Đằng sau việc đưa “Lực lượng gìn giữ hòa bình” vào Ukraine
“Ukraine tiếp tục kêu gọi cử phái bộ gìn giữ hòa bình đến Donbass, mặc dù hiện nay Châu Âu vẫn chưa có phản ứng tích cực trước sáng kiến này”.
Đó là tuyên bố của đại diện Bộ Ngoại giao Ukraine E.Perebinhik đưa ra ngày 24/2. Và: “Quy mô và thẩm quyền của Lực lượng này sẽ được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua. Chúng tôi hy vọng sẽ đạt được những thỏa thuận (về đề nghị này) và cũng hy vọng vào sự ủng hộ của Nga với mong muốn đây sẽ là bước đi đầu tiên để đạt được một nền hòa bình bền vững tại Donbass”.
Như đã nói ở trên, Liên minh Châu Âu chưa có phản ứng chính thức về đề nghị này, Nga đã phản đối (qua các phát biểu của X.Naryshkin- Chủ tịch Duma quốc gia và V.Churkin- đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc).
Ngay cả một "chiến hữu thân cận" của Ucraine là Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan G.Skhetyn cũng tỏ ra nghi ngờ triển vọng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Donbass với lời phát biểu sau: “Tôi không thấy bất kỳ khả năng nào (cử Lực lượng gìn giữ hòa bình của Châu Âu đến Dobass) ” (tuyên bố ngày 23/2).
Có nhiều vấn đề liên quan đến ý tưởng này của Ucraine, nhưng trong khuôn khổ bài báo, chúng ta chỉ quan tâm đến một khía cạnh là liệu ý tưởng đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ucraine có trở thành hiện thực hay không?
Để trả lời câu hỏi này cũng như cung cấp thêm một số thông tin về lực lượng gìn giữ hòa bình, tốt nhất là tìm hiểu từ “người trong cuộc”.
Chính vì vậy, xin giới thiệu với bạn đọc bài trả lời phóng vấn báo “Vzgliad” (Quan điểm) ngày 24/02 của X.Lavrov (xin đừng nhầm với X.Lavrov là Ngoại trưởng Nga), Chủ tịch Tổ chức liên khu vực Hội cựu chiến binh các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc .
Nhưng trước hết, một số thông tin ngắn gọn về ông:
Sinh năm 1949 tại Moscow. Sau khi tốt nghiệp phổ thông vào học Trường Đại học ngoại ngữ quân sự tại khoa tiếng các nước Phương tây (tiếng Anh và tiếng Serbokhorvatsky (tiếng Nam tư) .
Đã 02 lần tham gia vào các sứ mệnh hòa bình của Liên Hợp Quốc trong thành phần ONVUP (viết tắt tiếng Nga – Tổ chức giám sát việc tuân thủ các điều kiện ngừng bắn) tại thủ đô Syria trong các năm 1980-1982 và tại Ai cập trong các năm 1986-1988 .
Xergey Lavrov (Lính “mũ nồi xanh”) (Ảnh: viiapedia.com)
Sau đây là nội dung bài trả lời phỏng vấn, phần trong ngoặc kép là của người dịch để làm rõ hơn:
Vzgliad: Những quy tắc nào được áp dụng trong thực tiễn thế giới khi đưa lực lượng gìn giữ hòa bình (vào một nước nào đó) và những đặc điểm tình hình hiện nay tại Đông- Nam Ucraine?
X.Lavrov : (Để đưa được Lực lượng gìn giữ hòa bình vào Ucraine) thì ngoài những nhân tố tác động từ bên ngoài (thái độ, lập trường của các nước có ảnh hưởng và có liên quan), còn một loạt những vấn đề chính trị nội bộ phức tạp khác .
Theo luật pháp Ucraine, mà cụ thể là điều 85 của Hiến pháp thì quyết định về việc đưa quân nhân nước ngoài đến lãnh thổ nước này thuộc thẩm quyền của Rada tối cao (Quốc hội) . Trong trường hợp này, mong muốn của chỉ riêng Tổng thống Poroshenko là chưa đủ .
Hơn nữa (cũng theo Hiến pháp Ucraine), để đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình vào lãnh thổ Ucraine, nước này cần phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Chế độ tình trạng khẩn cấp trao cho các đại diện của các cơ quan sức mạnh (quân đội, cảnh sát, lực lượng đặc biệt ..) các khả năng (quyền hạn) không hạn chế, đồng thời hạn chế các quyền của công dân .
Chế độ tình trạng khẩn cấp cho phép sử dụng quân đội, ban bố giờ thiết quân luật, chế độ kiểm soát đặc biệt (đối với công dân) khi ra vào các thành phố, hạn chế đi lại trên lãnh thổ (Ucraine) cũng như cấm các hành vi tụ tập đông người . Nếu không có tình trạng khẩn cấp và các điểm vừa liệt kê ở trên thì trên thực tế không thể đưa được Lực lượng gìn giữ hòa bình (vào Ucraine) được .
Có nghĩa là, nếu Ucraine muốn đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình vào lãnh thổ nước mình thì trước hết phải giải quyết xong các vấn đề nội bộ (theo Hiến pháp) và chuẩn bị sẵn sàng (cho tình huống này) .
Chỉ sau khi đó (thực hiện các bước như đã nói ở trên), Kiev mới có thể đề xuất (đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình) lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là một quy trình chiếm rất nhiều nhiều thời gian. Chỉ riêng trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, việc hoàn thành các thủ tục cần tới gần 6 tháng chứ không thể ít hơn .
Đầu tiên là (Liên Hợp Quốc) ra quyết định, sau đó là (tìm nguồn) và phân bổ tài chính, sau nữa là lựa chọn lực lượng. Tiếp theo đó, Lực lượng này cần phải được bố trí (khu vực thực hiện nhiệm vụ ) và hoàn tất công tác đảm bảo vật chất- kỹ thuật – quy trình này cũng chiếm khá nhiều thời gian.
Vzgliad: Ông đánh giá như thế nào về triển vọng đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình vào Ucraine theo đề nghị của Tổng thống Poroshenko?
X. Lavrov: Poroshenko muốn đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh Châu Âu vào Ucraine nhưng được sự ủy nhiệm (dưới danh nghĩa) của Liên Hợp Quốc. Và ông ta cũng muốn bố trí Lực lượng này trên biên giới giữa Nga với Cộng hòa nhân dân Donhets và Cộng hòa nhân dân Lugansk (Lực lượng đòi ly khai). Đây là một vấn đề hoàn toàn khác .
Cả Phương Tây và Nga đều không hoan nghênh sáng kiến này. Khả năng thực hiện một kế hoạch như vậy của Poroshenko là rất thấp. Vấn đề là ở chỗ hiện các quan sát viên của OSCE đang có mặt tại Đông - Nam Ucraine. Tăng cường thêm Lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực này là không cần thiết .
Vzgliad: Các mô hình hoạt động gìn giữ hòa bình nào được áp dụng trong thực tiễn quốc tế ?
X.Lavrov: Có 02 kiểu hoạt động gìn giữ hòa bình. Kiểu thứ nhất – theo mô hình cổ điển – (hoạt động gìn giữ hòa bình) được thực hiện dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc.
Mô hình thứ hai được áp dụng trong khuôn khổ các tổ chức khu vực, ví dụ như OSCE, ODKB (viết tắt tiếng Nga- Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể gồm các nước Armenia, Belarus,Kazakhstan, Kirgistan,Nga,Tajikistan ) hoặc Liên minh Châu Phi .
Nếu như nói về hoạt động theo mô hình thứ nhất thì chức năng (mục tiêu) chính thức của phái bộ gìn giữ hòa bình là “duy trì hòa bình”.
Nó được tiến hành khi các hoạt động tác chiến đã hoàn toàn chấm dứt và các bên (xung đột) đã đồng nhất trí với việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình (đến khu vực từng xảy ra xung đột). Nhân đây cũng xin được nhấn mạnh là Liên Hợp Quốc không có bất kỳ một lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc các đơn vị quân sự riêng nào.
Khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết về việc thành lập phái bộ gìn giữ hòa bình thì cùng thời gian đó, (Hội đồng Bảo an) cũng quyết định các quyền hạn của Lực lượng đó.
Tiếp theo, Hội đồng Bảo an sẽ quyết định những quốc gia nào sẽ cử người tham gia Lực lượng này, có nghĩa là quyết định những nước nào sẽ cử các quân nhân của mình (và bao nhiêu) tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình đó.
Vzgliad: Còn mô hình thứ hai ?
X. Lavrov: Mô hình thứ hai được áp dụng trong khuôn khổ các tổ chức khu vực. Hình thức (quy mô) và các nguyên tắc sử dụng lực lượng này được quy định bởi các văn bản của chính tổ chức đó. Vấn đề là ở chỗ không có một định nghĩa thống nhất về sứ mệnh gìn giữ hòa bình .
Kể cả ở Liên Hợp Quốc cũng không có một định nghĩa như vậy. Tuy nhiên, Cộng đồng quốc tế có một cách hiểu chung về sứ mệnh gìn giữ hòa bình, mà cụ thể là - đây là những nỗ lực thống nhất của cộng đồng quốc tế nhằm ổn định tình hình và thiết lập hòa bình ở một khu vực nhất định.
Các nỗ lực đó có thể diễn ra theo mô hình thứ nhất , hoặc theo mô hình thứ hai , ngoài ra không còn một phương án nào khác.
Trong trường hợp với Ucraine, cộng đồng quốc tế hiện không có một quan điểm thống nhất về định dạng sứ mệnh hòa bình tại đó. Hội đồng Bảo an sẽ phản ứng như thế nào?
Nếu không có nghị quyết của Hội đồng Bảo an thì về mặt nguyên tắc, sẽ không có một sứ mệnh hòa bình nào được thực hiện (ở Ucraine) cả (lưu ý là Nga là thành viên thường trực Hội đồng bảo an và có quyền phủ quyết).
Vzgliad: Tiến trình cách ly các bên xung đột khi tiến hành sứ mệnh gìn giữ hòa bình diễn ra như thế nào?
X.Lavrov: Về mặt kỹ thuật, lực lượng gìn giữ hòa bình đóng ở các vị trí nằm giữa các bên xung đột và theo dõi việc tuân thủ các điều kiện ngừng bắn. Tiến trình này có thể kéo dài .
Ví dụ, sứ mệnh của ONVUM mà tôi từng tham gia ,- ONVUM được thành lập từ năm 1948 và vẫn tồn tại cho đến bây giờ. Một lần nữa xin nhắc lại một điều cực kỳ quan trọng là: Lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ được đưa đến khu vực đã từng xảy ra xung đột sau khi các hành động quân sự đã thực sự chấm dứt.
Vzgliad: Lính gìn giữ hòa bình có mặt tại khu vực xung đột tự đảm bảo an ninh cho chính mình như thế nào?
X.Lavrov: Vấn đề là ở chỗ đó là lực lượng gìn giữ hòa bình nào. Nếu nói về “ lực lượng mũ nồi xanh” thì họ hoàn toàn không có vũ khí. Họ đi tuần tiễu trên các xe mang cờ Liên Hợp Quốc .
Nhiệm vụ chính của họ - mang cờ Liên Hợp Quốc và thể hiện sự có mặt của Tổ chức này tại khu vực xung đột. Họ chỉ được bảo vệ bằng uy tín của chính Liên Hợp Quốc. Tôi đã từng là lính “mũ nồi xanh” nên quá hiểu điều đó (nguy hiểm) như thế nào.
Còn về “ Lính mũ sắt xanh” thì lực lượng này được trang bị vũ khí tốt và có quyền được sử dụng vũ khí trong hai trường hợp: để bảo vệ an ninh cho dân thường và để tự vệ.
Nếu lực lượng gìn giữ hòa bình hoạt động dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc thì họ phải tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Có các khái nhiệm về quyền nhân đạo quốc tế mà phái bộ gìn giữ hòa bình phải thực hiện. Nếu phái bộ này hoạt động trong khuôn khổ một tổ chức khu vực nào đó thì các hoạt động của lực lượng này phải tuân thủ các quy định của tổ chức đó .