1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Xung đột Ukraine: Ngoại trưởng tìm hòa bình, Tổng thống mua vũ khí

Nỗ lực cứu vãn Thỏa thuận Minsk 2 đang hết sức mong manh trước “sức nóng” của chiến trường miền Đông Ukraine: chỉ cần “một mồi lửa”, chiến sự sẽ bùng lên dữ dội.

Ngoại trưởng Ukraine đi tìm hòa bình

Các Ngoại trưởng Ukraine, Nga, Pháp và Đức trong cuộc họp tại thủ đô Paris, Pháp ngày 24/2 đã nhất trí tăng cường triển khai sứ mệnh quan sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2 được ký 12/2.

 
Xe tăng quân đội Ukraine gần Artemivsk (ảnh: AP)
Xe tăng quân đội Ukraine gần Artemivsk (ảnh: AP) 

Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp kéo dài 3 giờ cùng người đồng cấp Ukraine, Nga và Đức, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết: “Cả 4 Ngoại trưởng kêu gọi thực hiện nghiêm túc tất cả các điều khoản của thỏa thuận Minsk 2, bao gồm một lệnh ngừng bắn toàn diện và rút vũ khí hạng nặng. Chúng tôi kêu gọi các bên hoàn thành kế hoạch rút vũ khí hạng nặng sớm nhất có thể”.

“Chúng tôi yêu cầu củng cố sứ mệnh quan sát đặc biệt của OSCE và sự mở rộng của sứ mệnh này, thông qua việc bổ sung nhân viên, trang thiết bị và nguồn tài chính. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng hành động nhằm đảm bảo việc này được triển khai nhanh chóng”, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh.

Theo yêu cầu của OSCE, quân đội Ukraine và lực lượng đối lập miền Đông phải hoàn tất việc rút vũ khí hạng nặng trước ngày 27/2 và thiết lập một vùng đệm phi quân sự trước ngày 7/3.

Trong khi lực lượng đối lập Ukraine cho biết đã bắt đầu rút vũ khí hạng nặng khỏi chiến trường miền Đông nước này, theo một thỏa thuận ngừng bắn, phía quân đội Ukraine cho biết, họ sẽ chỉ rút vũ khí nếu như lực lượng đối lập hoàn toàn tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.

Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk sáng 24/2 cho biết đã bắt đầu rút khoảng 100 khẩu pháo khỏi chiến tuyến, còn Lugansk tuyên bố đã rút hơn 30 đơn vị vũ khí hạng nặng khỏi khu vực Donbass ở miền Đông Ukraine và sẵn sàng đẩy nhanh quá trình nếu Kiev ngừng tấn công.

Trong khi đó, người phát ngôn của quân đội Ukraine Vladislav Seleznyov tuyên bố sẽ chỉ rút vũ khí hạng nặng khi lệnh ngừng bắn được tuân thủ tuyệt đối. “Trong tình hình lực lượng Ukraine vẫn bị nã pháo thì không thể nói chuyện rút vũ khí được”.

Tổng thống Ukraine đi UAE mua vũ khí?

Tiếng nói nước Nga đưa tin: Tổng thống Ukraine Poroshenko vừa đạt được thỏa thuận với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về cung cấp vũ khí.

 
Tổng thống Ukraine bắt tay Thủ tướng UAE (ảnh: Gulf Today)
Tổng thống Ukraine bắt tay Thủ tướng UAE (ảnh: Gulf Today) 

Tin này công bố trên trang Facebook của cố vấn Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nghị sĩ Verkhovnaya Rada Anton Gerashenko. Theo lời ông Gerashenko, Thỏa thuận này được ký với Thái tử Abu Dhabi và Phó Tư lệnh tối cao lực lượng vũ trang UAE, Mohammed bin Zayed bin Sultan Al Nahyan.

“Điều này nhấn mạnh rằng, không giống người châu Âu hay người Mỹ, người Arab không sợ mối đe dọa từ ông Putin trong cuộc chiến tranh Thế giới thứ ba, bắt đầu khi vũ khí và đạn dược được cung cấp cho Ukraine”, cố vấn Gerashchenko viết trên Facebook.

Cũng theo ông Gerashchenko, UAE đổ lỗi cho Nga về việc giảm giá dầu, “vì vậy điều này có thể là một cách trả đũa của họ”.

Tuy nhiên, tên và số lượng các loại vũ khí sẽ được UAE chuyển giao cho Ukraine không được tiết lộ.

Trước thông tin này, báo chí UAE dẫn lời Tổng thống Ukraine Poroshenko nói rằng: “Các vũ khí này sẽ không được sử dụng vào mục đích tấn công, mà chỉ để cung cấp cho Kiev một số lựa chọn quân sự mà Kiev hiện không có”.

Mong manh lệnh ngừng bắn

Vụ đánh bom tại Kharkov khiến 3 người thiệt mạng đang châm ngòi khẩu chiến Ukraine – Nga, đồng thời dấy lên nguy cơ lệnh ngừng bắn bị phá vỡ.

Kiev ngày 22/2 thông báo đã bắt được các nghi phạm liên quan đến vụ nổ làm 3 người chết trong cuộc tuần hành ở thành phố Kharkov và cho biết chúng nhận vũ khí cùng chỉ thị từ phía Moscow.

Hiện trường vụ nổ bom ở Kharkok hôm 22/2 (ảnh: EPA)
Hiện trường vụ nổ bom ở Kharkok hôm 22/2 (ảnh: EPA)
Moscow hiện chưa có bình luận nào về cáo buộc từ phía Kiev. Nga từ lâu đã bác bỏ thông tin cho rằng nước này hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở Ukraine.

Kharkov nằm cách chiến tuyến, nơi phe ly khai và quân đội chính phủ Ukraine đang giao tranh, hơn 200 km. Thành phố này hiện nằm dưới sự kiểm soát chắc chắn của chính phủ và phần lớn người dân ủng hộ Kiev. Tuy nhiên, theo quan sát của OSCE, vụ nổ bom tại thành phố này có nguy cơ đẩy chiến sự ở Mariupol lên cao.

Ðến nay Mariupol, cách biên giới Nga 55km, vẫn là thành phố lớn nhất trong vùng chiến sự còn nằm trong tay Chính phủ Ukraine. Quan sát chiến sự những ngày qua ở đây, giới quan sát đã nhận định Mariupol khả năng sẽ trở thành “lò lửa” chiến tranh trong tương lai gần.

AFP dẫn báo cáo của các quan sát viên OSCE: lực lượng đối lập vẫn không hề tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn, đặc biệt tại các khu vực gần thành phố Mariupol.

Đại tá Valentyn Fedichev, một chỉ huy quân đội Ukraine, khẳng định các vị trí của lực lượng Kiev bị bắn phá 27 lần chỉ trong vòng 24 giờ (22-23/2). “Các tay súng phe đối lập vẫn liên tiếp tấn công vị trí quân chính phủ ở thị trấn Shyrokine và khu vực xung quanh” .

Quân đội Ukraine còn cáo buộc Nga triển khai 20 xe tăng tiếp cận Mariupol.

Trong một diễn biến khác, Nga tuyên bố sẽ phản ứng nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergey Ryabkov chỉ trích quyết định trên sẽ vi phạm thỏa thuận Minsk về giải quyết hòa bình xung đột tại Ukraine và là hành động khiêu khích mà Nga không thể không can thiệp./.

Theo Ngân Giang/VOV.VN