1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cựu Thủ tướng Yingluck bất ngờ “đăng đàn” chỉ trích chính quyền Thái Lan

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho rằng bà bị chính quyền Thái Lan đối xử theo “tiêu chuẩn kép” liên quan tới khối tài sản bà để lại trước khi ra nước ngoài sống lưu vong.

Cựu Thủ tướng Yingluck bất ngờ “đăng đàn” chỉ trích chính quyền Thái Lan - 1

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra (Ảnh: Straits Times)

Ngày 16/12, bà Yingluck lên mạng xã hội cá nhân than phiền rằng bà buồn lòng vì phải xa cách con trai, gia đình, những người ủng hộ và khối tài sản mà bà sở hữu trước khi trở thành thủ tướng Thái Lan.

Bà cho biết ngôi nhà của bà hiện đang bị chính quyền tịch thu và các tài sản của bà đã bị Cục Thực thi Pháp luật mang bán. Cựu Thủ tướng Thái Lan nói rằng bà đã dùng mọi quá trình pháp lý để đấu tranh cho những tài sản này nhưng không thể ngăn được việc tài sản bị bán. Bà cáo buộc các quan chức liên quan tới vụ việc không làm đúng theo điều 44 của Hiến pháp Tạm thời 2014.

Bà cho rằng theo luật pháp, tài sản của bà không thể bị thanh lý, trừ khi bà bị phán thua trong một phiên tòa hành chính.

“Tôi đã tranh đấu cho mọi tài sản bao gồm những thứ mà cha mẹ tôi để lại cho tôi nhưng không thể bảo vệ bất cứ tài sản nào. Mỗi lần tôi nghe tin tài sản bị bán, tôi cảm thấy rất buồn”, bà Yingluck nói.

Bà cũng tuyên bố sẽ không bị mắc kẹt trong quá khứ vì có rất nhiều người đã đặt hy vọng vào bà.

Cựu Thủ tướng Yingluck bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 và bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD cho Thái Lan trong thời gian đương chức. Bà Yingluck chạy khỏi đất nước hồi tháng 8/2017 để trốn tránh phiên tòa luận tội.

Tháng 9/2017, tòa án tối cao Thái Lan đã tiến hành phiên xét xử vắng mặt đối với bà Yingluck. Theo phán quyết của tòa, bà Yingluck lĩnh án 5 năm tù và phải bồi thường thiệt hại.

Cả bà và anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đều đang sống lưu vong ở nước ngoài. Ông Thaksin cũng từng bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và đã phải trốn đi nhằm tránh phải thi hành án do bị cáo buộc tham nhũng.

Sau khi bà Yingluck đào thoát, bà bị tuyên phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại gây ra bởi chương trình trợ giá gạo. Chính quyền Thái Lan đã kích hoạt điều 44 trong Hiến pháp tạm thời 2014 để đóng băng và thu giữ tài sản của bà.

Reuters hồi tháng 8 đưa tin, chính phủ Serbia quyết định cấp cho bà Yingluck, 52 tuổi, quốc tịch và hộ chiếu nước này hôm 27/6, viện dẫn điều luật rằng “một người nước ngoài có thể được trao quyền công dân Serbia nếu điều này phù hợp với lợi ích quốc gia”.

Phía chính quyền Thái Lan sau đó lên tiếng rằng bà Yingluck sẽ vẫn bị trừng phạt vì những tội mà bà gây ra bất kể quốc tịch của bà là gì và bà đang ở đâu, nhấn mạnh Bangkok sẽ gửi yêu cầu về việc dẫn độ nếu họ xác minh được nơi ở của đối tượng.

Đức Hoàng

Theo Straits Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm