1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đảng Bảo thủ thắng lớn và 2 kịch bản cho chính trường Anh

(Dân trí) – Đảng Bảo thủ Anh đã đưa ra đề nghị “lớn, công khai và toàn diện” chưa từng có với đảng Dân chủ Tự do, sau cuộc bầu cử khiến Quốc hội Anh rơi vào tình trạng “treo” đầu tiên trong 36 năm qua và khiến chính trường Anh đứng trước 2 kịch bản.

 

Đảng Bảo thủ thắng lớn và 2 kịch bản cho chính trường Anh - 1


Nick Clegg, Gordon Brown và David Cameron - ba nhân vật then chốt trên chính trường Anh

Sau khi kết quả bầu 649 trên 650 ghế trong quốc hội được công bố, các thành viên đảng Bảo thủ giành được 306 ghế, Công Đảng 258 ghế và Dân chủ Tự do 57 ghế. Như vậy, dù đã giành được chiến thắng lớn nhất kể từ những năm 1930, đảng Bảo thủ vẫn thiếu 20 ghế nữa mới được đa số tuyệt đối trong quốc hội.

Thủ lĩnh đảng Bảo thủ, David Cameron đã buộc phải đưa ra cam kết công khai với Thủ lĩnh đảng Dân chủ Tự do Nick Clegg. Tuyên bố trước báo giới, ông Cameron đã đề cập đề nghị chưa từng có với đảng Dân chủ Tự do. “Tôi muốn chúng tôi cùng hợp tác để giải quyết những vấn đề khẩn cấp và to lớn của đất nước: khủng hoảng nợ, các vấn đề xã hội và hệ thống chính trị đang rạn vỡ”, ông này nói.

Trong khi tuyên bố Công Đảng của Thủ tướng Brown đã mất quyền lãnh đạo, ông Cameron khẳng định những điều khoản trong thỏa thuận giữa đảng Bảo thủ và Dân chủ Tự do sẽ là cơ sở cho một chính phủ vững mạnh.

Trong khi đó, ông Brown vẫn từ chối chấp nhận thua cuộc cho dù Công Đảng của ông mất gần 100 ghế. Thủ tướng Anh đang cố thuyết phục thủ lĩnh Dân chủ Tự do bằng một đề nghị chia sẻ quyền lực. Nhưng lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ lại vừa tuyên bố là đảng Bảo thủ, vì có ghế nhiều nhất, phải được ưu tiên thành lập chính phủ.

2 kịch bản

Theo kết quả bầu cử, như vậy là lần đầu tiên kể từ năm 1974, Anh Quốc rơi vào một tình thế gọi là “quốc hội treo”, tức là Quốc hội coi như bị tê liệt, vì không có đa số rõ rệt. Đối với ông David Cameron, ứng cử viên thủ tướng của Đảng bảo thủ, ông Gordon Brown đã mất hết tính chính đáng để tiếp tục lãnh đạo chính phủ. Nhưng về phía Công đảng thì nhấn mạnh là theo hiến định, trong trường hợp mà Quốc hội không có đa số tuyệt đối, thủ tướng mãn nhiệm được ưu tiên thành lập một chính phủ mới.

Lần đầu tiên kể từ năm 1992, đảng Bảo thủ giành thắng lợi trong một cuộc bầu cử Quốc hội, trở thành lực lượng chính trị hàng đầu ở Hạ Viện. Nhưng đảng này không đạt được đa số tuyệt đối, cho nên, hai kịch bản đang chờ đón chính trường Anh: liên minh cầm quyền hoặc chính phủ thiểu số.

Một điều chắc chắn là các cuộc thương lượng, mặc cả giữa hai đảng này sẽ rất dai dẳng, mà có người dự đoán là sẽ kéo dài nhiều tháng. Vấn đề là, cho dù có liên kết với nhau, Công đảng và đảng Tự do Dân chủ sẽ vẫn không hội đủ đa số tuyệt đối để cầm quyền một cách ổn định.

Ngoài khả năng một liên minh được thành lập, còn có khả năng là ông David Cameron sẽ lập một chính phủ thiểu số và khi cần sẽ vận động sự yểm trợ của các đảng nhỏ theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa ở Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales.

Theo dự báo của một giáo sư khoa chính trị học thuộc trường đại học Bristol, lãnh đạo chính phủ thiểu số này, ông Cameron sẽ cố chứng tỏ năng lực làm thủ tướng, rồi sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới vào mùa thu năm nay hoặc mùa xuân năm tới.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, viễn cảnh rối mù này càng khiến các thị trường tài chính thêm quan ngại. Thị trường chứng khoán London hôm nay (7/5) đã sụt giảm rất mạnh, trong khi đó đồng bảng Anh đang trong trạng thái rơi tự do. Các cuộc thương lượng mặc cả càng kéo dài thì đồng bảng Anh và chứng khoán Anh sẽ càng tuộc dốc thêm.

Cho dù là ai, tân thủ tướng Anh sẽ kế thừa một đất nước với mức thâm thủng ngân sách kỷ lục, tức là hơn 11% tổng sản phẩm nội địa GDP trong năm nay, cao nhất châu Âu. Đó là chưa kể là nhiều công ty xếp hạng tín nhiệm đã doạ sẽ hạ điểm của nước Anh, nếu sau bầu cử, chính phủ mới không có biện pháp gì để cải thiện tình hình tài chính công của nước này.

Nguyễn Viết
Tổng hợp
Dòng sự kiện: Bầu cử Anh 2010