1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck tuyên bố “rửa tay, gác kiếm” với chính trị

(Dân trí) - Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho biết bà đã “rửa tay, gác kiếm” với chính trị vì đã nếm trải nhiều vất vả khi dấn thân vào con đường này trong quá khứ.

Yingluck.jpg

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Reuters)

 

Ngày 20/1, trên trang mạng xã hội Twitter, cựu Thủ tướng Yingluck khẳng định bà đã từ bỏ con đường chính trị. Đây là phản ứng với đồn đoán trước đó rằng bà đã đề cử một cựu bộ trưởng vào vị trí ứng viên cho đảng Pheu Thai tranh cử chức thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bà Yingluck cho biết quá trình đề cử là công việc nội bộ của Pheu Thai và bà không can thiệp vào. Bà nói rằng hiện thời, bà đang có nhiều việc cũng như trách nhiệm phải thực hiện. Quan trọng hơn cả, bà thừa nhận rằng đã chịu đựng đủ những vất vả từ quá trình làm chính trị trước đó.

Trước đó, truyền thông Thái Lan đưa ra những thông tin rằng bà Yingluck đã ủng hộ cựu Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Chatchart Suthipant trở thành ứng cử viên của Pheu Thai thay vì ông Khunying Sudarat Keyuraphan, trưởng bộ phận chiến lược chiến dịch tranh cử của đảng.

Cựu Thủ tướng Yingluck bị phế truất sau một cuộc đảo chính quân sự hồi năm 2014 và bị cáo buộc sơ suất trong chính sách trợ giá gạo gây thất thoát hàng tỷ USD cho Thái Lan trong thời gian đương chức. Bà Yingluck chạy khỏi đất nước hồi tháng 8/2017 để trốn tránh phiên tòa luận tội.

Tháng 9/2017, tòa án tối cao Thái Lan đã tiến hành phiên xét xử vắng mặt đối với bà Yingluck. Theo phán quyết của tòa, bà Yingluck lĩnh án 5 năm tù và phải bồi thường thiệt hại.

Cả bà và anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đều đang sống lưu vong ở nước ngoài. Ông Thaksin cũng từng bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và đã phải trốn đi nhằm tránh phải thi hành án do bị cáo buộc tham nhũng.

Gia tộc Shinawatra “tái xuất” chính trường Thái Lan?

Con trai.jpg

Panthongtae “Oak” Shinawatra, con trai ông Thaksin, nhân vật được coi là đại diện cho gia tộc Shinawatra tại cuộc bầu cử năm nay (Ảnh: Instagram)

 

Trước đó, chính quyền quân đội Thái Lan cho biết cuộc bầu cử thủ tướng dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay. 

Dư luận Thái Lan đang đưa ra hàng loạt những đồn đoán rằng liệu dòng họ Shinawatra, gia tộc đã từng có 2 thủ tướng, có tiếp tục tham gia vào con đường chính trị hay không.

Theo chuyên gia chính trị Duncan McCargo, dù ông Thaksin đã bị phế truất hơn 10 năm trước, nhưng tầm ảnh hưởng của ông với Pheu Thai và chính giới Thái Lan nói chung dường như vẫn khá lớn.

Thậm chí tới thời điểm hiện tại, ông McCargo nhận định rằng gia đình Shinawatra đã mở rộng tầm ảnh hưởng của họ tới ít nhất 2 đảng nữa là Thai Raksa Chart và Pheu Dharma. Ông McCargo cho rằng những đảng này vẫn cần những gương mặt có liên quan tới nhà Shinawatra như một cách để lôi kéo sự ủng hộ của cử tri.

“Gương mặt đại diện” cho nhà Shinawatra tại Pheu Thai dường như là Panthongtae “Oak” Shinawatra, 39 tuổi, con trai duy nhất của ông Thaksin. Trong khi đó, ở đảng Thai Raksa mới thành lập, một gương mặt khác được cho là có liên quan tới nhà Shinawatra được nhắc đến là Chayika Wongnapachant, cháu bà Yingluck.

Đức Hoàng

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm