Đến lượt giám đốc CIA hứng cơn thịnh nộ của Tổng thống Trump?
(NLĐO) - Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel đã bị loại khỏi một cuộc họp tình báo diễn ra tại Nhà Trắng ngày 13-11 giữa lúc có thông tin Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc sa thải bà.
Cuộc gặp trên có sự tham dự của Tổng thống Donald Trump, Giám đốc Tình báo quốc gia John Ratcliffe và các quan chức tình báo hàng đầu khác.
Một quan chức cấp cao của chính quyền ông Donald Trump tiết lộ với CNN rằng bà Haspel không bắt buộc tham dự cuộc họp này nhưng những gì xảy ra có thể báo hiệu điều không hay đang chờ bà.
Một nguồn tin cho biết diễn biến trên không gây nhiều ngạc nhiên bởi những căng thẳng gần đây giữa bà Haspel và ông Ratcliffe.
Ông Ratcliffe phụ trách nội dung các cuộc họp tình báo tại Nhà Trắng. Ngoài ra, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia soạn thảo báo cáo tình báo tổng thống hàng ngày (PDB) dựa trên thông tin từ các cơ quan khác nhau, trong đó có CIA.
Theo đài CNN, ông Donald Trump và một số đồng minh tỏ ra không hài lòng khi bà Haspel phản đối việc giải mật tài liệu nhạy cảm liên quan đến cuộc điều tra của Cục Điều tra Liên bang (FBI) về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử năm 2016. Thỉnh thoảng, bà Haspel còn xung đột với cả ông Ratcliffe và những cố vấn khác ủng hộ việc giải mật.
Cả CIA và bà Haspel lập luận rằng việc công bố những tài liệu trên có thể gây hại đến nguồn tin và phương thức thu thập tin tức tình báo.
Không gì lạ khi một số cố vấn của ông Trump tin rằng bà Haspel đã "không chịu phục tùng" cả Tổng thống Trump và ông Ratcliffe để thúc đẩy chương trình nghị sự của chính mình và của CIA.
Chuyến đi của bà Haspel đến trụ sở quốc hội hôm 11-11 càng khiến Nhà Trắng khó chịu. Tại đây, nữ giám đốc CIA đã gặp các thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện và ông Mitch McConnell, thủ lĩnh phe đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện.
Những người chỉ trích xem đây là hành động nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trước nguy cơ bị sa thải.
Dù vậy, một số cố vấn và đồng minh của ông Trump đang nỗ lực thuyết phục ông không sa thải bà Haspel trong giai đoạn quan trọng này.
Một số nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng công khai bảo vệ bà Haspel trong những ngày gần đây giữa lúc có nhận định việc sa thải bà Haspel có thể là một phần "chiến dịch thanh trừng" của ông chủ Nhà Trắng sau bầu cử.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper vào đầu tuần này. Ngoài bà Haspel, theo trang The Hill, giám đốc FBI Christopher Wray cũng có thể chịu chung số phận.