1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đài Loan nêu lý do Mỹ chậm chuyển giao 66 tiêm kích F-16

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Đài Loan cho biết các vấn đề về phần mềm đã làm trì hoãn quá trình chuyển giao 66 máy bay chiến đấu F-16V của Mỹ cho hòn đảo.

Đài Loan nêu lý do Mỹ chậm chuyển giao 66 tiêm kích F-16 - 1

Một máy bay F-16V (Ảnh: EPA-EPE)

Lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chiu Kuo-cheng hôm 25/5 cho biết các vấn đề về phần mềm điều khiển bay khiến hợp đồng đặt mua 66 máy bay chiến đấu F-16V từ Mỹ không được hoàn thành đúng hạn. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn sẽ nhận được lô tiêm kích hiện đại này trước năm 2026.

"Về nguyên tắc, tất cả 66 máy bay sẽ được chuyển giao trước năm 2026, hoàn toàn không có vấn đề gì về điều này", ông Chiu nói với các phóng viên tại cơ quan lập pháp Đài Loan.

Quan chức Đài Loan cho biết hòn đảo lo ngại sự chậm trễ trong việc chuyển giao lô tiêm kích F-16V, nhưng việc liên lạc với phía Mỹ về vấn đề này vẫn diễn ra "suôn sẻ".

Tập đoàn Lockheed Martin xác nhận họ "đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Mỹ để giải quyết các thách thức nhằm hỗ trợ các mục tiêu hợp tác an ninh của Mỹ", song không nêu chi tiết.

Năm 2019, Mỹ đã phê chuẩn thương vụ bán máy bay chiến đấu F-16 của tập đoàn Lockheed Martin trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan. Thỏa thuận này sẽ nâng số lượng máy bay chiến đấu F-16 của hòn đảo lên tới hơn 200 chiếc, quy mô lớn nhất ở châu Á.

Theo thỏa thuận, Đài Loan đã chuyển đổi 141 máy bay F-16A/B thành loại F-16V và đặt mua thêm 66 chiếc F-16V mới. Dòng F-16V mới được trang bị hệ thống điện tử hàng không, vũ khí và radar mới để đối phó tốt hơn với lực lượng không quân Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu tàng hình J- 20.

Kể từ năm ngoái, Đài Loan đã phàn nàn về sự chậm trễ của Mỹ trong việc chuyển giao các loại vũ khí, bao gồm tên lửa phòng không Stinger, do các nhà sản xuất chuyển nguồn cung sang Ukraine để đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Trong chuyến thăm Đài Bắc vào tháng 4, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Michael McCaul cho biết, ông đang làm mọi cách có thể để đẩy nhanh việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan.

Ngoài máy bay chiến đấu, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 7/4 công bố một hợp đồng trị giá 1,17 tỷ USD nhằm bán tên lửa chống hạm Harpoon được phóng từ đất liền cho một khách hàng giấu tên. Trang tin Bloomberg của Mỹ tiết lộ "khách hàng bí ẩn" của thương vụ này là Đài Loan. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo, hợp đồng bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan đã hạ thấp lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc, đồng thời làm ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Mỹ cũng như hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan.

Bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh, Washington hiện vẫn là nhà cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự chính cho Đài Loan.

Bộ Thương mại Trung Quốc hồi tháng 2 đã đưa 2 tập đoàn công nghiệp quốc phòng khổng lồ của Mỹ là Raytheon Technologies và Lockheed Martin vào danh sách "những tổ chức không đáng tin cậy". Việc bị đưa vào danh sách này sẽ các công ty của Mỹ không thể tham gia vào các giao dịch xuất nhập khẩu liên quan đến Trung Quốc.

Theo Reuters