1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Dịch Covid-19: Phép thử lớn nhất với Liên Hợp Quốc kể từ khi thành lập

Tổng thư ký António Guterres khẳng định, Covid-19 là phép thử lớn nhất mà các nước phải cùng nhau đối mặt kể từ khi thành lập Liên Hợp Quốc.

Tính đến sáng nay, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã tăng lên 858.126 với hơn 42.000 người tử vong. Với việc các ca nhiễm bệnh đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres ngày 31/3 phát động một kế hoạch mới toàn cầu chống dịch Covid-19 với mục tiêu “Đánh bại Covid-19 và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.

Dịch Covid-19: Phép thử lớn nhất với Liên Hợp Quốc kể từ khi thành lập - 1

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres. Ảnh: UN

“Covid-19 là phép thử lớn nhất mà các nước phải cùng nhau đối mặt kể từ khi thành lập Liên Hợp Quốc” - đây là khẳng định của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đưa ra trong báo cáo với tiêu đề “Chia sẻ trách nhiệm, sự đoàn kết toàn cầu: Phản ứng với các tác động kinh tế xã hội của Covid-19”.

Trong báo cáo mới, ông Guterres nhấn mạnh các tác động nghiêm trọng và lâu dài của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như người dân các nước. Cuộc khủng hoảng này yêu cầu các chính sách và hành động sáng tạo, quyết liệt và phối hợp từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới, với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật dành cho các quốc gia kém phát triển cũng như các nước đối mặt với nhiều nguy cơ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh 3 ưu tiên trong kế hoạch hành động để đối phó với Covid-19: “Một là ngăn chặn sự lây lan nhanh trong cộng đồng với việc các quốc gia phát triển phải ngay lập tức giúp đỡ các nước kém phát triển tăng cường hệ thống y tế, cũng như khả năng thích ứng của họ đối với đại dịch. Thứ 2 là đảm bảo mạng sống cũng như cuộc sống của người dân trong đại dịch.

Liên Hợp Quốc đang thiết lập một quỹ để giúp đỡ những nước nghèo và có thu nhập thấp đối phó với các vấn đề khẩn cấp và khôi phục sau đại dịch. Thứ 3 là rút kinh nghiệm từ bài học khủng hoảng này để xây dựng một phản ứng tốt hơn cho sau này, với việc xây dựng một nền kinh tế và xã hội bền vững, toàn diện để có thể đối phó với mọi thách thức”.

Trong báo cáo mới này, Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra những con số đáng lo ngại do dịch Covid-19 có thể gây ra đối với toàn cầu. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết sẽ có 25 triệu người trên thế giới bị mất việc làm và thế giới sẽ thiệt hại khoảng 860 tỷ đến 3.400 tỷ USD thu nhập lao động. Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo áp lực đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu giảm 30 đến 40%, trong khi Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết đã giảm 20% đến 30% lượng khách quốc tế.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng dự báo sẽ có 1,5 tỷ học sinh phải nghỉ học do Covid-19. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho rằng, không còn nhiều thời gian để hành động. Hiệu quả sẽ được thể hiện thông qua mức độ phối hợp toàn cầu chứ không phải của cá nhân một nước riêng lẻ nào.

Kế hoạch toàn cầu mới chống Covid-19 của Liên Hợp Quốc được đưa ra trong bối cảnh châu Âu tiếp tục trải qua những ngày u tối khi đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người tại lục địa này - nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh này cuối năm 2019. Trong khi đó, Mỹ vẫn dẫn đầu các nước về số người nhiễm bệnh với hơn 188.000 trường hợp và gần 3.889 người tử vong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo người dân Mỹ cần chuẩn bị cho hai tuần khó khăn trước mắt, với việc nước Mỹ có thể mất đi hàng nghìn người: “Chúng ta có thể mất 220.000 người và điều này có thể xảy ra trong những tuần sắp tới Đây sẽ là những tuần khó khăn nhất mà nước Mỹ phải đối mặt. Chúng ta sẽ mất hàng nghìn người. Tuy nhiên tôi sẽ cố gắng hạ thấp nhất số người tử vong có thể và đó là tất cả những gì chúng tôi đang làm hiện nay”.

Bên cạnh tâm dịch châu Âu và Mỹ hiện nay cũng có có nhiều lo ngại về các điểm nóng Covid-19 mới sắp được hình thành tại Trung Đông và châu Phi với những quốc gia đang phải đối mặt với xung đột và hệ thống y tế yếu kém. Theo Liên Hợp Quốc, các trường hợp mắc bệnh thông báo gần đây tại một số quốc gia khu  vực này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nỗ lực phòng chống, phát hiện hay ứng phó với dịch đang bị cản trở bởi hệ thống y tế yếu kém và xung đột. Khi dịch bắt đầu lây lan trong cộng đồng thì những quốc gia này sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng nhất.

Một điểm nóng Covid-19 khác cũng đang được báo động đó là tại các trại tị nạn quá tải trên khắp thế giới. Hy Lạp ngày 31/3 thông báo trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên do virus SARS-CoV-2 trong hàng nghìn người di cư tập trung tại các trại tị nạn của nước này. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo, các trại tị nạn sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus lan rộng do tình trạng đông đúc và thiếu những điều kiện vệ sinh cơ bản.

Theo Phạm Hà

VOV1