1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Dàn khí tài được trông đợi tại cuộc tập trận lớn chưa từng có trong lịch sử hiện đại Nga

(Dân trí) - Cuộc tập trận Vostok-2018 kéo dài hơn một tuần với sự tham gia của Nga, Trung Quốc và Mông Cổ sẽ là dịp để các nền quân đội phô diễn những khí tài đặc sắc, ấn tượng trong các nhiệm vụ diễn tập thực chiến.

Theo Tass, cuộc tập trận Vostok-2018 sẽ kéo dài từ ngày 11-17/9 tại 9 khu vực huấn luyện và trên biển Nhật Bản, biển Bering và biển Okhotsk. Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ trực tiếp tới quan sát cuộc tập trận huy động tới 300.000 quân nhân, hơn 1.000 máy bay, trực thăng, thiết bị không người lái, 80 tàu chiến, tàu hậu cần và khoảng 36.000 xe tăng, xe thiết giáp vận chuyển binh sĩ và các phương tiện cơ giới khác này.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov hồi tuần trước cho hay sẽ có rất nhiều khí tài mới và hiện đại xuất hiện tại Vostok-2018 bao gồm xe tăng, máy bay, tàu. Dưới đây là 5 khí tài được giới chuyên gia và quan sát mong chờ.

Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35

Máy bay Su-35 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Máy bay Su-35 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Còn được biết tới với tên gọi Flanker-E, Su-35 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của Nga với 1 ghế lái và 2 động cơ. Hồi năm 2015, Trung Quốc đã đặt mua 24 chiếc Su-35 cho quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Cho tới cuối năm ngoái, Bắc Kinh đã nhận 14 chiếc về kho vũ khí.

Su-35 được trang bị radar mảng quét điện tử bị động, có thể phát hiện ra mục tiêu trên không từ khoảng cách 400 km. Nó còn có khả năng dò ra 30 mục tiêu bay và xử lý 8 mục tiêu cùng lúc.

Su-35 được coi phiên bản nâng cấp của máy bay chiến đấu đa nhiệm Su-27. Nó dài 21,9 m, cao 5,9m, sải cánh 15,3 m, tải trọng cất cánh tối đa 34,5 tấn với tốc độ tối đa 2.390 km/h, trần hoạt động 18.000 m, trang bị pháo GSh-301 30 mm, 12 mấu cứng có thể gắn tên lửa hoặc bom. Su-35 được coi là đối thủ đáng gờm của máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ.

Dù chiếc máy bay này ban đầu được chế tạo nhằm mục đích xuất khẩu là chủ yếu, không quân Nga vẫn là khách hàng đầu tiên của nhà thầu Sukhoi vào năm 2009. Nga đã chuyển các máy bay Su-35 đặt hàng và hệ thống phòng không S-400 tới khu vực Viễn Đông vào năm 2016.

Máy bay ném bom Su-34

Máy bay Su-34 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Máy bay Su-34 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Su-34 là máy bay ném bom tấn công tầm trung siêu âm với 2 động cơ và 2 ghế lái. Mục tiêu chính của Su-34 trong chiến đấu là phá hủy các mục tiêu trên mặt đất và trên biển của đối phương. Máy bay này từng được triển khai tới Iran và Syria thực hiện các cuộc không kích chôn vùi lực lượng khủng bố từ năm 2016.

Với hệ thống trinh sát trên không, máy bay này có thể hoạt động hiệu quả cả ngày lẫn đêm. Su-34 thậm chí còn được coi là “người kế nhiệm” sáng giá có thể thay thế máy bay chiến đấu Su-24 và máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3.

Tính linh hoạt là một trong những ưu điểm nổi trội của Su-34. Máy bay ném bom chiến đấu này có thể mang được hầu hết các vũ khí hiện đại của Nga từ bom không dẫn đường tới tên lửa dẫn đường vệ tinh. Ngoài tập trung tấn công đối phương phía dưới, Su-34 vẫn có thể phòng thủ trước các máy bay trên không. Hệ thống vũ khí và radar hiện đại cho phép "chim sắt" này trở thành một máy bay “công thủ toàn diện” khi xuất trận.

Su-34 được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Hibin - sản phẩm của Tập đoàn Công nghệ Vô tuyến - Điện tử (KRET). Hệ thống này được triển khai trên đầu cánh máy bay, có nhiệm vụ tiến hành hoạt động đối kháng điện tử nhằm vào các radar, các hệ thống tên lửa phòng không hay máy bay cảnh báo sớm, mang lại khả năng “tàng hình” cho Su-34.

Xe tăng T-90S

Xe tăng T-90 (Ảnh: Sputnik)
Xe tăng T-90 (Ảnh: Sputnik)

Nặng hơn 45 tấn, T-90S là phiên bản hiện đại nhất của các xe tăng dòng T do Nga sản xuất. T-90S vào biên chế quân đội Moscow từ năm 1992.

Súng trang bị trên T-90S có thể bắn ra tia laser điều khiển hệ thống tên lửa chống tăng dẫn đường 9M119 Refleks. Hệ thống tên lửa này có tầm hoạt động 100m tới 4.000m và chỉ mất 11,7s để đạt tới tầm bay tối đa. Vũ khí này thường được dùng để tấn công các xe tăng với giáp phản ứng nổ hoặc các muc tiêu bay tầm thấp như các trực thăng với tầm hoạt động tối đa 5km.

Ngoài khả năng tấn công, T-90S cũng được biết đến khi sở hữu tới 4 lớp phòng vệ từ các hệ thống phòng thủ chủ động quang điện gây nhiễu, hệ thống đánh chặn tên lửa, đạn chống tăng, giáp phản ứng nổ và lớp “áo giáp” siêu cứng được làm từ vật liệu có độ bền cao.

Xe tăng Type-99

Xe tăng Type-99 (Ảnh: Military Today)
Xe tăng Type-99 (Ảnh: Military Today)

Type-99 là xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ 3 của Trung Quốc với súng nòng trơn 125mm, còn được gọi với tên ZTZ99. Type-99 là phiên bản kế nhiệm của xe thiết giáp Type 98G.

Type-99 có thể bắn được 42 lượt, với 22 lượt đạn nằm trong khu vực tự động nạp đạn. Nó có thể bắn được 8 lượt/phút nếu dùng hệ thống nạp tự động và 2 lượt/phút nếu nạp bằng tay.

Ngoài hệ thống 9M119 Refleks như T-90S, Type-99 còn được trang bị tháp pháo lấy cảm hứng từ xe tăng M1A1 của Mỹ và Leopard 2 của Đức. Type-99 được bọc lớp giáp thép dày. Nó sử dụng động cơ 1.500 mã lực.

Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov mang tên lửa hành trình Kalibr

Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Nga (Ảnh: TASS)
Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Nga (Ảnh: TASS)

Nằm trong dự án 22350, tàu Gorshkov là tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới vào biên chế quân đội Nga từ tháng 7. Tàu này dự kiến sẽ được trang bị tên lửa hành trình Kalibr được nâng cấp.

Hệ thống tên lửa Kalibr có tầm hoạt động từ 1.500 tới 2.500km và có thể khai hỏa từ trên mặt đất và trên tàu chiến. Nga đã sử dụng tên lửa này trong cuộc chiến tiêu diệt lực lượng khủng bố IS và Jabhat al-Nusra tại Syria những năm qua.

Tàu khu trục lớp Gorshkov với trọng lượng giãn nước 5.400 tấn, dài 135m, là tàu mặt nước lớn nhất Nga từng xây dựng kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Nó có thể phát động tấn công tầm xa, chống ngầm và tham gia các nhiệm vụ hộ tống.

Đức Hoàng

Theo SCMP