1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Đài Loan siết chặt chương trình cấp thị thực sau vụ 152 người Việt mất tích

(Dân trí) - Chính quyền Đài Loan sẽ tăng cường rà soát các quy trình cấp thị thực và lựa chọn ngẫu nhiên hồ sơ xin cấp thị thực để đánh giá kỹ lưỡng sau vụ mất tích của 152 du khách Việt Nam.

Đài Loan siết chặt chương trình cấp thị thực sau vụ 152 người Việt mất tích - Ảnh 1.

Một hình ảnh ghi lại từ camera an ninh cho thấy một thành viên trong nhóm du khách Việt Nam đi bộ ra phía đường, trong khi những người khác đi vào khách sạn ở Cao Hùng hôm 23/12. Một số du khách được cho là đã lên xe ô tô chờ sẵn. (Ảnh: Taipei Times)

Theo trang tin Taipei Times, chính quyền Đài Loan sẽ xem xét lại "Dự án Thí điểm Quan Hồng", một chương trình hỗ trợ thị thực của hòn đảo này, sau khi xảy ra vụ việc 152 trong tổng số 153 du khách Việt Nam trong nhóm du lịch bị phát hiện mất tích tại Đài Loan vào tuần trước. Cơ quan Du lịch Đài Loan ngày 26/12 cho biết đây là nhóm du khách bỏ trốn lớn nhất kể từ khi dự án này ra đời vào năm 2015.

"Dự án Thí điểm Quan Hồng" là dự án cấp thị thực điện tử, được thiết kế để tăng số nhóm du khách chất lượng từ các nước Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào tới Đài Loan. Đây cũng là những nước được đặt trọng tâm trong Chính sách Hướng Nam mới của chính quyền Đài Loan.

Tổng Cục trưởng Cục Du lịch Đài Loan Chou Yong-hui cho biết những du khách bỏ trốn có thể đã tới Đài Loan theo diện "Dự án Thí điểm Quan Hồng", đồng thời nói rằng trong thời gian tới Cục Du lịch Đài Loan sẽ siết chặt chính sách cấp thị thực. Theo ông Chou, Cục Du lịch Đài Loan sẽ làm việc với Cơ quan Di trú và Cục Lãnh sự thuộc Cơ quan Ngoại giao Đài Loan để lựa chọn ngẫu nhiên các hồ sơ xin cấp thị thực, từ đó tiến hành kiểm tra bổ sung.

Khi được hỏi liệu chính quyền Đài Loan có cân nhắc sửa đổi "Dự án Thí điểm Quan Hồng" hay không, ông Chou cho biết Cục Du lịch sẽ sớm tham dự một cuộc họp với Ủy ban Xúc tiến và Phát triển Du lịch để thảo luận về các vấn đề mà dự án đang phải đối mặt.

"Những gì xảy ra tuần trước chỉ là một trường hợp cá biệt. Vẫn còn những nhóm du khách chất lượng khác và chúng ta không nên xem xét lại dự án với quá nhiều góc độ tiêu cực. Cơ quan Di trú vẫn cần điều tra tra các thông tin chi tiết liên quan tới vụ việc (đoàn du khách Việt Nam mất tích) và chúng tôi sẽ đề xuất các biện pháp bổ sung để tránh các vụ việc tương tự sau này", Cục Du lịch Đài Loan cho biết.

Theo Taipei Times, các du khách bỏ trốn đã được hãng lữ hành International Holidays Trading Travel của Việt Nam tập hợp trước khi chuyển giao cho hãng ETHoliday tiếp nhận khi đặt chân tới Đài Loan. Sau vụ việc, Cục Lãnh sự Đài Loan đã hủy thị thực cấp cho 182 du khách đã đặt chuyến đi với hãng International Holidays Trading Travel nhưng chưa nhập cảnh vào Đài Loan. Cục Lãnh sự Đài Loan cũng sẽ dừng việc xem xét hồ sơ xin cấp thị thực của hãng lữ hành này.

Các hãng lữ hành cho biết vụ việc vừa xảy ra với du khách Việt Nam là một ví dụ cho thấy các đối tượng buôn người có thể lợi dụng kẽ hở của "Dự án Thí điểm Quan Hồng".

Hành trình nhóm du khách mất tích

Đoạn video nghi là đoàn 152 khách Việt Nam “mất tích” tại Đài Loan

Theo Chủ tịch Hội Cứu trợ Du lịch Quốc tế Đài Loan Roget Hsu, ETHoliday tuần trước đã tiếp nhận 5 nhóm du khách Việt Nam. Ông Hsu cho biết nhóm đầu tiên gồm 23 người đã tới thành phố Cao Hùng vào ngày 21/12 cho chuyến du lịch 5 ngày, trong khi 4 nhóm còn lại với tổng cộng 130 người tới sân bay Đài Nam vào ngày 23/12 cho chuyến du lịch 4 ngày. Cả 5 nhóm này đều nghỉ qua đêm tại 2 khách sạn ở Cao Hùng.

Ông Hsu nói rằng các đối tượng buôn người được cho là đã sắp xếp xe ô tô để đón các nhóm du khách Việt Nam tại các sân bay. Theo ông Hsu, hướng dẫn viên du lịch người Đài Loan của nhóm đầu tiên đã phản đối hành động này và gọi điện cho cảnh sát. Tuy nhiên cảnh sát Đài Loan nói rằng họ không thể tiến hành bắt giữ vì các du khách đều có thị thực du lịch còn hiệu lực.

Ông Hsu cho biết 7 du khách của nhóm đầu tiên đã rời đi vào sáng 24/12, trong khi 16 người còn lại của nhóm này bị phát hiện mất tích vào sáng 25/12. Ngoài ra, ông Hsu cũng xác nhận rằng, trong số 130 du khách tới Đài Loan hôm 23/12, 128 người đã mất tích vào sáng hôm sau (24/12), trong khi một người khác rời đi vào ngày 25/12.

Theo ông Hsu, các du khách từ những nước nằm trong "Dự án Thí điểm Quan Hồng" không được yêu cầu phải chứng minh tài chính khi nộp hồ sơ xin cấp thị thực. Do vậy, các hãng lữ hành Việt Nam lẽ ra nên giúp đỡ Đài Loan bằng cách kiểm tra sơ bộ vấn đề này. Ông Hsu cho rằng việc các hãng lữ hành Đài Loan phải trả phí trục xuất đối với mỗi du khách bỏ trốn là điều vô lý.

Liên quan tới vụ các nhóm du khách Việt Nam mất tích, Cục Du lịch Đài Loan cho biết chỉ một người còn lại không bỏ trốn là khách du lịch thực sự, đồng nghĩa với việc ngay cả các hướng dẫn viên du lịch đi theo các nhóm cũng không trung thực. Cục Du lịch Đài Loan cho biết tất cả các du khách đều mua vé máy bay khứ hồi.

Hiện Cơ quan Di trú Đài Loan đã có trong tay danh sách các du khách từ ETHoliday và đang triển khai tìm kiếm những người mất tích. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cho biết đã thu hồi thị thực của các du khách mất tích và yêu cầu Cơ quan Di trú xác định vị trí cũng như trục xuất những người này.

Cơ quan Ngoại giao Đài Loan cũng hối thúc Ủy ban Xúc tiến và Phát triển Du lịch triệu tập cuộc họp để thảo luận những cách thức nhằm siết chặt việc cấp thị thực vào Đài Loan. Theo số liệu của Cục Du lịch Đài Loan, kể từ năm 2015, 414 du khách tới hòn đảo này theo "Dự án Thí điểm Quan Hồng" đã mất tích, trong đó có 409 trường hợp từ Việt Nam và 5 trường hợp từ Campuchia.

Thành Đạt

Theo Taipei Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm