Dàn xe tăng, máy bay sẽ tham gia cuộc duyệt binh hoành tráng tại Mỹ
(Dân trí) - Quân đội Mỹ cho biết sẽ triển khai 28 xe tăng Abrams, 56 thiết giáp Stryker, Bradley cùng nhiều khí tài khác tham gia lễ duyệt binh tại Washington vào tháng 6 tới.

Xe tăng Abrams sẽ xuất hiện tại lễ duyệt binh của quân đội Mỹ vào tháng 6 tới (Ảnh: Reuters).
Quân đội Mỹ đã chia sẻ thông tin chi tiết mới về lễ kỷ niệm 250 ngày thành lập lực lượng này vào ngày 14/6 tới tại thủ đô Washington, trùng với sinh nhật của Tổng thống Donald Trump.
Trong đó, phát ngôn viên lục quân Mỹ Steve Warren tiết lộ sẽ có sự tham gia của 28 xe tăng chủ lực M1A1 Abrams, 28 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 28 thiết giáp Stryker và 4 lựu pháo tự hành Paladin.
Ngoài ra "sẽ có màn bay biểu diễn quy mô lớn với sự tham gia của hơn 50 trực thăng, trong đó AH-64 Apache, UH-60 Blackhawk đa nhiệm và CH-47 Chinook", ông Warren cho hay. Các quan chức cho biết ít nhất 200.000 người dự kiến sẽ tham dự sự kiện sắp tới.
Các thiết bị thời Thế chiến II bao gồm xe tăng M4 Sherman, máy bay ném bom B25, máy bay chiến đấu P51 Mustang và C47 Skytrain cũng sẽ được giới thiệu.
Khoảng 6.700 binh lính, bao gồm cả quân nhân đang tại ngũ, quân dự bị, Vệ binh quốc gia, Quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị (ROTC) và lực lượng tác chiến đặc biệt, dự kiến cũng sẽ tham gia.
Một số binh lính sẽ mặc quân phục lịch sử được thiết kế riêng cho sự kiện này để phản ánh truyền thống của quân đội Mỹ, các quan chức Mỹ cho biết thêm.
Cuộc duyệt binh sẽ bắt đầu vào đầu buổi tối 14/6 và sẽ tiến dọc theo cung đường Constitution Avenue và tiếp tục đến gần National Mall, một tuyến đường ngắn hơn so với dự kiến trước đó.
Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, tại Quảng trường Quốc gia ở Washington sẽ tổ chức bắn pháo hoa cũng như lễ hội kéo dài cả ngày.
Vào cuối lễ duyệt binh, đội nhảy dù Hiệp sĩ Vàng của lục quân Mỹ sẽ nhảy dù qua Nhà Trắng và đáp xuống gần ông Trump, sau đó trao cho Tổng thống quốc kỳ nước này. Tổng chi phí của sự kiện là 25-45 triệu USD, theo phát ngôn viên Warren.
Các quan chức quân đội nói với các phóng viên rằng, họ đang hợp tác chặt chẽ với Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Sân bay quốc gia Reagan để tránh xung đột khi diễu hành, mặc dù các chi tiết cuối cùng liên quan đến tác động đến các sân bay địa phương vẫn đang được thảo luận.
Các quan chức Mỹ cho biết, tất cả các hệ thống vũ khí sẽ bị vô hiệu hóa và được Mật vụ kiểm tra trước sự kiện. Không có đạn dược nào, dù là đạn thật hay đạn giả, được phân phối cho binh sĩ.
Đại tá Chris Vitale, sĩ quan phụ trách hoạt động kỷ niệm, cho biết mục đích của cuộc duyệt binh là "kể lại câu chuyện về lục quân Mỹ theo dòng lịch sử", bắt đầu từ Cách mạng Mỹ hồi thế kỷ 18.
Sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt

Xe chiến đấu Bradley được trưng bày tại sự kiện "Salute to America" (Lời chào tới nước Mỹ) năm 2019 (Ảnh: AFP).
Sự kiện kỷ niệm kéo dài một tuần này chính thức được chỉ định là "sự kiện an ninh quốc gia đặc biệt", một thuật ngữ được sử dụng cho các sự kiện lớn như Super Bowl (siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ) hoặc lễ nhậm chức tổng thống. Những sự kiện này đòi hỏi sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.
Sự kiện này đã được chuẩn bị trong 2 năm, nhưng chỉ mới được cập nhật gần đây, trong đó bao gồm một cuộc duyệt binh trên.
Mỹ rất hiếm khi tổ chức duyệt binh. Lần cuối cùng hoạt động này diễn ra theo quy mô lớn là vào năm 1991 nhằm mừng chiến thắng trước quân đội Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh.
Các quan chức quân đội Mỹ hôm 21/5 đã không nêu rõ vì sao có ý tưởng đưa cuộc duyệt binh trên vào các sự kiện đã lên kế hoạch.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã tuyên bố mong muốn có một cuộc duyệt binh quy mô lớn. Nhưng sự kiện đó đã chưa trở thành hiện thực thì ông kết thúc nhiệm kỳ.
Hồi năm 2019, Tổng thống Trump lúc đó đã tổ chức sự kiện có tên gọi "Salute to America" (Lời chào tới nước Mỹ) với sự hiện diện của các khí tài quân sự hiện đại. Đps là một phần trong lễ kỷ niệm Quốc khánh được Tổng thống Trump mô tả là "sự kiện đặc biệt, có một không hai".
Lúc đó, quyết định của Tổng thống Trump phô diễn sức mạnh quân sự Mỹ tại lễ kỷ niệm Quốc khánh đã vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ.