Đề xuất đặc biệt của Ukraine với các công ty năng lượng phương Tây
(Dân trí) - Kiev cho rằng, cuộc chiến với Nga hơn một năm qua đã giúp các công ty năng lượng phương Tây đã thu về lợi nhuận "khủng", vì vậy các doanh nghiệp này nên chia sẻ một phần số tiền để tái thiết Ukraine.
Trả lời phỏng vấn ngày 29/3 với báo Mỹ Politico, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết, các công ty dầu mỏ và khí đốt lớn đã kiếm được lợi nhuận kỷ lục nhờ cuộc xung đột ở Ukraine trong hơn một năm qua. Vì vậy, ông Galushchenko cho rằng, họ nên chia sẻ một phần để xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị chiến sự tàn phá tại Ukraine.
Theo quan chức Kiev, các công ty năng lượng phương Tây đã kiếm được khoản lợi nhuận hơn 200 tỷ USD do giá năng lượng toàn cầu dao động mạnh trong thời gian qua. Các lệnh trừng phạt áp lên Nga vì mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, cũng như các đòn đáp trả của Moscow khiến giá dầu và khí đốt tăng mạnh trong một khoảng thời gian dài.
Theo RT, trong năm 2022, các "ông lớn" ngành năng lượng của phương Tây đã công bố có lời, và tổng lợi nhuận của họ là 196,3 tỷ USD, đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử của ngành.
"Tôi nghĩ sẽ là công bằng nếu (các công ty năng lượng lớn của phương Tây) chia sẻ số tiền này với Ukraine. Ý tôi là hãy giúp chúng tôi khôi phục, xây dựng lại ngành năng lượng", ông Galushchenko nói trong chuyến thăm Brussels, Bỉ, nhấn mạnh con số lợi nhuận kỷ lục đạt được là do cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo đánh giá mới nhất của chính phủ Ukraine, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên Hợp Quốc, chi phí ước tính cho việc tái thiết và phục hồi đất nước bị chiến sự tàn phá vào khoảng hơn 400 tỷ USD.
Bộ trưởng năng lượng Ukraine cũng kêu gọi phương Tây thực hiện các bước tiếp theo để lấp các lỗ hổng trừng phạt nhằm ngăn các nhà sản xuất năng lượng của Nga tiếp tục xuất khẩu dầu và khí đốt ra thị trường.
Trước đó, phương Tây đã tính tới phương án dùng tài sản bị đóng băng của Nga chuyển cho Ukraine để thực hiện hoạt động tái thiết. Tuy nhiên, cả Mỹ và các đồng minh đều thừa nhận đây là phương án khó khăn và thách thức.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tỏ ra hoài nghi với mục tiêu tịch thu tài sản của Nga, cảnh báo rằng ngoài những trở ngại pháp lý, một động thái như vậy có thể được coi là tiền lệ gây nguy hiểm cho niềm tin vào hệ thống tài chính phương Tây và đồng USD. Nhiều nhà phân tích cũng chỉ ra rằng động thái này có thể khiến tài sản của châu Âu và Mỹ gặp rủi ro, vì chúng có nguy cơ bị tịch thu trong trường hợp xảy ra tranh chấp quốc tế.