Bờ Biển Ngà: Laurent Gbagbo bị bắt, khủng hoảng chưa chấm dứt
(Dân trí) - Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo đã bị bắt và sẽ bị đưa ra xét xử - đại sứ Bờ Biển Ngà tại LHQ hôm qua xác nhận. Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ gọi đây là bước quan trọng tại nước này, nhưng cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt.
Tin về việc ông Gbagbo bị bắt giữ do một trợ lý của ông đưa ra lúc đầu và được đại sứ Pháp cũng như lực lượng trung thành với Alassane Ouattara, đối thủ của ông Gbagbo, xác nhận.
Theo Toussaint Alain, Cố vấn của ông Laurent Gbagbo ở Pháp, các lực lượng biệt kích Pháp đã bắt ông Gbagbo tại tư dinh ở Adidjan hôm qua. Báo chí phương Tây sau đó dẫn lời đại sứ Pháp tại Bờ Biển Ngà xác nhận tin này. Tin nói đặc nhiệm Pháp tham gia bắt nhà lãnh đạo Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo và giao ông này cho phe đối thủ.
Những người chứng kiến cho biết một đoàn xe thiết giáp của Pháp đã tiến vào tư dinh của ông Gbagbo ngày hôm qua.
Một phát ngôn viên cho ông Ouattara nói với báo giới rằng ông Gbagbo đã được đưa đến Khách sạn Golf trong thành phố, nơi ông Ouattara cũng có cơ sở.
Theo Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, ông Alain Le Roy, hiện nay ông Gbagbo và bà vợ Simone của ông đang ngụ tại một căn hộ ở khách sạn Golf, là nơi mà chính phủ của ông Ouattara đã cố thủ từ khi có thắng lợi bầu cử tháng 11. LHQ đang bảo vệ ông Gbagbo theo yêu cầu của ông.
Tư lệnh quân sự của ông Gbagbo, tướng Bruno Dogbo Ble đã tiếp xúc với LHQ để xin ra hàng và hạ vũ khí.
Tính đến nay đã có hơn 200 tay súng của ông Gbagbo đầu hàng và nạp vũ khí. Tuy nhiên, vẫn còn những nhóm chưa chịu đầu hàng.
Ông Gabgbo đã từ chối không chịu nhượng quyền sau khi ông Ouattara được tuyên bố là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 11 năm ngoái.
Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã cáo buộc lực lượng Gbabgo gây nguy hiểm cho dân thường, và đã yêu cầu quân đội Pháp ở Bờ Biển Ngà hành động chống lại vũ khí hạng nặng của nhà lãnh đạo này.
Lực lượng trung thành với ông Ouattara ở miền Bắc đã mở các cuộc tấn công từ cuối tháng 3, sau nhiều tháng bế tắc chính trị trong khoảng thời gian ông Gbagbo từ chối công nhận chiến thắng của đối thủ của mình.
Ông L.Gbagbo (trái) và ông A.Ouattara
Phản ứng của quốc tế
Ngay sau khi nhận được tin liên quan đến diễn biến trên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng việc ông Gbagbo bị bắt giữ cho thấy “các nhà lãnh đạo quốc gia không nên làm ngơ trước tiếng nói của nhân dân, muốn có bầu cử tự do và công bằng”. Bà Hillary kêu gọi nhân dân Bờ Biển Ngà bình tĩnh và Mỹ mong được làm việc với Tổng thống đắc cử Alassane Ouattara trong một kế hoạch hòa giải và tái thiết.
Tại Pháp, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã nói chuyện qua điện thoại rất lâu với ông Ouattara sau khi cuộc đối đầu kết thúc.
Ngoại trưởng Anh William Hague nói trong mấy tháng qua, ông Gbagbo đã hành động trái với các nguyên tắc dân chủ và liên tiếp phạm luật. Tuy nhiên, ông Gbagbo cần được đối xử công bằng và “tôn trọng” nếu có áp dụng bất kỳ thủ tục pháp lý nào.
Ông Alain Le Roy, Tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ nói rằng bắt được cựu Tổng thống Laurent Gbagbo là bước quan trọng tại Bờ Biển Ngà, nhưng cuộc khủng hoảng tại đây chưa chấm dứt.
Ông ca ngợi lực lượng của Tổng thống dân cử Alassane Ouattara đã bắt được ông Gbagbo. “Ông Gbagbo đã đầu hàng với lực lượng của Tổng thống Ouattara. Chính lực lượng của ông Ouattara đã tiến vào bên trong tư dinh của ông Gbagbo chứ không phải lực lượng của LHQ hoặc của Pháp”, ông này nói.
Trước đó, giao tranh khốc liệt lại bùng ra thành phố chính của Bờ Biển Ngà là Abidjan, nơi tổng thống đương quyền Laurent Gbagbo từ chối đầu hàng. Giữa lúc xảy ra cuộc giao tranh, những người chứng kiến cho biết một đoàn gồm ít nhất 25 xe thiết giáp của Pháp đã tiến vào tư dinh của ông Gbagbo, nơi tổng thống đương quyền cố thủ với các chiến binh trung thành.