc cung cấp chúng cho Kiev chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả cuộc chiến.