1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Bờ Biển Ngà

Đài truyền hình bị chiếm, giao tranh gần nhà Tổng thống đương chức

(Dân trí) - Lực lượng trung thành với Tổng thống được Liên hợp quốc ủng hộ Ouattara đã bao vây thành phố lớn nhất nước, và tiến sát tới nhà của đối thủ Gbagbo, tổng thống đương chức tại Bờ Biển Ngà. Có tin, phe đối lập đã chiếm được đài truyền hình.

Đài truyền hình bị chiếm, giao tranh gần nhà Tổng thống đương chức - 1


Khói bay lên từ trung tâm thành phố Abidjan, thành phố lớn nhất Bờ Biển Ngà.
 
Một số đơn vị cảnh sát và người đứng đầu quân đội ủng hộ Tổng thống đương chức Gbagbo đã bỏ sang phe của ông Ouattara, người được Liên hợp quốc (LHQ) công nhận là tổng thống của Bờ Biển Nga sau cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.

 

LHQ cho hay ông Gbagbo đã bị thua trong cuộc bầu cử năm ngoái trước ông Ouattara, tuy nhiên cho đến nay ông Gbagbo vẫn từ chối từ bỏ quyền lực.

 

Quân đội LHQ ở Bờ Biển Ngà hiện đã nắm quyền kiểm soát sân bay Abidjan, giớ chức thuộc cơ quan này cho hay.

 

Lực lượng ủng hộ ông Gbagbo đã đi tuần khắp các quận của thành phố lớn nhất nước này và lập nhiều bốt chặn đường.

 

Được biết đã có đụng độ dữ dội quanh đài truyền hình quốc gia nằm trong một khu dân cư trong thành phố. Ngoài ra, giao tranh cũng diễn ra ở gần nhà của Tổng thống đương chức Gbagbo.

 

Người phát ngôn của lực lượng Ouattara cho hay họ đã chiếm được đài truyền hình quốc gia.

 

Trong khi đó, BBC cho hay Edouard Kassarate, người đứng đầu lực lượng quân cảnh đã bỏ sang phía của ông Ouattara và đã tới khách sạn Hotel de Golf, trụ sở của ông Ouattara tại Abidjan. Trước đó, người đứng đầu quân đội của ông Gbagbo, Phillippe Mangou, cũng đã bỏ trốn và tá túc tại nhà của đại sứ Nam Phi ở Abidjan.

 

Ngoài ra, lực lượng Pháp được thấy điều xe bọc thép trong thành phố, có thể để bảo vệ công dân Pháp. Giống như bất kỳ cựu thuộc địa nào của Pháp, Bờ Biển Ngà cũng có một căn cứ quân sự của Pháp.

 

Giới chức của ông Ouattara đã tuyên bố lệnh giới nghiêm trong đêm đối với Abidjan từ thứ năm tới thứ bảy và cho biết biên giới trên bộ, biển và trên không sẽ được đóng cho đến khi nào “có thông báo thêm”.

 

Người đứng đầu chính phủ song song của ông Ouattara, ông Guillaume Soro, cho rằng ông Gbagbo chỉ còn vài giờ nữa để từ bỏ quyền lực.

 

Quốc tế kêu gọi kiềm chế

 

Cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon và Pháp, đã kêu gọi ông Gbagbo ngay lập tức trao quyền cho ông Ouattara. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Johnnie Carson cho rằng cả ông Gbagbo và vợ sẽ bị bắt giữ nếu bạo lực tiếp tục leo thang.

 

Ông Ouattara được quốc tế công nhận là tổng thống Bờ Biển Ngà vào năm ngoái, sau khi ủy ban bầu cử tuyên bố ông là người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phụ hồi tháng 11. LHQ đã giúp tổ chức cuộc bầu cử và xác nhận tính hợp pháp của nó. Tuy nhiên ông Gbagbo đã tuyên bố chiến thắng sau khi Hội đồng hiến pháp bác chiến thắng của ông Ouattara.

 

Các lực lượng ủng hộ ông Ouattara đã có bước tiến đáng kể từ hôm thứ hai vừa qua, khi tiến từ căn cứ của họ ở nửa phía bắc của đất nước.

 

Hôm thứ tư, lực lượng này đã chiếm được thủ đô Yamoussoukro và cảng chính San Pedro. Thành phố quê nhà của ông Gbagbo cũng rơi vào tay lực lượng ủng hộ ông Ouattara.

 

Trong bài phát biểu trên truyền hình sớm ngày thứ năm, ông Ouattara đã kêu gọi binh sỹ của đối thủ gia nhập đội quân của ông, để ngăn đổ máu thêm.

 

Theo LHQ, kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu vào tháng 12/2010, một triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, hầu hết là ở thành phố Abidjan, và ít nhất 473 người thiệt mạng.

 

Phan Anh

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm