1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đại sứ Myanmar vẫn "giữ ghế" tại Liên Hợp Quốc dù bị cách chức vì phản quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ vẫn công nhận vị trí của Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc dù ông bị chính quyền quân sự cách chức vì bài phát biểu "phản quốc".

Đại sứ Myanmar phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 26/2
Đại sứ Myanmar vẫn giữ ghế tại Liên Hợp Quốc dù bị cách chức vì phản quốc - 1

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun phát biểu tại Liên Hợp Quốc ngày 26/2. (Ảnh: Reuters)

Hai ngày sau khi truyền thông chính phủ Myanmar thông báo Đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun bị cách chức, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield ngày 1/3 tuyên bố bà vẫn coi ông Kyaw Moe Tun là đại diện hợp pháp của Myanmar tại Liên Hợp Quốc.

"Chúng tôi được khích lệ bởi tuyên bố dũng cảm của ông Kyaw Moe Tun. Chúng tôi vẫn chưa thấy có bất kỳ bằng chứng hay đề nghị chính thức nào về việc ông ấy bị cách chức, và ở thời điểm hiện tại ông ấy vẫn là đại diện của chính phủ Myanmar", Đại sứ Mỹ nói với các phóng viên tại Liên Hợp Quốc.

Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cũng cho biết bất kỳ thay đổi nào liên quan tới vị trí của Đại sứ Kyaw Moe Tun cũng cần được giải quyết thông qua ủy ban của Liên Hợp Quốc. Hiện Liên Hợp Quốc chưa nhận được thông báo nào liên quan đến những thay đổi đối với đại diện của Myanmar.

Đài truyền hình quốc gia Myanmar tuần trước đưa tin ông Kyaw Moe Tun bị chính quyền quân sự cách chức đại sứ vì bài phát biểu bị coi là "phản quốc" tại Liên Hợp Quốc. Trong bài phát biểu, Đại sứ Kyaw Moe Tun nói rằng ông đại diện cho chính quyền dân sự của bà Aung Suu Kyi và kêu gọi các nước hỗ trợ chống lại cuộc đảo chính "vi hiến và phạm pháp" ở Myanmar. 

Bài phát biểu của ông Kyaw đã nhận được sự ủng hộ tại Liên Hợp Quốc, nhưng khiến chính quyền quân sự Myanmar tức giận và lập tức miễn nhiệm ông. Chính quyền quân sự Myanmar cho rằng ông Kyaw Moe Tun phát biểu cho "một tổ chức không chính thức và không đại diện cho đất nước, lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ".

Đại sứ Kyaw Moe Tun tuyên bố "sẽ chiến đấu đến cùng" sau khi bị chính quyền quân sự cách chức. Rất hiếm khi đại sứ của một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc công khai chỉ trích chính phủ đang nắm quyền trong nước.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết việc thành lập một chính phủ mới tại bất kỳ quốc gia thành viên nào không đồng nghĩa với việc Liên Hợp Quốc phải công nhận chính phủ đã nắm quyền đó.

"Có những quy trình nhất định hiện có tại Liên Hợp Quốc. Trước hết, chúng tôi cần phải nhận được thông báo chính thức về việc thay đổi chính phủ, thay đổi đại diện thường trực tại Liên Hợp Quốc", ông Dujarric nói.

Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Christine Schraner Burgener, cũng cho rằng không quốc gia nào nên công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố sẽ vận động sức ép quốc tế để đảm bảo cuộc đảo chính ở Myanmar sẽ thất bại.

Quân đội Myanmar hôm 1/2 đã bắt giữ các quan chức của chính quyền dân sự, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung Suu Kyi, và nắm quyền điều hành đất nước. Myanmar cuối tuần trước đã ghi nhận ngày biểu tình "đẫm máu nhất" kể từ khi quân đội đảo chính. Ít nhất 18 người đã thiệt mạng và hơn 30 người bị thương, khi cảnh sát và quân đội đàn áp các cuộc biểu tình ôn hòa. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm