1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Đại bàng di cư tránh vùng xung đột Ukraine

CTV

(Dân trí) - Các nhà khoa học cho biết đại bàng đã thay đổi đường di cư qua Ukraine để tránh giao tranh và vì môi trường sống có thể bị tàn phá hoặc hủy hoại do xung đột.

Đại bàng di cư tránh vùng xung đột Ukraine - 1

Đại bàng đốm lớn là loài chim ăn thịt lớn được xếp vào loài dễ bị tổn thương. (Ảnh: Getty)

Theo BBC, các nhà nghiên cứu tin rằng đại bàng đốm lớn đã né tránh các mối nguy hiểm bao gồm hỏa lực của pháo binh, máy bay, xe tăng, cũng như sự tập trung quân đội.

Vào mỗi mùa xuân, đại bàng thường bay từ Hy Lạp và The Sudd, một vùng đầm lầy lớn ở Nam Sudan, qua Ukraine để đến các khu vực sinh sản ở Belarus.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu GPS từ những con chim được gắn thẻ trong nhiều tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Đây là thời điểm giao tranh ác liệt ở miền bắc Ukraine khi Nga tìm cách kiểm soát thủ đô Kiev bằng cách điều quân từ Belarus về phía nam.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Khoa học Đời sống Estonia và Hội Ủy thác nghiên cứu chim Anh Quốc đã nêu phát hiện của họ trên tạp chí Current Biology.

Tác giả chính Charlie Russell, một nhà nghiên cứu sau đại học tại Đại học East Anglia, cho biết: "Cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra hậu quả tàn khốc đối với con người và môi trường. Phát hiện của chúng tôi đã hé mở một góc nhìn hiếm hoi về ảnh hưởng cuộc xung đột đến động vật hoang dã".

Được xếp vào loài dễ bị tổn thương, đại bàng đốm lớn là một loài chim săn mồi lớn, màu nâu. Các nhà nghiên cứu bắt đầu theo dõi chúng bằng cách sử dụng thiết bị định vị GPS vào năm 2017, nhưng không nghĩ rằng sẽ giám sát chúng qua vùng xung đột 5 năm sau đó.

Những phát hiện cho thấy đại bàng đã di cư chệch hướng đáng kể so với các tuyến đường đã được theo dõi trước đó. Chúng cũng dành ít thời gian hơn để nghỉ ở các địa điểm dừng chân thông thường ở Ukraine hoặc tránh hoàn toàn các địa điểm này. Kết quả là chúng đã bay xa hơn, trung bình khoảng 85km.

Đối với các loài chim di cư, điểm dừng chân là những nơi thiết yếu để kiếm thức ăn, nước uống và nơi trú ẩn.

Việc di chuyển xa hơn và thay đổi điểm dừng chân khiến đại bàng đến các khu vực sinh sản muộn hơn. Sự thay đổi này cũng có thể khiến chúng tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, gây ra tác động tiêu cực.

Tiến sĩ Jim Reynolds, Phó Giáo sư về Nghiên cứu Chim và Bảo tồn Động vật tại Đại học Birmingham (Anh), cho biết: "Tôi nghĩ cuộc chiến ở Ukraine đang gây rối loạn nghiêm trọng cho hệ sinh thái di cư của đại bàng đốm lớn. Đối với một loài dễ bị tổn thương như vậy, bất kỳ yếu tố nào làm gián đoạn hoạt động sinh sản đều là một vấn đề lớn. Là một nhà bảo tồn sinh vật học, điều này khiến tôi trăn trở rất nhiều".

Mặc dù tất cả đại bàng được gắn thiết bị GPS đều sống sót, nhưng các nhà khoa học lo ngại xung đột vũ trang có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chúng trong tương lai.

Bùi Thúy

Theo BBC