Đại sứ vừa bị cách chức vẫn đại diện cho Myanmar tại Liên Hợp Quốc
(Dân trí) - Đại sứ mới được bổ nhiệm của Myanmar tại Liên Hợp Quốc đã từ chức và người tiền nhiệm vừa bị chính quyền quân sự cách chức vẫn là đại diện của quốc gia này.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun đã bị chính quyền quân sự cách chức hôm 27/2, một ngày sau khi ông có bài phát biểu bị coi là "phản quốc" tại Liên Hợp Quốc.
Trong bài phát biểu gây tranh cãi, Đại sứ Kyaw Moe Tun cho biết ông vẫn đại diện cho chính quyền của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi người bị quân đội bắt giữ trong cuộc đảo chính hôm 1/2. Ông Kyaw cũng kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ để chống lại chính quyền quân sự Myanmar, lên án cuộc đảo chính và kêu gọi khôi phục nền dân chủ cho Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar sau đó bổ nhiệm Phó Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Tin Maung Naing để thay thế ông Kyaw Moe Tun. Tuy nhiên, ông Tin ngày 3/3 tuyên bố từ chức, song không nêu rõ lý do. Ông chỉ cho biết có những tình huống không thể tránh khỏi buộc ông phải từ chức.
Trong một văn bản mà Reuters tiếp cận được hôm 4/3, phái đoàn Myanmar tại Liên Hợp Quốc cho biết ông Kyaw Moe Tun, người đã bị cách chức, vẫn là đại sứ của Myanmar tại Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric ngày 4/3 cho biết phái đoàn Myannmar đã gửi thông báo rằng ông Tin Maung Naing đã "nộp đơn từ chức... và ông Kyaw Moe Tun vẫn là đại diện thường trực của Myanmar tại Liên Hiệp Quốc".
Trước đó, Đại sứ Kyaw Moe Tun đã gửi thư lên Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 1/3, khẳng định cuộc đảo chính ở Myanmar là "bất hợp pháp" và do đó quân đội không có thẩm quyền cách chức ông.
"Tôi muốn xác nhận với ông rằng tôi vẫn là đại diện thường trực của Myanmar tại Liên Hiệp Quốc", Đại sứ Kyaw Moe Tun viết trong thư.
Ngày 2/3, Bộ Ngoại giao Myanmar gửi thư cho Liên Hợp Quốc, tuyên bố ông Kyaw Moe Tun vẫn bị cách chức.
Người phát ngôn Stephane Dujarric cho biết Liên Hợp Quốc đã xem xét cả 2 bức thư với nội dung trái ngược nhau, nhấn mạnh rằng đây là một "tình huống hiếm thấy" và sẽ triệu tập các ủy ban của Liên Hợp Quốc để xem xét ai là đại diện chính thức của Myanmar.
Từ ngày 2/3, ông Kyaw Moe Tun vẫn có các cuộc họp với các đại sứ của Liên minh châu Âu, Mỹ và nhận được sự ủng hộ của các quan chức này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố Washington vẫn công nhận ông Kyaw Moe Tun là đại diện thường trực của Myanmar tại Liên Hợp Quốc. Anh, một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, đã đề xuất một cuộc họp của hội đồng để thảo luận vấn đề Myanmar vào ngày 5/3.
Vấn đề liên quan tới ghế Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc sẽ "nóng" trở lại nếu chính quyền quân sự tiếp tục bổ nhiệm một đại sứ mới trong thời gian tới. Trong khi đó, Đặc phái viên về Myanmar của Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener cảnh báo các quốc gia không công nhận chính quyền quân sự Myanmar.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến thảo luận về vấn đề Myanmar hôm nay trong một cuộc họp kín. Hội đồng gồm 15 thành viên đã bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp tại Myanmar, nhưng vẫn chưa lên án cuộc đảo chính tại nước này, do vướng phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc.