1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đại sứ Phạm Sanh Châu chuẩn bị bước vào cuộc phỏng vấn tại UNESCO

Với lòng tự hào, sự quyết tâm và một chút hồi hộp, Đại sứ Phạm Sanh Châu sẽ bước vào cuộc phỏng vấn để chọn ra Tổng Giám đốc UNESCO của Liên Hợp Quốc.

Theo thông tin mới nhất, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đặc phái viên Thủ tướng Việt Nam về các vấn đề UNESCO, sắp bước vào cuộc phỏng vấn quan trọng cho chức vụ Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ nhất từ trái sang, hàng trước) tại Hội đồng Chấp hành UNESCO. Ảnh do Đại sứ cung cấp.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (thứ nhất từ trái sang, hàng trước) tại Hội đồng Chấp hành UNESCO. Ảnh do Đại sứ cung cấp.

Trao đổi với VOV.VN, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết, ông là người thứ 6 bước vào cuộc thi vào lúc 9h30 (giờ Paris) ngày 27/4 (giờ thi và ngày thi là do kết quả bốc thăm). Màn phỏng vấn chính diễn ra và được truyền hình trực tiếp (qua internet) vào lúc 9h45.

Ông Châu là một trong 9 ứng cử viên trên toàn thế giới cho vị trí này. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất trong số các ứng viên này.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, đồng thời là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Chấp hành UNESCO, chia sẻ: “Ứng cử viên Ai Cập là người đầu tiên trả lời phỏng vấn vào lúc 9h30 ngày 26/4/2017. Đại diện nhóm các nước Đông Âu là người đầu tiên đặt câu hỏi cho ứng viên Việt Nam, tiếp theo là các nước thuộc nhóm Mỹ Latin, châu Á Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông và Tây Âu”.

Đại sứ Phạm Sanh Châu chuẩn bị bước vào cuộc phỏng vấn tại UNESCO - 2

Lịch phỏng vấn các ứng viên cho chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO. Ảnh chụp màn hình website UNESCO.

Quang cảnh cuộc gặp gỡ của UNESCO với các ứng viên chức vụ Tổng Giám đốc tổ chức này. Ảnh: Phạm Sanh Châu.
Quang cảnh cuộc gặp gỡ của UNESCO với các ứng viên chức vụ Tổng Giám đốc tổ chức này. Ảnh: Phạm Sanh Châu.

Theo Đại sứ Châu, mỗi ứng viên sẽ phải trả lời bằng cả tiếng Anh và tiếng Pháp, và với mỗi câu hỏi sẽ chỉ được trả lời không quá 5 phút. Ông cho biết, các câu hỏi đều được giữ kín, và toàn bộ cuộc phỏng vấn của mỗi ứng viên sẽ kéo dài trong 90 phút, được truyền hình trực tiếp trên website của tổ chức UNESCO.

Đại sứ Phạm Sanh Châu tỏ ra rất tự hào khi tham gia ứng cử cho chức vụ đặc biệt này. Chia sẻ trên mạng xã hội, ông viết: “Con (xưng với cha mẹ ông – PV) tự hào là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử bước vào một cuộc thi ở phạm vi toàn cầu để tranh cử cho chức vụ cao nhất của một tổ chức được mệnh danh là tổ chức Trí tuệ của nhân loại”.

Cũng chính vì trọng trách đại diện cho Việt Nam trong cuộc thi tầm quốc tế này mà Đại sứ “chưa bao giờ cảm thấy sức ép về tâm lý lớn đến thế” dù trong đời, ông đã “dầy dạn chinh chiến với thi cử trong và ngoài nước”.

Đại sứ Phạm Sanh Châu tích cực ôn luyện cho cuộc thi vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tích cực "ôn luyện" cho cuộc thi vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Nguyên Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam bộc bạch: “Không chỉ sức ép về kiến thức mênh mông, sức ép về nhiều ngoại ngữ phải nghe hiểu và diễn đạt, sức ép về tốc độ thời gian nghe câu hỏi và trả lời, sức ép về truyền hình trực tiếp toàn cầu cho hàng triệu người xem, mà sức ép lớn nhất là vì đây sẽ là hình ảnh đại diện cho Việt Nam, là niềm tự hào quốc gia”.

Chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO do Hội đồng Chấp hành UNESCO đề cử và Đại hội đồng UNESCO bổ nhiệm.

9 ứng cử viên được phỏng vấn trong các ngày 26 và 27/4/2017. Theo trang web chính thức của UNESCO, người được Hội đồng Chấp hành đề cử sẽ được lựa chọn thông qua hình thức bỏ phiếu kín vào phiên họp thứ 202 của Hội đồng này, tổ chức vào tháng 10/2017.

Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành sẽ thông báo cho Đại hội đồng UNESCO vào phiên họp thứ 39 của Đại hội đồng vào tháng 11/2017 về ứng cử viên do Hội đồng Chấp hành đề cử. Đại hội đồng khi ấy sẽ xem xét trường hợp được đề cử và sau đó bỏ phiếu kín về người do Hội đồng Chấp hành đề xuất.

9 ứng viên dự tuyển vào chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO 2017 gồm công dân các nước: Azerbaijan, Việt Nam, Ai Cập, Qatar, Trung Quốc, Guatemala, Iraq, Lebanon và Pháp (thứ tự ứng viên được xếp theo thời gian UNESCO nhận được hồ sơ của họ)./.

Theo Trung Hiếu/VOV.VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm