1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đại sứ Trung Quốc đổ lỗi Mỹ hay thay đổi lập trường đàm phán thương mại

(Dân trí) - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải nói Bắc Kinh sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ, nhưng đổ lỗi cho phía Washington thường xuyên “đổi ý” về các thỏa thuận dự kiến nhằm chấm dứt tranh chấp thương mại Mỹ-Trung.

Đại sứ Trung Quốc đổ lỗi Mỹ hay thay đổi lập trường đàm phán thương mại - 1

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (Ảnh: Reuters)

“Trung Quốc vẫn sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán với các đồng nghiệp Mỹ để đi tới một cái kết. Cánh cửa vẫn mở”, ông Khải nói trong cuộc phỏng vấn với kênh Fox News ngày 21/5.

Không cuộc đàm tiếp theo nào được lên kế hoạch giữa các quan chức đàm phán hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc kể từ khi vòng đàm phán mới nhất kết thúc trong bế tắc hôm 10/5. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Mỹ đã công bố tăng thuế đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc và có các bước đi nhằm chuẩn bị áp thuế lên tất cả các sản phẩm nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi nhanh chóng kể từ đầu tháng 5, khi giới chức Bắc Kinh tìm cách đưa vào những sửa đổi lớn trong văn bản thỏa thuận dự kiến mà chính quyền Trump cơ bản đã nhất trí.

Khi được hỏi về điều này, ông Khải nói chính các nhà đàm phán Mỹ đã đột ngột từ chối một số thỏa thuận trước đó mà hai bên đã nhất trí trong năm qua.

“Rõ ràng là phía Mỹ đã hơn một lần thay đổi suy nghĩ chỉ trong thời gian ngắn và phá vỡ thỏa thuận dự kiến đã đạt được”, ông Khải nói. “Chúng tôi vẫn cam kết bất kể điều gì chúng tôi đã thống nhất thực hiện, nhưng phía Mỹ lại thay đổi lập trường thường xuyên”.

Vào tháng 6/2018, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã tiến hành các cuộc đàm phán với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về một đề nghị của Trung Quốc nhằm gia tăng mua các hàng hóa Mỹ lên khoảng 700 tỷ USD, giới chức Mỹ cho biết vào thời điểm đó. Nhưng Tổng thống Trump đã không chấp nhận đề nghị này, thay vào đó bắt đầu áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Mỹ đang mong muốn Trung Quốc có những thay đổi mạnh về chính sách kinh tế và thương mại, trong đó có việc chấm dứt chuyển giao công nghệ bị ép buộc và đánh cắp các bí mật thương mại của Mỹ. Washington cũng muốn chấm dứt các trợ cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ.

Liên quan tới tập đoàn viễn thông Huawei, ông Khải cho rằng các biện pháp hạn chế của Mỹ đối với công ty này, được chính quyền Trump công bố hồi tuần trước, là “không có cơ sở và bằng chứng”, và có thể hủy hoại sự hoạt động bình thường của các thị trường.

“Mọi người đều biết Huawei là một công ty tư nhân. Đó chỉ là một công ty tư nhân bình thường của Trung Quốc, vì vậy các biện pháp chống lại Huawei đều mang động cơ chính trị”, ông nói.

An Bình

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm