Dân Mỹ "chóng mặt" vì biến chủng Delta
(Dân trí) - Diễn biến dịch Covid-19 thay đổi "chóng mặt" do sự xuất hiện của biến chủng Delta nguy hiểm đã khiến chính quyền Mỹ liên tục đưa ra các cảnh báo và chúng khiến nhiều người Mỹ cảm thấy bị "rối loạn".
Sau khi lên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ với những thành tựu chống dịch ấn tượng. Vài tháng trước, ông từng tự tin rằng cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ đã sắp được kiểm soát. Tuy nhiên, Mỹ hiện đang phải đối mặt với những diễn biến và thay đổi đầy phức tạp gần đây.
Biến chủng nguy hiểm Delta xuất hiện, những nghiên cứu khoa học mới về Delta được công bố đang gây ra những nhiễu loạn về mặt thông tin khi chính quyền liên tục đưa ra các cảnh báo bám sát diễn biến của dịch nhưng lại có xu hướng mâu thuẫn.
"Trong khi chúng ta rất muốn khép lại đại dịch, Covid-19 vẫn chưa buông tha chúng ta, vì vậy cuộc chiến của chúng ta phải kéo dài hơn nữa. Điều này rất khó nhưng chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau", Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky cảnh báo.
Những diễn biến thời gian qua một lần nữa chứng kiến nỗ lực của các chính quyền trên khắp nước Mỹ bị ảnh hưởng bởi bản chất hỗn loạn của đại dịch. Theo New York Times, thay vì một thông điệp nhất quán, giới chức Mỹ đang đưa ra những thông tin đôi khi khác biệt do sự thay đổi quá nhanh chóng của Covid-19.
Những thông điệp gây bối rối
Tại Louisiana, một trong những bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất, Thống đốc John Bel Edwards ban hành quy định đeo khẩu trang trong nhà, tương tự với San Francisco và 6 hạt ở khu vực Vịnh tại California. Tuy nhiên, tại thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio không đưa ra quy định này, dù nó phù hợp với chỉ dẫn của CDC.
Vào tháng 5, CDC Mỹ cho biết, những người đã tiêm chủng Covid-19 không cần mang khẩu trang ở trong nhà cũng như ngoài trời. Tuy nhiên, tuần trước, CDC bất ngờ thay đổi lại thông báo, một lần nữa khuyến nghị tất cả mọi người - dù đã tiêm chủng hay chưa tiêm chủng - nên đeo khẩu trang trong nhà ở những khu vực mà mầm bệnh đang lây lan nhanh.
Vài ngày sau đó, một tài liệu của CDC được hé lộ cho thấy nguyên nhân của việc thay đổi này: Chủng Delta dễ lây lan như thủy đậu và lây cho cả người đã tiêm chủng. Điều này đặt những người chưa tiêm vắc xin vào nguy hiểm và gây ra mối đe dọa rằng có sự lây lan rộng của mầm bệnh hiện tại có thể khiến xuất hiện biến chủng mới có khả năng "né" vắc xin.
"Chủng Delta khác với các biến thể khác. Tôi biết đây là thông tin gây thất vọng và tôi chia sẻ sự thất vọng này", bà Walensky cho biết.
Một quan chức cấp cao giấu tên ngày 2/8 thừa nhận rằng, nhiều người Mỹ cảm thấy lúng túng vì phải tiếp nhận luồng thông tin đôi khi mâu thuẫn và khó hiểu từ chính quyền.
Một nguồn tin khác nói rằng, ông Biden sẽ có bài phát biểu toàn quốc vào cuối tuần này, nhằm nhấn mạnh lại các điểm mấu chốt: "Vắc xin an toàn và hiệu quả. Lý do mà người đã tiêm chủng phải đeo khẩu trang trở lại là vì còn quá nhiều người chưa tiêm chủng. Vì vậy, người Mỹ cần phải tiêm chủng và kêu gọi những người xung quanh mình có hành động tương tự".
"Những điều không thay đổi chính là việc cần phải tiêm chủng và khẩu trang có hiệu quả trong việc bảo vệ mọi người", chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Carlos del Rio từ đại học Emory (Mỹ) nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông del Rio cho rằng, CDC hồi tháng 5 có thể đã có hành động chưa hoàn toàn chuẩn xác khi khuyến cáo người đã tiêm chủng không cần đeo khẩu trang. Động thái này không sai về mặt khoa học, nhưng nó đã khiến nhiều người bỏ khẩu trang, cũng khiến các bang, địa phương, doanh nghiệp bán lẻ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang. Đây có thể là một trong những nguyên nhân góp phần vào sự lây lan của chủng Delta.
Sau đó, khi CDC đưa ra khuyến cáo người đã tiêm chủng vẫn phải đeo khẩu trang ở những khu vực mầm bệnh đang lây lan nhanh, điều này khiến cho các lãnh đạo bang và địa phương phải đảo ngược quyết định trước đó, và khiến người dân bối rối.
Thêm vào đó, sau khi CDC đưa ra khuyến cáo về khẩu trang, Nhà Trắng lại có động thái mâu thuẫn, khi yêu cầu các nhân viên liên bang chưa tiêm chủng phải đeo khẩu trang ở nơi làm việc, nhưng lại không bắt buộc những người đã tiêm chủng làm như vậy.
Hàng loạt câu hỏi chưa có lời đáp
Vấn đề khẩu trang chỉ là một trong hàng loạt câu hỏi được người dân đặt ra: Liệu họ có thể ăn trong nhà hàng hay quán bar? Các sự kiện thể thao sẽ ra sao? Trẻ em có nên đeo khẩu trang khi tới trường vào tháng 9 hay không? Đã có vắc xin cho trẻ em đã có hay chưa và chúng có bắt buộc phải tiêm chủng hay không? Chính xác là mọi người đang sợ hãi điều gì? Mọi người nên làm gì?
Những câu hỏi trên vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Mối đe dọa với những người khác nhau là khác biệt, phụ thuộc vào việc họ tiêm chủng hay chưa, tình trạng dịch bệnh trong cộng đồng họ sống ra sao. Trong khi đó, đại dịch vẫn đang diễn tiến nhanh chóng và thay đổi không ngừng và trở thành thách thức với CDC.
Jen Kates, phó chủ tịch Quỹ Kaiser Family, cho biết CDC phải đối mặt với khó khăn vì các thông điệp của họ là thời gian thực và dữ liệu thay đổi không ngừng. Vì vậy, nó có thể gây ra sự rối loạn và khó hiểu với người dân.
Trong khi đó, chuyên gia del Rio cho rằng, CDC hiện cần phải tập trung vào thông điệp quan trọng nhất là người Mỹ nên đi tiêm chủng, thay vì nói về ca nhiễm "đột phá" - những người đã tiêm chủng đầy đủ mà vẫn mắc Covid-19. Những trường hợp này hiện rất hiếm xảy ra và cách truyền tải về nó có thể gây bối rối cho công chúng thay vì hướng họ về mục tiêu tiêm chủng chủ chốt.