1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đau đầu vì khủng hoảng trong nước, ông Trump đơn độc ở nước ngoài

(Dân trí) - Giữa lúc nội bộ nước Mỹ rối ren vì làn sóng biểu tình bạo động và đại dịch Covid-19 làm hơn 100.000 người chết, Tổng thống Trump gặp phải tình thế bị cô lập từ các đồng minh phương Tây.

Đau đầu vì khủng hoảng trong nước, ông Trump đơn độc ở nước ngoài - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: NYT)

Trong khi nhiều thành phố Mỹ đang chìm trong biểu tình và bạo động và Covid-19 vẫn đang lây lan tại vùng dịch lớn nhất toàn cầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem đang gặp phải với một bài toán khó khác liên quan tới các vấn đề phạm vi toàn cầu. New York Times cho rằng, ông Trump dường như đang phải đối mặt với thế bị cô lập bởi chính các đồng minh truyền thống lâu năm.

Tại châu Âu, quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh được cho là đang có những rạn nứt. Bằng chứng rõ ràng nhất là vào tuần trước khi Thủ tướng Đức Angela Merkel quyết định không tham gia họp thượng đỉnh G7 ban đầu dự kiến tổ chức ở Mỹ vào cuối tháng 6. Giới quan sát cho rằng, ông Trump rất muốn tổ chức cuộc họp này để cho thấy đại dịch Covid-19 đã được xử lý và thế giới đang trở về guồng quay bình thường.

Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên của Đức nói với New York Times rằng bà Merkel tin rằng Mỹ chưa có những sự chuẩn bị ngoại giao đầy đủ cho sự kiện và bà không muốn trở thành một phần của một hội nghị có mục đích thể hiện sự đối phó Trung Quốc. Ngoài ra, bà Merkel được cho cũng phản đối việc ông Trump mời Nga tham gia họp G7.

Thủ tướng Đức dường như cũng “sốc” vì quyết định đột ngột, đơn phương của ông Trump khi cắt đứt với tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sự rạn nứt giữa ông Trump và các đồng minh châu Âu được xem đã nới rộng trước khi Mỹ đối mặt với làn sóng biểu tình và bạo động trong suốt tuần qua. 

Khi ông Trump cảnh báo triển khai quân đội chống lại người biểu tình quá khích, ông được cho đã khiến các quốc gia đồng minh muốn giữ khoảng cách vì họ không rõ ông sẽ làm gì tiếp theo và họ cũng không sẵn lòng để bị kéo vào chiến dịch vận động tái tranh cử của ông.

Ngay cả quan chức đối ngoại Liên minh châu Âu EU, Josep Borrell Fontelles, cũng tuyên bố họ “sốc” vì vụ cảnh sát ghì cổ George Floyd. Ông Fontelles lên án “hành vi lạm dụng quyền lực” và “sử dụng vũ lực quá mức”, đồng thời thúc giục Mỹ “tôn trọng luật lệ và nhân quyền”.

Vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ "lung lay"

Hồi đầu tuần, Tổng thống Trump đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin và bàn bạc về nỗ lực chống dịch Covid-19, các vấn đề thương mại, và “các bước tiến trong việc tổ chức G7”. Điện Kremlin cho biết ông Trump đã mời ông Putin tham gia thượng đỉnh G7.

Ngoài ra, ông Trump cũng gọi điện cho người đồng cấp Brazil Jair Bolsonaro.

Cựu quan chức dưới thời ông Barack Obama, Julianne Smith, cho rằng các động thái gần đây cho thấy ông Trump dường như đang “lạc nhịp” với các đồng minh.

“Ông Trump đang bị cô lập ở trong nước và nước ngoài. Ông ấy cố gắng tìm bạn bè ở những nơi khác vì hiểu rằng quan hệ với các đồng minh truyền thống đang xấu đi”, bà Smith cho hay.

Cựu quan chức trên nói việc bà Merkel không tới Washington phản ánh thực tế rằng nhiều lãnh đạo thế giới dường như đã cảm thấy không còn hào hứng khi họ “nhận lại quá ít so với những gì họ đầu tư cho mối quan hệ với ông Trump”.

Theo New York Times, các đồng minh châu Âu có xu hướng không ủng hộ sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ dưới thời ông Trump và thậm chí "quay lưng" với ông. 

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã có nhiều quyết định đơn phương, phớt lờ ý kiến của các đồng minh như việc rút Mỹ khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran, hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hay Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân “Bầu trời Mở”. Gần đây nhất là quyết định cắt đứt với WHO.

Sau khi bà Merkel quyết định không sang Mỹ, đến lượt Canada và Anh lên tiếng phản đối việc mời Nga họp G7.

“Với các nước như Anh và Canada, việc tuyên bố công khai phản đối (động thái của Mỹ) là khá bất thường dù họ có thể bất đồng quan điểm trong thầm lặng”, cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt nhận định.

Trước đó, cuộc họp G7 được cho sẽ diễn ra với một bầu không khí chung nhằm hướng tới quan điểm cứng rắn với tình hình Hong Kong cùng một số vấn đề mà các bên đều quan tâm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Thomas Wright của viện Brookings (Mỹ), ngay sau quyết định cắt đứt với WHO của ông Trump, bà Merkel dường như cho rằng: “Nếu ông muốn đơn phương đưa ra quyết định, tôi sẽ không đến đó (Mỹ) để ủng hộ quan điểm của ông. Các đồng minh có thể nghĩ ông Trump đã hành động quá mức và họ muốn giữ khoảng cách với ông”.

Ulrich Speck, chuyên gia người Đức nói rằng bà Merkel vốn là một người ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong khi ông Trump dường như có xu thế ủng hộ chủ nghĩa đơn phương. Vì vậy, theo ông Speck, việc ông Trump thúc đẩy họp G7 có thể được hiểu là nỗ lực của ông nhằm hướng tới kỳ bầu cử vào tháng 11.

Trong khi đó, theo ông Thomas Gomart, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, quan điểm của Paris với ông Trump là “buồn và không vừa lòng”.

“Đồng minh chính của Pháp từ chối thể hiện vai trò lãnh đạo trong dịch Covid-19 và ngày càng trở nên cứng rắn với các đồng minh khác, cũng như tạo ra những chia rẽ mà Trung Quốc có thể lợi dụng một cách tích cực”, ông Gomart nhận định.

Ông Gomart cho rằng sau gần 4 năm, ông Trump dường như chưa thực sự đạt được thành tựu ngoại giao nào. Ông liệt kê cuộc đàm phán hạt nhân đình trệ với Triều Tiên, vấn đề Trung Đông, quan hệ ngày càng xấu đi với Trung Quốc và chưa có sự cải thiện trong quan hệ với Nga.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dường như cho rằng ông Trump đang làm ảnh hưởng tới an ninh châu Âu thông qua việc rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran hay hàng loạt hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga, theo ông Gomart.

Chuyên gia William Drozdiak từ viện Brookings nói rằng ông Macron trong quá khứ đã “cố gắng thử” tìm tiếng nói chung với ông Trump, nhưng bây giờ ông không còn “quá cố gắng”.

Ông Drozdiak cho rằng với những lãnh đạo “ủng hộ đa phương từ trong ADN như bà Merkel hay ông Macron”, việc ông Trump “phớt lờ các tổ chức quốc tế và các thỏa thuận” là điều khó chấp nhận.

Đức Hoàng

Theo New York Times