1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Khi Nga muốn vị thế "ông lớn" trên bàn cờ châu Á

(Dân trí) - Đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Nga đang cố gắng tăng cường sự hiện diện ở phương Đông thông qua các cuộc tập trận quân sự, các thương vụ vũ khí, tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước trong khu vực và các hoạt động liên quan.


Tàu khu trục Đô đốc Essen và tàu ngầm Krasnodar tấn công các mục tiêu IS tại Syria (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Tàu khu trục Đô đốc Essen và tàu ngầm Krasnodar tấn công các mục tiêu IS tại Syria (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Dùng quân đội làm "bệ phóng"

Khi quân đội Nga thực hiện cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong nhiều thập niên tại vùng Viễn Đông vào cuối tháng này, Trung Quốc sẽ tham gia cùng họ.

Dù quân đội Nga và Trung Quốc thường xuyên tiến hành tập trận chung nhưng quyết định mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vostok 2018 vẫn khiến một số nhà phân tích quân sự bất ngờ, vì các cuộc tập trận này trước đây thường “cấm cửa” các lực lượng vũ trang nước ngoài, và trong một số trường hợp còn có một số cảnh diễn tập khả năng xảy ra xung đột với Trung Quốc.

Trong bối cảnh các quốc gia đang tìm cách kiểm tra sức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, việc Nga mời Trung Quốc là một bước đi trong mối quan hệ quân sự vốn đã thân thiết giữa hai nước, vốn được củng cố bằng việc gia tăng các cuộc tập trận song phương, cũng như trao đổi thông tin mật và công nghệ. Nhưng động thái của Moscow năm nay cũng được xem là một dấu hiệu cho thấy Nga mong muốn đóng vai trò lớn hơn ở phương Đông.

Đáng chú ý là Nga không chỉ tăng cường quan hệ với Bắc Kinh. Trên khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, sự kết nối quân sự của Nga đang gia tăng, từ việc tăng cường quan hệ quốc phòng ở Đông Nam Á tới các thương vụ vũ khí tại các khu vực xa xôi như Fiji. Cùng lúc đó, Nga cũng đang tăng cường các lực lượng tại các căn cứ ở phía đông.

Một loạt các động thái như vậy đã gây những đồn đoán về một nước Nga đóng vai trò lớn hơn ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng các chuyên gia quân sự cho rằng Kremlin không có nhiều lợi ích trong việc thay đổi hiện trạng an ninh trong khu vực.

Trong bối cảnh Nga bị phương Tây cô lập và giữa lúc xảy ra một cuộc cạnh tranh trong khu vực giữa Trung Quốc và Mỹ khiến nhiều quốc gia ở châu Á-Thái Bình Dương phải tìm kiếm các đối tác chiến lược mới, Moscow đang sử dụng quân đội để thúc đẩy các cơ hội kinh tế và ngoại giao trong khu vực.

Trong tương lai gần, điều đó sẽ giúp giành các các thị trường mới cho các hãng xuất khẩu vũ khí của Nga, tiếp cận chiến lược các hạ tầng cảng mới, các sân bay và giúp các công ty của Nga trong các lĩnh vực khác có lợi thế.

Các nhà quan sát cho rằng, về lâu dài, các nỗ lực đó có thể giúp thúc đẩy tham vọng của Nga nhằm trở thành một cường quốc hàng đầu.

“Nga đang cố gắng gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực, không chỉ là một lực lượng tham gia vào sự răn đe truyền thống với Mỹ và các đồng minh, mà còn là thúc đẩy các khả năng của Nga”, Alexey Muraviev, một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Đại học Curtin ở Tây Australia, nói.

“Họ đang tích cực tìm kiếm các đồng minh mới và làm mới quan hệ với các khách hàng cũ. Và cho tới nay, họ đang có những thành công đáng kể”, chuyên gia Muraviev nói thêm.

Nhìn về phía Đông

Các quốc gia khắp thế giới cũng thường sử dụng quân đội để thúc đẩy các mục tiêu chính sách ở các nơi khác. Nhưng nỗ lực thúc đẩy chính sách ngoại giao quốc phòng của Moscow tại châu Á-Thái Bình Dương rất đáng chú ý vì nó đối lập với cách tiếp cận bình lặng mà nước này thực hiện trong khu vực trong hàng thập niên qua sau sự sụp đổ của Liên Xô, chuyên gia Muraviev nhận định.

Trong tổng số 114 triệu dân của Nga, chỉ có 6 triệu người sống ở khu vực Viễn Đông. Trong quá khứ, các mối quan tâm của Moscow tại châu Á-Thái Bình Dương luôn đứng sau châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, khi các thị trường tại châu Á bùng nổ và các nền kinh tế ở phương Tây chững lại, Nga quyết tâm trở thành một “người chơi lớn” ở phía Đông.

Sự xoay trục ngoại giao sang phía Đông đã bắt đầu vào năm 2012 và được tăng cường khi Moscow vấp phải hàng loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây sau các hành động quân sự của Nga tại Crimea và Syria.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nếu không có sự năng động về kinh tế của Mỹ hoặc Trung Quốc, kế hoạch của Nga nhằm thúc đẩy và gia tăng sự ảnh hưởng ở nước ngoài sẽ bị hạn chế. Thậm chí trong lĩnh vực năng lượng, quốc gia giàu tài nguyên như Nga không thể bắt kịp tốc độ ở châu Á-Thái Bình Dương, với các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc, Mỹ và các nhà sản xuất năng lượng lớn khác trong vùng.

Tuy nhiên, Nga đã ghi dấu với nền quân đội, vốn mạnh và tiên tiến thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Chỉ tại Quân khu phía Đông, Nga đã trang bị một kho khí tài đa dạng với các trang thiết bị hàng hải, trên không và trên bộ công nghệ cao, trong đó có các máy bay ném bom tầm xa, các máy bay chiến đấu hiện đại và một số tàu ngầm hạt nhân chạy êm nhất thế giới.

Phần lớn trang thiết bị đó được xem là sự răn đe chiến lược chống lại Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, ngoài việc đề phòng bùng phát các hành động thù địch lớn ở phía đông, các trang thiết bị quân sự của Nga cũng nhằm thúc đẩy vị thế của nước này với tư cách là một cường quốc khu vực, theo chuyên gia Vasily Kashin tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moscow.

“Một nền quân đội mạnh là cần thiết cho một chính sách ngoại giao độc lập”, chuyên gia Kashin nói. “Và một chính sách ngoại giao ngoại giao độc lập gắn liền với các lợi ích to lớn về chính trị và kinh tế”.

Xét về cả phương diện chính trị và kinh tế, Nga phải cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc và Mỹ. Đổi lại, Moscow đã có cách tiếp cận thực tế nhằm tối đa hóa các cơ hội của mình, Natasha Kuhrt, một giáo sư nghiên cứu về chiến tranh tại Đại học King’s College London, nhận xét.

Không liên minh

Theo chuyên gia Kuhrt, Nga thường chơi trò chơi tổng bằng không tại các khu vực khác như châu Âu nhưng nước này thường tránh thảo luận về các liên minh ở phía Đông. Thay vào đó, Nga chứng mình là một lựa chọn khác đối với các quốc gia không muốn liên minh với Bắc Kinh hay Washington.

Cách tiếp cận đó rõ ràng có tác dụng đối với Philippines, đặc biệt khi Tổng thống Rodrigo Duterte theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập của riêng mình, theo chuyên gia về Nga Fe Apon tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quan hệ quốc tế tại thủ đô Manila, Philippines.

“Ông Duterte rõ ràng muốn phát triển quan hệ với các đối tác phi truyền thống vì các lợi ích hữu hình và trước mắt”, Apon nói. “Nga là một lựa chọn tự nhiên trong lĩnh vực quân sự”.

Mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Moscow và Manila được chứng minh hồi tháng 8, khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana công bố kế hoạch về một trong các tàu chiến nước này thăm thành phố Vladivostok, nơi đặt hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. Chuyến thăm cảng được xem là nhằm đáp lễ các chuyến thăm gần đây của Nga tại Manila, nhưng nó cũng là một sự kiện lịch sử đối với một lực lượng hải quân thường chỉ hoạt động gần bờ.

Hồi tháng trước, cũng có các thông tin cho biết Nga có thể bán cho Philippines các tàu ngầm lớp Kilo mà Moscow xuất khẩu cho nhiều nước kể từ năm 1985. Đây có thể là các tàu ngầm đầu tiên của Philippines, nhưng điều đáng nói là Philippines trước đây thường chỉ mua vũ khí của Mỹ hoặc các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và Đông Á.

Chuyên gia Apon cho biết, rõ ràng là Nga sẵn sàng cung cấp các thiết bị quân sự tốt hơn so với Mỹ, dù Washington và Manila có mối quan hệ thân thiết suốt 6 thập niên qua. Bà Apon nói rằng một bài viết được đại sứ Philippines tại Nga, Carlos Sorreta, đăng tải trên Facebook hồi tháng trước đã cho thấy quan điểm của chính phủ Philippines.

“Nga sẵn sàng cung cấp thiết bị mới phục vụ các nhu cầu cụ thể của Philippines, với chi phí hợp lý, thời gian bàn giao linh hoạt và đầy đủ các dịch vụ sau bán hàng, huấn luyện và không có các điều kiện hay giới hạn chính trị”, Đại sứ Sorreta cho hay.

Trong khi Mỹ thường đưa ra các điều kiện về chính trị cho các đối tác hay khách hàng tiềm năng về vũ khí, như quan điểm của chính phủ về nhân quyền, Nga thường không đưa ra các điều kiện về các vấn đề nội bộ của các nước.

Đó là điểm bán hàng mấu chốt đối với Indonesia, theo nhà nghiên cứu Evan Laksmana tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Jakarta.

Indonesia là một khách hàng cũ của Liên Xô và chuyên gia Laksmana cho biết việc nước này quen với các thiết bị của Nga cũng góp phần vào mong muốn của Moscow nhằm trở thành một đối tác. Moscow cũng đưa ra các điều kiện tài chính linh hoạt hơn về các thương vụ, trong đó có các khoản vay mềm với lãi suất thấp hơn thị trường.

Indonesia các đặt hàng các máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, trong khi Moscow đã nâng cấp quan hệ với quốc gia Đông Nam Á để gửi các tín hiệu rõ ràng với các đối thủ về việc mở rộng tầm với và ảnh hưởng của mình.

Vẫn đề phòng Trung Quốc


Tàu Nga trong một cuộc tập trận chung với Trung Quốc (Ảnh: AP Photo/Xinhua, Wu Dengfeng)

Tàu Nga trong một cuộc tập trận chung với Trung Quốc (Ảnh: AP Photo/Xinhua, Wu Dengfeng)

Các nhà phân tích cho rằng nếu Nga có lo ngại về việc chọc giận bất kỳ cường quốc nào trong khu vực thì đó là Trung Quốc.

Các cuộc tập trận song phương ngày càng thường xuyên và quy mô hơn, trong đó có lời mời Trung Quốc tới cuộc tập trận Vostok 2018, có thể cải thiện lòng tin giữa Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, Nga nhiều khả năng sẽ không muốn quá thân thiết với người láng giềng ở phía nam, Bobo Lo, cựu giám đốc chương trình Trung Quốc và Nga tại Viện nghiên cứu Anh Chatham House, cho hay.

“Nga không có thêm lợi lộc gì nếu Trung Quốc thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương so với Mỹ thống trị”, chuyên gia Lo nói, giải thích thêm rằng Bắc Kinh có thể nhanh chóng hất Moscow ra khỏi bức tranh khu vực nếu Nga trở nên quá mạnh. “Thay vào đó, Moscow có thể muốn một môi trường an ninh đa cực trong khu vực”.

Ngoài ra, cũng tại châu Á-Thái Bình Dương, các lợi ích của Nga bị chồng lấn với nhiều quốc gia trong khu vực, ít nhất là với đối tác lâu năm Ấn Độ.

“Sự hiệp trợ chiến lược cơ bản của Ấn Độ với Nga nằm ở mong muốn của nước này về một trật tự đa cực, trong đó có Ấn Độ có thể tiếp tục phát triển”, Abhay Singh, một quan chức hải quân Ấn Độ về hưu và hiện là nghiên cứu tại Viện Phân tích và Nghiên cứu quốc phòng tại New Delhi.

Trong nhiều thập niên, Ấn Độ là khách hàng lớn của Nga về vũ khí. Nhưng trong những năm gần đây, nước này cũng cải thiện đáng kể quan hệ quân sự với Mỹ, Nhật Bản và các nước khác. Chuyên gia Singh cho hay sự đa dạng chiến lược của Ấn Độ có vai trò quan trọng đối với các lợi ích của nước này, nhưng nhấn mạnh rằng New Delhi không có ý định từ bỏ lòng tin có được với Nga trong hàng thập niên qua.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nga có thể có các ý kiến khác nhau khi thảo luận về một trật tự thế giới đa cực.

Trong khi New Delhi dường như mong muốn một thế giới an ninh và ngoại giao với nhiều cường quốc tương đương nhau, Moscow có thể muốn một mô hình 3 cực +, trong đó Nga cố gắng nâng mình lên ngang cấp độ của Nga và Trung Quốc và xem mình là “người cân bằng quan trọng” giữa phương Đông và phương Tây.

“Nga không ảo tưởng rằng sẽ trở thành một nhân vật lớn về quân sự tại Thái Bình Dương”, chuyên gia Bobo Lo nhận định. “Nhưng Nga cũng thừa nhận rằng nếu nước này muốn được xem như là một cường quốc quan trọng, trước tiên họ phải gia tăng sự hiện diện tại châu Á”.

An Bình

Theo SCMP