1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đại sứ EU chia sẻ những ấn tượng về Việt Nam

(Dân trí) - Đại sứ EU tại Việt Nam Franz Jessen đã có những chia sẻ đong đầy cảm xúc về khoảng thời gian 4 năm công tác tại Hà Nội trước khi chính thức kết thúc nhiệm kỳ vào ngày mai 29/8.

 

Đại sứ EU chia sẻ những ấn tượng về Việt Nam - 1

Đại sứ EU Franz Jessen

Nhìn lại nhiệm kỳ 4 năm tại Việt Nam, ông hài lòng nhất với điều gì và có điều gì chưa hài lòng?

Tôi vui mừng khi vào đầu tháng 8 này, EU và Việt Nam đã thống nhất kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là một trong những hiệp định có chất lượng cao nhất của Việt Nam và EU, dự kiến đem lại lợi ích tối ưu cho người dân, doanh nghiệp hai bên. Năm ngoái, Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng đã chính thức ký Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA).

Tuy nhiên, cũng có những điều mà tôi thấy cần tiếp tục cố gắng để giải quyết như Biển Đông, nhân quyền. Chúng tôi đã cố gắng hợp tác với Việt Nam và các đối tác về vấn đề Biển Đông. EU ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn vào việc cùng Việt Nam và các bên liên quan tìm kiếm một giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Là đại diện cho khối EU với 28 thành viên, ông có gặp khó khăn gì khi công tác tại Việt Nam hay không?

Xét về góc độ quan hệ Việt Nam-EU, tôi không gặp khó khăn gì vì mối quan hệ giữa hai bên khá tích cực.

Trong nội bộ khối EU, để làm tốt nhất nhiệm vụ của mình, tôi luôn hi vọng các quốc gia thành viên EU có cách tiếp cận tập thể đối với các lợi ích, điều này sẽ giúp các quốc gia phối hợp tốt hơn và đạt được lợi ích tổng thể thay vì cục bộ.

"Việt Nam là một đất nước mang nhiều màu sắc và gây ấn tượng mạnh. Đây là một đất nước tuyệt đẹp. Ngoài thời gian ở Hà Nội, tôi đã có dịp ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước Việt Nam, từ vùng núi phía bắc đến vùng duyên hải và đến những khu kinh tế sầm uất ở Đồng bằng sông Cửu long và thành phố Hồ Chí Minh", ông Jessen viết trong bức thư chào từ biệt Việt Nam.

28 nước thành viên của EU giống như một gia đình lớn, các nước có các quyền lợi và nghĩa vụ. Họ phải thực hiện nghĩa vụ nhưng cũng muốn đạt được lợi ích tối đa. Do đó, quá trình thảo luận hiệu quả giữa các quốc gia thành viên là cách thức quan trọng để giải quyết các vấn đề phát sinh, như cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp.

Việc có được tiếng nói đồng thuận trong EU, cũng giống như ASEAN có tiếng nói đồng thuận của các quốc gia thành viên, sẽ mang lại lợi ích chung cho cộng đồng.

Mỹ gần đây đã kêu gọi EU lên tiếng mạnh mẽ hơn về tranh chấp Biển Đông? Ông có bình luận gì về kêu gọi này?

Tôi chưa được nghe về bình luận này, nhưng thường thì khi một quốc gia cần sự trợ giúp nào đó, họ cần lên tiếng mạnh mẽ hơn. Về vấn đề Biển Đông, chúng tôi không phải là bên liên quan trực tiếp nên chúng tôi giữ sự cân bằng giữa các bên. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm tới vấn đề này và sát cánh với Việt Nam cũng như các đối tác khác để giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp.

Tôi được biết viện trợ hợp tác phát triển của EU dành cho Việt Nam tăng 33% lên 400 triệu USD trong giai đoạn 2014-2020? Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của nguồn viện trợ này?

Tôi đánh giá nói chung viện trợ của EU dành cho Việt Nam rất hiệu quả, ở cả góc độ kiểm soát tài chính cũng như sự hiệu quả của từng nội dung hợp tác. Chúng tôi có nhiều biện pháp để đảm bảo rằng nguồn viện trợ được sử dụng đúng mục đích.

Lấy một ví dụ cụ thể, tôi rất mừng về sự hợp tác giữa EU với Bộ Y tế Việt Nam nhằm phát triển các trạm xá tại các khu vực nông thôn. Các bệnh viện lớn của Việt Nam đã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe rồi, nhưng bên cạnh đó cũng cần có các trạm xá tốt hơn để hỗ trợ các nhu cầu cơ bản của người dân nông thôn như sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe trẻ em... Sự phối hợp giữa chúng tôi và Bộ y tế đã giúp người dân nông thôn có thể tiếp cận các trạm xá đáp ứng được các nhu cầu y tế cơ bản mà không phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Đây là một ví dụ cho thấy sự hỗ trợ mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân và mô hình như thế rất hiệu quả.

Theo ông, khía cạnh hợp tác nào giữa hai bên cần được đẩy mạnh trong tương lai, ngoài hợp tác kinh tế?

Tôi mong muốn hai bên sẽ tăng cường giao lưu nhân dân. Tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam sang châu Âu học tập.

Những lĩnh vực nào mà ông cho là Việt Nam cần cố gắng hơn nữa?

Tôi cho rằng Việt Nam cần phát triển con người, phát triển hệ thống giáo dục. Việt Nam cũng cần phát triển sự hoạt động hiệu quả của các công ty để đóng góp cho nền kinh tế.

Khi rời Việt Nam, ông sẽ nhớ nhất điều gì về đất nước của chúng tôi?

Tôi sẽ rất nhớ tình cảm nồng hậu của người dân Việt Nam và các món ăn ngon của các bạn.

Tôi đã đến thăm tất cả các vùng miền của Việt Nam, từ Bắc vào Nam. Tôi không đếm liệu đã đến thăm tất cả 63 tỉnh thành hay chưa, nhưng tôi nhớ đã thăm rất nhiều nơi trong 4 năm làm việc tại đây.

Tôi đã tới thăm Phú Quốc 3 lần và có các chuyến đi dọc các bờ biển của Việt Nam. Tôi cũng tới thăm các tỉnh của Việt Nam giáp biên giới với Trung Quốc. Tôi từng lái ô tô từ Hà Nội tới Điện Biên Phủ. Đó là những chuyến đi rất thú vị.

Nơi nào ở Việt Nam ông muốn trở lại thăm với tư cách là một du khách, chứ không phải một nhà ngoại giao?

Tôi vẫn thích trở lại Hà Nội. Thủ đô của các bạn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp.

"Với trải nghiệm cá nhân thì thời gian sống tại Hà Nội quả rất tuyệt vời. Cho dù là một thành phố lớn, nhưng Hà Nội lại có một sự hấp dẫn riêng mà chỉ những thành phố nhỏ mới có... Một trong những thói quen yêu thích của gia đình tôi là đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm sau bữa tối để ngắm nhìn hoạt động về đêm ở nơi đây. Và chúng tôi dần yêu Hà Nội từ lúc nào".

"Cuộc đời của một đại sứ đôi lúc được ví như là của một người du mục; di chuyển từ vùng đất này sang vùng đất khác, và luôn sẵn sàng để đi. Trải nghiệm của tôi có lẽ hơi khác một chút; tôi đã từng sống ở 7 quốc gia và luôn ở mỗi nơi khoảng 4 năm hoặc lâu hơn thế - đủ dài để gắn bó và cảm nhận được rằng mình thuộc về đất nước và con người nơi đây. Đối với tôi, cảm nhận này vô cùng lớn đối với Việt Nam, có thể bởi vì sự tương đồng về mặt văn hóa đến bất ngờ giữa châu Âu và Việt Nam, và cũng có thể bởi vì sự duyên dáng đến diệu kỳ của con người Việt Nam", ông Jessen viết.

 

An Bình

Thực hiện