Đan Mạch sẽ gọi nhập ngũ phụ nữ
(Dân trí) - Chính phủ Đan Mạch cho biết, nước này có kế hoạch yêu cầu nữ giới thực hiện nghĩa vụ quân sự, qua đó trở thành một trong số ít quốc gia ở châu Âu gọi nhập ngũ với phụ nữ.
"Chế độ nghĩa vụ quân sự mạnh mẽ hơn, bao gồm bình đẳng giới hoàn toàn, phải góp phần giải quyết các thách thức về quốc phòng, tổng động viên toàn quốc, và bổ sung cho lực lượng vũ trang của chúng ta", Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen nói trong họp báo.
Phụ nữ Đan Mạch từ trước đến nay đã có thể tham gia nghĩa vụ quân sự tự nguyện. Nữ giới chiếm khoảng 1/4 trong số hơn 4.700 lính nghĩa vụ của Đan Mạch trong năm 2023.
Đan Mạch là quốc gia châu Âu thứ 3 áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với phụ nữ, sau Na Uy và Thụy Điển lần lượt vào năm 2015 và 2017.
Theo số liệu chính thức, Lục quân Đan Mạch có 7.000-9.000 quân nhân chuyên nghiệp, không bao gồm lính nghĩa vụ đang được huấn luyện cơ bản.
Nam giới Đan Mạch trên 18 tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nhưng do có đủ số tình nguyện viên, không phải nam thanh niên nào cũng được gọi nhập ngũ. Thay vào đó, nhà chức trách tổ chức rút thăm.
Phát biểu bên cạnh Bộ trưởng Poulsen, Thủ tướng Mette Frederiksen nói rằng trong khuôn khổ cải tổ quân đội, Đan Mạch sẽ kéo dài thời gian phục vụ quân ngũ cho cả nam và nữ từ 4 lên 11 tháng. Nước này cũng sẽ đầu tư vào các hệ thống phòng không trên bộ và một lữ đoàn bộ binh lên tới 6.000 quân vào năm 2028.
"Chúng tôi không tái vũ trang ở Đan Mạch vì muốn chiến tranh, hủy diệt hoặc đau khổ. Chúng tôi đang tái vũ trang ngay bây giờ để tránh chiến tranh, trong một thế giới mà trật tự quốc tế đang bị thách thức", bà Frederiksen nói.
Đan Mạch là thành viên sáng lập NATO và là nước ủng hộ quan trọng cho Ukraine phản kháng "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga. Copenhagen là một trong số ít quốc gia cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev, dự kiến được giao vào mùa hè này.
Đan Mạch đã chi khoảng 1,4% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng vào năm ngoái, nhưng sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm 5,4 tỷ euro trong 5 năm tới để đáp ứng mục tiêu 2% của NATO.