1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dấu hiệu các nước lớn mở rộng liên minh đối phó Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Hiệp ước quân sự lịch sử giữa Australia - Nhật Bản được ký kết giữa lúc Mỹ đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Dấu hiệu các nước lớn mở rộng liên minh đối phó Trung Quốc - 1

Nhật Bản hiện là quốc gia sử dụng F-35 lớn nhất bên ngoài nước Mỹ (Ảnh minh họa: EurAsia Times).

Thủ tướng Australia Scott Morrison và người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio hôm 6/1 ký hiệp ước mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai nước, trong động thái mà giới quan sát nhận định là giúp "giảm gánh nặng quân sự của Mỹ" ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, giữa lúc Trung Quốc ngày càng bành trướng.

Với động thái này, Australia trở thành quốc gia thứ hai có hiệp ước quốc phòng chính thức với Nhật Bản, sau Mỹ.

Việc ký kết diễn ra khi Mỹ, một đồng minh quan trọng của cả hai quốc gia, đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng trước sức mạnh quân sự ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Và hiệp ước này, có tên gọi Thỏa thuận Tiếp cận Tương hỗ (RAA), sẽ giúp hợp thức hóa các hoạt động quân sự chung của hai bên, đồng thời mở đường cho các hợp tác sâu rộng hơn nữa trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng giữa Australia, Nhật Bản và các đối tác trong thời gian tới.

Các nhà quan sát cho rằng, thỏa thuận này cũng có thể thiết lập một "khuôn mẫu" cho các quốc gia như Anh để thiết lập sự hiện diện trong khu vực và cũng giúp Mỹ duy trì chiến lược lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo các nhà phân tích, hiệp ước mang tính bước ngoặt có thể mở đường cho các cường quốc phương Tây khác thiết lập sự hiện diện tích cực ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khi các hoạt động quốc phòng gia tăng giữa hai quốc gia có thể giúp giảm nhẹ gánh nặng quân sự mà Washington đang gánh vác trong khu vực.

Các căng thẳng gia tăng trong khu vực

Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thấp nhất trong nhiều năm qua sau khi Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào vấn đề chính trị nội bộ và cấm tập đoàn Huawei tham gia vào việc triển khai cơ sở hạ tầng 5G.

Căng thẳng càng leo thang sau khi Canberra kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về giả thuyết virus gây bệnh Covid-19 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán vào năm 2020. Trung Quốc đã trả đũa bằng một loạt các biện pháp thương mại, bao gồm trừng phạt thuế quan đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực là lúa mạch và rượu của Australia.

Mối quan hệ của Bắc Kinh với Nhật Bản cũng xấu đi do những tranh cãi trong vấn đề Đài Loan và Hong Kong. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã từng gọi Đài Loan là một "quốc gia" trong cuộc họp của cơ quan lập pháp lưỡng viện, khiến Trung Quốc nổi giận.

Hiệp ước mới lần này sẽ cho phép các lực lượng của Nhật Bản và Australia vào lãnh thổ của quốc gia kia để tập trận và ngược lại mà không cần đàm phán lại. Ngoài RAA và thỏa thuận hợp tác về các vấn đề an ninh, hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường an ninh kinh tế giữa các quốc gia của họ.

Vào thời điểm ký kết, Thủ tướng Morrison cũng đã công bố khoản đầu tư 150 triệu AUD (107 triệu USD) để phát triển và xuất khẩu năng lượng hydro sạch sang Nhật Bản, như một phần của cam kết giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính trong khuôn khổ Đối tác Nhật Bản - Australia về khử carbon thông qua công nghệ.

Trong khi Hiệp ước RAA chủ yếu là về hợp tác quân sự quốc phòng, ông Morrison cho biết mối quan hệ của Australia với Nhật Bản "ngày càng sâu sắc hơn trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ về các vấn đề an ninh". "Chúng ta hoàn toàn có thể tương tác để cùng nhau giải quyết những thách thức an ninh chiến lược chung mà chúng ta phải đối mặt. Và tôi không chỉ nhắm mục đích trong hoàn cảnh chiến tranh mà còn vì mục đích nhân đạo, nơi Nhật Bản đang hoạt động rất tích cực, cũng như Australia", ông Morrison nói, đề cập đến khu vực trung tâm Ấn Độ Dương như một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm chống lại sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.

"Nhưng điều mà tôi nhấn mạnh là thỏa thuận này rất, rất đặc biệt ở chỗ Nhật Bản không có thỏa thuận có đi có lại với bất kỳ quốc gia nào khác", ông nói và cho biết thêm rằng nó báo hiệu mức độ "tin cậy giữa hai nước chúng ta".

Đối phó Trung Quốc

RAA được đánh giá là một nỗ lực khác nhằm đoàn kết các chính phủ cùng chí hướng trong khu vực nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng RAA còn không chỉ là một hiệp ước quốc phòng vì nó còn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác ngoài an ninh, các nhà phân tích cho biết.

Bryce Wakefield, Giám đốc điều hành quốc gia của Viện Các vấn đề Quốc tế Australia và chuyên gia về Đông Á, nhận định: "Điều quan trọng cần nhớ là không phải là một hiệp ước quốc phòng, mà phần lớn là một hiệp định biên giới bao gồm các vấn đề như thuế và quyền tài phán".

Chẳng hạn như RAA đưa ra một cơ chế pháp lý để bảo vệ các lực lượng Nhật Bản và Australia khi họ tiến vào lãnh thổ của nhau, ví dụ như khi lực lượng phòng vệ của Nhật Bản được triển khai đến Australia để giúp đối phó với tình trạng cháy rừng của họ, ông Wakefield nói.

Nhưng nó cũng có thể thiết lập một "khuôn mẫu" mà các quốc gia khác như Anh có thể sử dụng để thiết lập sự hiện diện trong khu vực. "Có nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Anh, quan tâm đến việc thiết lập sự hiện diện trong khu vực. Càng có nhiều quốc gia tuân thủ pháp quyền trong khu vực, càng có nhiều quốc gia như vậy đi qua Biển Đông, thì chúng ta càng có thể củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ", chuyên gia trên nói thêm.

Giới phân tích cũng xem đây là bước đi nữa của các đồng minh khu vực nhằm bày tỏ quan ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Ben Ascione, một trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Waseda (Tokyo), cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp Mỹ đủ lực để tham gia vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi hiện tại đã có các quốc gia khác chia sẻ một phần gánh nặng quân sự mà Washington gánh chịu.

Australia và Nhật Bản vận hành máy bay chiến đấu tàng hình F-35, một loại máy bay thế hệ thứ năm do Mỹ sản xuất. Tokyo cũng đang đàm phán mua 42 chiếc F-35A. Vào tháng 12/2018, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt việc tăng đơn đặt hàng khủng 147 máy bay, bao gồm 42 máy bay F-35B phiên bản cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL).

Điều đó khiến Nhật Bản trở thành quốc gia sử dụng F-35 lớn nhất bên ngoài nước Mỹ. Hơn nữa, Tokyo cũng đang nâng cấp phi đội F-15 Eagles, sẽ bổ sung cho phi đội F-35 trong thời gian tới. Mặt khác, Canberra đang trong quá trình thay thế máy bay chiến đấu F/A-18A/B Hornet bằng 72 máy bay chiến đấu F-35A. 40 chiếc F-35A đã được giao và số còn lại sẽ có vào cuối năm 2023.

Sức mạnh tổng hợp của các máy bay F-35 của Úc và Nhật Bản sẽ ở mức 219. Phi đội hiện tại của Trung Quốc chỉ gồm 150 máy bay tàng hình thế hệ thứ năm J-20 rơi vào tình trạng thiếu sức mạnh không quân khổng lồ này.

Tuy nhiên, Nhật Bản và Australia vẫn chưa dừng lại ở đó và đang tích cực làm việc để tăng cường khả năng tổng thể của lực lượng.

Hiệp ước RAA được công bố khiến nhiều người liên tưởng đến sự kiện lớn trước đó: thỏa thuận AUKUS, vốn đánh dấu quan hệ đối tác an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia, được công bố vào cuối năm ngoái.

Nhưng theo chuyên gia Wakefield, RAA đã có trước từ rất lâu và không gây bất ngờ như AUKUS. Các cuộc đàm phán về RAA bắt đầu vào năm 2014 và thỏa thuận được đồng ý trên nguyên tắc vào tháng 11/2020. Hiệp ước đã ký vẫn cần được cả hai quốc gia phê chuẩn nhưng đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại hình này mà Nhật Bản ký kết với một quốc gia khác kể từ khi nước này ký Thỏa thuận SOFA (Tình trạng của lực lượng thỏa thuận) với Mỹ hơn 60 năm trước.
"Trung Quốc sẽ nhìn nó với một số lo ngại, nhưng hầu hết các chính phủ trong khu vực sẽ khá lạc quan về nó", chuyên gia Wakefield nói.

Giáo sư Donald Rothwell về luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Australia cũng nhất trí với quan điểm này nhưng cho biết thỏa thuận này cũng đánh dấu ý nghĩa khác, đặc biệt là việc Nhật Bản sẵn sàng về lập trường vững chắc hơn và vị thế lớn hơn trong khu vực.

Ông nói: "Điều đặc biệt là Nhật Bản đang tham gia một hiệp ước như vậy, đây là hiệp ước đầu tiên thuộc loại khác với cái đã ký với Mỹ trước đây. Điều này cho thấy đây là một sự thay đổi lớn đối với Tokyo, đồng thời thể hiện một cách tiếp cận tự tin và mạnh mẽ hơn mà Nhật Bản đang thực hiện đối với các thỏa thuận quân sự hợp tác với các đối tác trong khu vực và các đối tác khác".

Theo www.scmp.com