1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dấu hiệu hòa bình ở Lybia

Dấu hiệu hòa bình và ổn định đang dần hé mở với Lybia khi 2 phe đối địch tại Lybia ký thỏa thuận chấm dứt xung đột.

Bản tuyên bố chấm dứt xung đột

Ngày 6-12, Kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin Quốc hội Lybia được quốc tế công nhận đã ký một bản tuyên bố về nguyên tắc với Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC, tức cơ quan lập pháp cũ của Lybia) nhằm mục đích chấm dứt xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Tuyên bố trên quy định việc thành lập một ủy ban gồm 10 thành viên, chỉ định Tổng thống và Phó Tổng thống lâm thời. Đây là thời cơ lịch sử để các bên chấm dứt những tranh cãi, dần từng bước thiết lập một chính quyền hợp pháp để lãnh đạo đất nước Lybia vốn rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi năm 2011.

Dấu hiệu hòa bình ở Lybia - 1

Người dân Lybia trong một cuộc tuần hành hòa bình. (Ảnh: Nationalpost)

Lybia hiện có 2 chính phủ, 2 quốc hội cùng tồn tại song song kể từ tháng 8-2014. Từ tháng 9-2014, để vãn hồi tình cảnh hỗn loạn, Liên hợp quốc (LHQ) đã làm trung gian cho một loạt cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch, song những cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí.

Sau những cố gắng của LHQ và các quốc gia láng giềng, nhiều cuộc họp đã được tổ chức, đến ngày 1-12, tại thủ đô Alger của Algeria, Hội nghị Bộ trưởng các nước láng giềng Lybia lần thứ 7 đã thông qua văn kiện thể hiện nỗ lực của Đặc phái viên LHQ về vấn đề Lybia - ông Martin Kobler - nhằm giúp những phe phái đối địch tại quốc gia Bắc Phi này chấm dứt xung đột, cùng nhau tham gia vào một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Hội nghị đã ra tuyên bố chung, trong đó đề nghị các phe phái tại Lybia tham gia lộ trình hòa bình và hòa giải trước khi thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm xây dựng một Lybia mới. Tuyên bố cũng hối thúc người dân Lybia chống khủng bố.

Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Liên minh châu Phi và Liên đoàn A-rập Abdelkader Messahel tuyên bố: "Các phe phái đối địch tại Lybia cần vượt qua bất đồng hay bất cứ tham vọng cá nhân nào vì lợi ích của Lybia". Ông Messahel chỉ rõ, đây cũng là cơ hội để Lybia thúc đẩy nhanh việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc có khả năng điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp, vượt qua những thách thức mà Lybia đang phải đối mặt, nhất là chủ nghĩa khủng bố.

Trong khi đó, Đặc phái viên Martin Kobler cũng kêu gọi các phe phái đối địch tại Lybia chấm dứt khủng hoảng, giúp người dân Lybia đối mặt với những thách thức bởi sự hiện diện của các nhóm khủng bố.

4 năm sau cái chết của ông Gaddafi, Lybia - một quốc gia có nhiều dân tộc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và loay hoay tìm lối đi riêng cho mình.

Ngoài tình trạng hỗn loạn chính trị, nền kinh tế của Lybia cũng được xem như "sắp sụp đổ". Theo thông tin từ LHQ, Ngân hàng Trung ương Lybia đã không có khả năng trả lương từ tháng 7-2015 và các hoạt động xuất-nhập khẩu dường như đã bị ngưng trệ. Đồng tiền quốc gia của Lybia, đồng dinar đã mất 35% giá trị trong 5 tháng qua và sản lượng dầu, nguồn thu nhập chính cũng giảm mạnh chỉ còn khoảng 400.000 thùng/ngày, tương đương 1/4 sản lượng dưới thời Gaddafi.

Dưới sức ép mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đại diện các phe phái của Lybia đã liên tục tiến hành những cuộc thương lượng, lúc thì ở Algeria, lúc ở Marroco, ở Đức... Các cuộc thương lượng này chủ yếu xoay quanh 4 phương án về một thỏa thuận do LHQ đưa ra, nhằm mục tiêu chính là thành lập cho được một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Lybia ngày càng trở nên cấp bách, bởi đất nước này đã bị nhấn chìm trong tình trạng hỗn loạn, bạo lực và bị chia xé bởi những cuộc giao chiến giữa các dân quân có vũ trang, kể cả vũ khí hạng nặng, thuộc các phe phái khác nhau. Đất nước này cũng đang phải đối mặt với lực lượng IS đã kịp thâm nhập và ngày càng trở nên hùng mạnh, hung hãn.

Mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống IS

Có thể thấy rõ vai trò của các nước láng giềng trong tất cả vòng đàm phán về vấn đề Lybia. Họ không chỉ có những phát biểu mang tính xây dựng giúp Lybia nhanh chóng ổn định tình hình, bởi tất cả cùng hiểu rõ tầm quan trọng của Lybia trong cuộc chiến chống IS. Các quốc gia láng giềng đã có những bước đi cụ thể giúp xây dựng một nhà nước Lybia mới thống nhất, để cùng cộng đồng quốc tế chống lại IS ngày càng mạnh lên và bành trướng khắp khu vực Trung Đông-Bắc Phi.

Thủ tướng Lybia được quốc tế công nhận Abdallah al-Thani tuyên bố chính phủ của ông sẵn sàng phối hợp hành động với Nga trong cuộc chiến chống IS, nếu Nga tiến hành hoạt động quân sự tại Lybia, đồng thời khẳng định hoan nghênh các sáng kiến tích cực của bất kỳ nước nào hỗ trợ tái lập sự ổn định trong nước.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu của chính phủ được quốc tế công nhận tại Lybia đã oanh kích vào các vị trí của IS nhằm ngăn tổ chức này chiếm TP Adabia.

Nguồn tin tình báo của Lybia cho biết, IS hiện đang nỗ lực mở rộng thành trì từ khu vực Sité sang phía Đông đến khu vực Adabia, nằm giữa Sité và Belgadi, và là một trong những trung tâm sản xuất dầu mỏ chính của quốc gia Bắc Phi này. Theo báo cáo, có khoảng 3.000 tay súng IS đang hoạt động tại Lybia và tổ chức này đang tìm cách mở rộng thành trì tại đây.

Báo cáo này cho rằng, IS đang vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ người dân và thủ lĩnh địa phương. Sự kiên cường của người dân được vũ trang khiến IS không thể kiểm soát và quản lý các mỏ dầu hoặc nhà máy lọc dầu lớn ở Lybia. Sự mạnh mẽ của người dân Lybia khiến IS không thể tổ chức được các mạng lưới buôn người rộng lớn như ở Syria hay Iraq.

Theo đánh giá của Đặc phái viên Martin Kobler, thêm một nước hòa bình, có nghĩa là đã thu hẹp thêm nơi ẩn náu của IS.

Theo Hoa Huyền

Quân đội nhân dân