Đau đầu chuyện thiếu năng lượng, Bulgaria hàn gắn với Nga
(Dân trí) - Chỉ thời gian ngắn sau khi "chia tay" Nga, chính phủ mới của Bulgaria đã sẵn sàng trở lại với Moscow bằng cách ký một hợp đồng mới với tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom.
Chính phủ tạm quyền ở Bulgaria chỉ mới lên nắm quyền được 3 ngày thì đối mặt với những người biểu tình xuất hiện trước văn phòng tổng thống kêu gọi lãnh đạo từ chức.
Vụ việc xảy ra sau khi chính phủ tạm quyền phát đi tín hiệu sẽ quay lại với nguồn cung cấp năng lượng từ tập đoàn Gazprom của Nga sau khi nguồn cung khí đốt của Bulgaria bị cắt vào tháng 4.
Chính phủ trước đó đã loay hoay tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, cũng như nối lại cách tiếp cận thân thiện truyền thống của quốc gia Balkan này với Điện Kremlin.
Gazprom cung cấp hơn 90% nguồn cung cấp khí đốt của Bulgaria cho đến khi quốc gia này, cùng với Ba Lan, từ chối thanh toán hóa đơn mua năng lượng bằng đồng rúp.
EU đã đặt mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trước cuối thập niên này trước khi Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nhưng Bulgaria là một trong những quốc gia đầu tiên bị cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt khi căng thẳng leo thang.
Chính phủ thời điểm đó của Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov, người đã từ chối yêu cầu trả bằng đồng rúp của Nga vào tháng 4, đã thất bại sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào cuối tháng 6.
Ông Petkov là nhân vật đã có lập trường đối đầu với Nga sau khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông trục xuất 70 nhà ngoại giao và nghi phạm gián điệp Nga.
Chính phủ liên minh do ông lãnh đạo đã bị giải tán và vào tháng 8 và một chính phủ tạm quyền mới do Tổng thống Rumen Radev thành lập, một liên minh độc lập với Đảng Xã hội Bulgaria (BSP) có thiện cảm với Nga, lên nắm quyền.
Trước khi rời nhiệm sở, chính phủ của ông Petkov đã đẩy nhanh theo đuổi các nguồn cung cấp năng lượng thay thế, bao gồm cả khí đốt từ một đường ống chạy qua biên giới phía nam với Hy Lạp và bảo đảm 7 tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Nhưng cả hai thỏa thuận đều đang vướng mắc nhiều bước.
Vì vậy, chính phủ tạm quyền đang tận dụng khoảng thời gian trước cuộc tổng tuyển cử vào ngày 2/10 để hàn gắn với Nga, đặc biệt là về nguồn cung cấp năng lượng cho Bulgaria.
Một trong những cáo buộc chính của chính phủ tạm quyền là đổ lỗi cho chính phủ tiền nhiệm đã không đảm bảo đủ khí đốt cho mùa đông sắp tới.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 22/8, Bộ trưởng Năng lượng lâm thời Rossen Hristov nói rằng, Sofia không có lựa chọn nào khác ngoài việc khởi động lại các cuộc đàm phán với Gazprom. "Các cuộc đàm phán với Gazprom để tiếp tục nguồn cung cấp là điều không thể tránh khỏi", Bộ trưởng Hristov nói với các nhà báo ở Sofia.
Ông cáo buộc nội các của cựu Thủ tướng Petkov làm xấu đi mối quan hệ với Moscow và khiến các cuộc đàm phán trong tương lai trở nên rất khó khăn. "Đừng nghĩ rằng tất cả những gì cần làm là gọi cho Gazprom và dòng chảy khí đốt sẽ mở lại", ông nói.
Đây thực sự là một thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Bulgaria đối với Nga. Hồi tháng 4, cùng với Ba Lan, Bulgaria là một trong những quốc gia đầu tiên bị Gazprom cắt khí đốt do Sofia từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Kể từ đó, Gazprom đã đóng cửa và chuyển dòng khí đốt đến một số quốc gia khác.
Ông Genady Kondarev, chuyên gia phân tích khu vực của tổ chức nghiên cứu khí hậu E3G, cho rằng, "Bulgaria hiện là một công tắc địa chính trị, khiến nước này đóng vai trò quan trọng hơn chứ không phải chỉ là một nơi có mức tiêu thụ khí đốt nhỏ".
Vào ngày 2/10, Bulgaria sẽ tổ chức cuộc bầu cử lần thứ 4 trong vòng chưa đầy 2 năm. Nhưng việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho mùa đông sắp tới là mang tính cấp bách ngay bây giờ chứ không phải sau cuộc bầu cử.
Vì vậy, mặc dù chính phủ tạm quyền chỉ tại vị cho đến đầu tháng 10, các quyết định của họ về chính sách năng lượng sẽ có tác động bước ngoặt.
Bài toán khó cho Bulgaria
Theo các chuyên gia, việc tái khởi động hợp đồng với Gazprom đi kèm với rất nhiều rủi ro. Nó có thể gây nguy hiểm cho cả quỹ của EU và sự đoàn kết chung trong khối, vốn đã bị trật bánh do cuộc xung đột ở Ukraine.
Bulgaria sử dụng khoảng 3 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, ít hơn 1% tổng lượng sử dụng của châu Âu. Nhiên liệu do công ty nhà nước Bulgargaz phân phối cho các hoạt động công nghiệp, như sản xuất phân bón và thủy tinh, đồng thời cung cấp năng lượng cho thủ đô Sofia. (Các thành phố khác có hệ thống sưởi bằng khí đốt thuộc sở hữu tư nhân hoặc dựa vào các nhà máy đốt than).
"Nếu chúng ta ở trong tình huống Nga cắt hoàn toàn khí đốt đến tất cả các nước châu Âu, có một số quốc gia dễ bị tổn thương đến mức họ sẽ phải chịu áp lực thực sự đáng kể để thực sự tuân thủ bất cứ điều gì mà Nga mong muốn", nhà phân tích cấp cao Kostantsa Rangelova cho biết.
Ngoài các tàu chở LNG, Bulgaria có thể đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt bằng cách hoàn thành một tuyến liên kết với Hy Lạp đã hoạt động hơn 1 thập niên và sẽ cung cấp khoảng 1/3 năng lượng sử dụng của cả nước.
Dưới thời chính phủ Thủ tướng Borissov, đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 1,5 tỷ euro vận chuyển khí đốt của Nga qua Bulgaria đến Serbia và Hungary đã được xây dựng trong 1 năm. Đường ống liên kết ở Hy Lạp được hoàn thành vào mùa hè này.
Kể từ giữa tháng 6, "tất cả các cơ sở đã được nạp đầy khí đốt và thử nghiệm thành công với lượng khí tự nhiên thực tế", bà Teodora Georgieva, Giám đốc điều hành của ICGB phía Bulgaria, công ty liên doanh sẽ vận hành đường ống, cho biết. Bà nói thêm, tất cả các công trình chính đã hoàn tất và nó có thể đi vào hoạt động vào cuối tháng 8.
Trong khi đường kết nối Hy Lạp sẽ giúp Bulgaria đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, về lâu dài, quốc gia này sẽ cần bắt đầu loại bỏ dần khí đốt trong vòng một thập niên tới để đạt được các mục tiêu về khí hậu theo "Thỏa thuận Xanh" của EU.