1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ EU: Việt Nam có thể xuất khẩu điện sạch sang các nước Đông Nam Á

An Bình

(Dân trí) - Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Julien Guerrier đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo và có thể xuất khẩu điện sạch tới các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Đại sứ EU: Việt Nam có thể xuất khẩu điện sạch sang các nước Đông Nam Á - 1

Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Julien Guerrier dẫn đầu chụp ảnh với lãnh đạo tỉnh Cần Thơ ngày 12/12 (Ảnh: SETP).

"Tôi rất kỳ vọng về các trang trại gió vì địa lý của Việt Nam vô cùng thuận lợi cho việc phát triển trang trại gió ở gần bờ cũng như xa bờ. Thềm lục địa dài và gió mạnh, dồi dào. Nếu tận dụng tốt thì không chỉ cung cấp nhu cầu trong nước mà còn có thể xuất khẩu tới các quốc gia lân cận tại khu vực Đông Nam Á", Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam - Đại sứ Julien Guerrier, nói trong chuyến thăm Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh ngày 13/12. 

Theo ông Guerrier, đó là lý do tại sao EU cũng đầu tư vào việc hỗ trợ kết nối liên quốc gia truyền tải điện giữa các quốc gia Đông Nam Á. Nếu Việt Nam khai thác nguồn lực của mình sẽ thuận lợi trong tầm nhìn truyền tải điện xuyên quốc gia. 

Dự án Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh được khởi công xây dựng ngày 24/4/2019 và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 21/10/2021, do Quỹ đầu tư CIO (Climate Investor One), ST International - Hàn Quốc và EU đồng tài trợ, với tổng vốn đầu tư 2.822 tỷ đồng (tương đương 123 triệu USD). Đại sứ Guerrier tin rằng dự án có thể được nhân lên không chỉ tại Trà Vinh mà còn tại nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam. 

Chuyến thực địa tại thị xã Duyên Hải nằm trong khuôn khổ chuyến thăm của đoàn công tác của Bộ Công thương và Liên minh châu Âu tại Cần Thơ và Trà Vinh trong các ngày 12-13/12 về phát triển năng lượng tái tạo. Đây là 2 tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời.

Chuyến thăm do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Julien Guerrier dẫn đầu, với sự tham gia của Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam Carmen Cano de Lasala, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan Fleur Gribnau, Phó giám đốc quốc gia Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam Hugo Pierrel, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm.

Trong chuyến công tác, đoàn đã tìm hiểu các kết quả của Dự án hỗ trợ kỹ thuật chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (EVSET), một phần thuộc Chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU do EU tài trợ, đồng thời thăm các dự án tiêu biểu cho hỗ trợ của EU và các quốc gia thành viên cho lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

EU đã phân bổ khoản hỗ trợ trị giá 250 triệu euro để hỗ trợ phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam trong giai đoạn chương trình 2014-2020. Ngân sách được phân bổ cho 2 chương trình, gồm (i) Chương trình hỗ trợ chính sách ngành năng lượng với 108 triệu euro trong giai đoạn 2018-2021 nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững thông qua cung cấp hỗ trợ cho việc đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng giá cả hợp lý, ổn định, bền vững và hiện đại cho người dân; và (ii) Chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững Việt Nam - EU (SETP) với 142 triệu euro cho giai đoạn 2022-2027 với mục tiêu đóng góp vào lĩnh vực năng lượng bền vững tại Việt Nam thông qua thúc đẩy hiệu quả năng lượng, năng lượng sạch và tái tạo.

Đại sứ Guerrier đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Trong chuyến thăm, ông cũng nhấn mạnh thông điệp rằng EU, Team Europe (EU và các quốc gia thành viên) ủng hộ mạnh mẽ cho lĩnh vực năng lượng và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam.

Ngoài điện gió, ông Guerrier cũng nhận thấy có tiềm năng rất lớn trong việc mua bán điện mặt trời hoặc đưa lên lưới. Hiện nay, ngày càng nhiều công ty quan tâm tới việc sản xuất năng lượng mặt trời áp mái để đáp ứng nhu cầu điện của chính công ty đó tại các khu công nghiệp. Nếu sử dụng không hết, các công ty đó có thể bán cho công ty lân cận ngay trong chính khu công nghiệp hoặc giữa các khu với nhau. 

Theo Đại sứ Guerrier, các công ty châu Âu rất quan tâm tới lĩnh vực năng lượng tái tạo và chủ động tìm kiếm các cơ hội tại Việt Nam trong lĩnh vực điện mặt trời, điện gió. Tuy nhiên, cũng có những công ty do chờ đợi lâu nên đã phải rời Việt Nam để sang các thị trường khác. 

"Tôi nhận thấy yêu cầu cấp bách ở đây là một khuôn khổ pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư đến từ khối G7, các nhà tài trợ quốc tế, các nguồn lực lớn cũng có thể được khai thông từ khu vực tư nhân. Nếu có một khung pháp lý phù hợp, các dự án có thể được triển khai nhanh, các nhà đầu tư vào nhanh", ông nói.

EU là đối tác hàng đầu của Việt Nam về phát triển năng lượng sạch

Đại sứ EU: Việt Nam có thể xuất khẩu điện sạch sang các nước Đông Nam Á - 2

Đoàn công tác thăm nhà máy De Heus Cần Thơ (Ảnh: SETP).

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá, EU là một trong những đối tác, nhà tài trợ cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác về năng lượng.

Nhiều năm qua, EU đã có những hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành khác của Việt Nam để triển khai chương trình chuyển dịch năng lượng bền vững, một chương trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành năng lượng của Việt Nam, trong đó có các cấu phần đặc biệt hỗ trợ phát triển lưới điện cho vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi có người dân yếu thế, người nghèo mà việc phát triển lưới điện rất khó khăn. 

Chương trình hợp tác được triển khai với sự hợp tác của nhiều đơn vị thuộc EVN và đơn vị điện lực địa phương. Các chương trình đều rất hiệu quả.

Ban chỉ đạo gồm đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam, lãnh đạo các địa phương. Ban chỉ đạo họp 2 lần/năm, thường xuyên có các rà soát, đôn đốc, thúc đẩy, tháo gỡ giúp các chương trình được triển khai hiệu quả.

Qua chuyến thăm và làm việc trên thực địa, đoàn công tác được nghe lãnh đạo địa phương và người dân thụ hưởng các chương trình này đánh giá cao kết quả và sự thiết thực của các chương trình.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) 26 vào cuối năm 2021, Việt Nam đã cam kết mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây là một trong những cam kết đầy tham vọng của Việt Nam nhằm đưa đất nước bước sang sự phát triển xanh, sạch và đi kèm theo đó là chương trình chuyển dịch năng lượng, đòi hỏi Việt Nam phải có các quyết sách rất táo bạo. 

Trên con đường đó, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của cộng đồng quốc tế, trong đó có EU. Vào cuối 2022, Việt Nam và khối các nước G7, trong đó có EU và các thành nước thành viên quan trọng của EU là Đức, Pháp và Italy cùng Đan Mạch và Na Uy đã đồng lòng ký thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Theo đó, các nước G7 cùng các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỷ USD trong giai đoạn 3-5 năm để triển khai các dự án trọng điểm trong quá trình chuyển dịch năng lượng công bằng, giúp Việt Nam có sự phát triển ban đầu để kích hoạt một loạt chính sách để hỗ trợ Việt Nam bước vào con đường đầy thách thức khi hướng tới Net Zero năm 2050.

EU có vai trò dẫn dắt và chủ đạo trong việc phối hợp với các bộ, ngành của Việt Nam, đặc biệt là bộ ngành trực tiếp trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Trong đó, Bộ Công thương, đã xây dựng các dự án, chương trình với mục tiêu sớm giải ngân các khoản tài trợ, gồm khoản viện trợ không hoàn lại (ODA), tài chính xanh, tài chính lãi suất thấp, đi kèm theo đó là dự án chuyển giao công nghệ, dự án phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. 

"Đó là những vấn đề có thể rất quan trọng có thể giúp Việt Nam bước vào quá trình chuyển dịch năng lượng. Với hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là khối G7 và EU, chúng ta tin tưởng sẽ đạt được Net Zero vào năm 2050 như đã cam kết", Thứ trưởng Long nói.

Theo ông Long, trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách theo hướng phát thải ròng bằng 0, đặc biệt là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng.

Việt Nam đã ban hành quy hoạch điện VIII, theo đó đã đưa vào quy hoạch phát triển các nguồn điện xanh, điện sạch, ban hành các kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8 với nhiều dự án phát triển năng lượng ở 63 tỉnh thành.

Chính phủ cũng đã ban hành nghị định mua bán điện trực tiếp, khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái. Đặc biệt, vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, theo đó thông qua nhiều cơ chế chính sách mới với mục đích tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư, phát triển các nguồn điện, hệ thống lưới điện theo hướng sạch. 

"Đây là những quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các bộ ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp Việt Nam nhằm triển khai cam kết thực hiện. Trong quá trình xây dựng các cơ chế chính sách này, chúng ta cũng có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài và cũng được các doanh nghiệp, cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao", Thứ trưởng Long nhấn mạnh.

Lắng nghe các đề xuất từ địa phương

Đại sứ EU: Việt Nam có thể xuất khẩu điện sạch sang các nước Đông Nam Á - 3

Đại sứ EU Julien Guerrier và Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan Fleur Gribnau đến thăm dự án điện nông thôn tại xã Định Môn, huyện Thới Lai do EU tài trợ (Ảnh: SETP).

Trong chuyến thăm, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, đoàn công tác cũng muốn lắng nghe các kiến nghị, đề xuất từ các địa phương để tiếp tục có những dự án trên địa bàn. Đây còn là cơ hội để tăng cường hợp tác, quan hệ hiểu biết, qua đó thúc đẩy hợp tác, hiểu biết chung giữa địa phương và EU không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Phát biểu tại buổi làm việc với phái đoàn của Bộ Công thương và Liên minh châu Âu, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, đánh giá cao sự hỗ trợ của EU đối với việc cấp điện nông thôn, phát triển năng lượng tái tạo của thành phố.

Ông cho biết, các dự án hỗ trợ của EU mang ý nghĩa lớn, trong đó việc tài trợ cho dự án điện nông thôn tại xã Định Môn, huyện Thới Lai giúp bà con được hưởng lợi trực tiếp khi có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. 

Ông Trường cũng nêu kiến nghị của tỉnh để Bộ Công thương và EU tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy năng lượng xanh và cả các dự án nhằm nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ông Trường cho biết, để thực hiện chương trình thích ứng biến đổi khí hậu, Cần Thơ đã làm hệ thống ngăn triều và đê bao để bảo vệ cho vùng lõi Ninh Kiều với khoảng 2.700 hecta, trong đó có vay một phần vốn của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Thế giới (WB). Trong mùa triều cường vừa rồi, hệ thống phát huy hiệu quả. 

"Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến mở rộng vùng bảo vệ lên Ô Môn, khoảng 15.000 hecta. Cần Thơ dự kiến làm thêm 3 đập ngăn triều và đê bao, ước tính số vốn là 5.500 tỷ đồng. Chúng tôi cũng mong sự quan tâm của Đại sứ EU và AFD để nghiên cứu khảo sát và hỗ trợ Cần Thơ thực hiện dự án này", ông Trường nêu đề xuất.

Phản hồi về đề xuất trên, Đại sứ Guerrier khẳng định, EU luôn quan tâm tới các đầu tư trong hoạt động giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.

EU có quỹ WARM về quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên để chống chịu, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có vấn đề về thủy triều dâng, ngập lụt, xói mòn đường bờ biển. EU đã triển khai các dự án trong quỹ WARM với 5 tỉnh thành trên cả nước. Tại ĐBSCL, Cà Mau là tỉnh đã được hỗ trợ từ quỹ này. Hệ thống đê kè có tác động tốt với việc chống xói mòn, sạt lở, chống nước biển dâng và ngập lụt. 

Đại sứ Guerrier cho biết, bản thân ông cũng có cơ hội đi thăm một dự án tương tự có sự hỗ trợ của EU tại tỉnh Điện Biên, nơi việc xây dựng đê dọc các con sông đã giúp hỗ trợ chống lũ trong thành phố và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. 

"Mới đây, tôi đã ký với Bộ Tài chính về việc mở rộng vốn của EU cho quỹ WARM từ 20 triệu lên 34 triệu euro. Đây là nguồn vốn dồi dào để có thể hỗ trợ cho việc triển khai các dự án ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Nếu Cần Thơ cũng có nhu cầu đối với các dự án như vậy, chúng tôi sẽ thảo luận thêm với các đối tác và AFD để cụ thể hóa ý tưởng và đề xuất của tỉnh", Đại sứ EU nói.

Tại buổi làm việc vào sáng ngày 13/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện đánh giá, EU đã hỗ trợ nhiều dự án tại Trà Vinh, đặc biệt là Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh.

Ông Thiện cho biết, Trà Vinh có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo với công suất tiềm năng hơn 26.000W, nhất là tiềm năng điện gió gần bờ và ngoài khơi. Ông mong muốn, EU sẽ tiếp tục dành sự quan tâm cho tỉnh Trà Vinh, đặc biệt là tài trợ cho các dự án điện gió để thúc đẩy sản xuất nguồn năng lượng sạch.

Đại sứ EU: Việt Nam có thể xuất khẩu điện sạch sang các nước Đông Nam Á - 4

Các trụ điện gió thuộc Nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh tại thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (Ảnh: An Bình).

Cũng trong chuyến công tác, đoàn đã tới thăm Dự án điện mặt trời mái nhà De Heus thuộc nhà máy De Heus Cần Thơ sản xuất thức ăn cá tra tại Khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ có công suất 240.000 tấn/năm, với vốn đầu tư 18,6 triệu USD. Dự án được Team Europe hỗ trợ vốn thông qua quỹ đầu tư CIO. Hệ thống điện mặt trời áp mái của nhà máy có công suất 458kWp dự kiến giúp giảm được 470 tấn CO2 mỗi năm. 

Dự án nhằm mục đích xây dựng một ngành cá tra hiệu quả và bền vững, có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.