1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đã tìm thấy các mảnh vỡ thiên thạch tại Nga

(Dân trí) - Các nhà khoa học Nga cho biết họ đã tìm thấy các mảnh vỡ thiên thạch vốn rơi xuống vùng Ural hôm 15/2, khiến khoảng 1.200 người bị thương.

Hồ Chebarkul, nơi các mảnh vỡ thiên thạch được tìm thấy.
Hồ Chebarkul, nơi các mảnh vỡ thiên thạch được tìm thấy.
 
Các mảnh vỡ thiên thạch đã được tìm thấy tại một hồ đóng băng gần thị trấn Chebarkul thuộc khu vực Chelyabinsk, nơi thiên thạch được tin là đã đâm xuống.
 
Trong lúc khoảng 9.000 người đang tham gia trợ giúp chiến dịch cứu hộ và công tác dọn dẹp thì các nhà khoa học tập trung nghiên cứu các mảnh vỡ thiên thạch quanh hồ Chebarkul, nơi một hố rộng 6m đã được phát hiện sau vụ nổ thiên thạch.
 
Một mảnh vỡ thiên thạch.
Một mảnh vỡ thiên thạch.

Nhà khoa học Viktor Grohovsky, từ Đại học liên bang Ural, cho biết với báo chí Nga rằng mảnh vỡ thiên thạch chứa 10% đồng.

“Chúng tôi vừa hoàn thành cuộc nghiên cứu và xác nhận rằng các mảnh vỡ, được nhóm thám hiểm tìm thấy tại khu vực hồ Chebarkul, thực chất là các mảnh vỡ thiên thạch”, ông Grohovsky nói.
 
Một mảnh vỡ thiên thạch.

“Thiên thạch này có dạng hình cầu thông thường. Đó là một loại đá thiên thạch chứa 10% đồng. Nhiều khả năng nó sẽ được đặt tên là thiên thạch Chebarkul”, ông Grohovsky cho biết thêm.

Trước đó, một cuộc tìm kiếm đáy hồ Chebarkul do 6 thợ lặn thực hiện hôm 16/2 đã không tìm thấy gì và việc tìm kiếm đã bị hoãn cho tới khi băng tan trong mùa xuân.
 
Khu vực Chelyabinsk bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ tấn công của thiên thạch.
Khu vực Chelyabinsk bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ tấn công của thiên thạch.

Giới chức Nga cho hay vụ nổ thiên thạch gây thiệt hại ước tính lên tới 33 triệu USD.

Các quả cầu lửa đã được nhìn thấy trên bầu trời Chelyabinsk, cách thủ đô Mátxcơva khoảng 1.500km, theo sau là các tiếng nổ lớn vào sáng ngày 15/2.
 
Khoảng 200.000 m2 cửa kính đã bị vỡ và các mảnh kính vỡ đã khiến khoảng 1.200 người bị thương, hầu hết tại khu vực Chelyabinsk.
 
Các quả cầu lửa xuất hiện trên bầu trời vùng Ural, theo sau là các tiếng nổ lớn.
Các quả cầu lửa xuất hiện trên bầu trời vùng Ural, theo sau là các tiếng nổ lớn.

Theo các nhà khoa học Nga, thiên thạch nặng khoảng 10 tấn trước khi nó đi vào khí quyển trái đất, bay với vận tốc 30km/giây, trước khi nổ tung ở vị trí cách mặt đất khoảng 30-50km.

Trong khi đó, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nói thiên thạch có đường kính 17m và nặng 10.000 tấn trước khi đi vào khí quyển trái đất, tạo ra nguồn năng lượng tương đương khoảng 500 kiloton.

Các vụ nổ thiên thạch như vậy rất hiếm tại Nga nhưng một thiên thạch được tin là đã tấn công vùng Siberia vào năm 1908, tàn phá một khu vực rộng trên 2.000km2.

An Bình
Theo RIA, BBC