1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Anh em Thaksin-Yingluck "làm mưa, làm gió" ở nước ngoài

(Dân trí) - Anh em cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin và Yingluck Shinawatra lại trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới những ngày gần đây khi xuất hiện ở nhiều quốc gia khác nhau và thậm chí thực hiện các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp bất chấp đối mặt với lệnh truy nã.

Anh em Thaksin-Yingluck làm mưa, làm gió ở nước ngoài - Ảnh 1.

Anh em ông Thaksin và bà Yingluck Shinawatra. Ảnh: ThaiTribune

Báo Caixin của Trung Quốc đầu tuần này cho biết, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra hồi giữa tháng 12 năm ngoái đã được bổ nhiệm làm chủ tịch và là đại diện pháp lý cho Công ty kinh doanh cảng container quốc tế Sán Đầu (một công ty con của công ty cảng Hutchison) ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Thông tin trên xuất hiện trùng với thời điểm anh em Thaksin và Yingluck xuất hiện ở Quảng Đông và được cho là thăm quê cha đất tổ.

Kể từ khi trốn khỏi Thái Lan hồi tháng 8/2017, bà Yingluck được nhìn thấy xuất hiện ở nhiều quốc gia khác nhau gồm Anh, Dubai, Mỹ, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc. Hồi cuối năm ngoái, bà tham gia một sự kiện về đầu tư tiền ảo ở Singapore.

Trước khi trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2011, bà Yingluck từng là giám đốc điều hành một công ty viễn thông của gia đình. Bà cũng là giám đốc điều hành một công ty quản lý tài sản của gia đình.

Bà dường như không có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, điều này làm dấy lên câu hỏi tại sao bà Yingluck được bổ nhiệm làm chủ tịch công ty cảng biển ở Trung Quốc. Một số chuyên gia cho rằng, việc bổ nhiệm này có thể là một động thái mang tính biểu tượng nhiều hơn cho tham vọng cơ sở hạ tầng trong Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc ở Thái Lan nếu gia tộc Shinawatra có thể khôi phục quyền lực sau cuộc bầu cử vào năm nay ở quốc gia này.

Chính quyền hiện tại của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha tuy vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc nhưng dường như vẫn không nhiệt tình với dự án tàu cao tốc nối liền 3 nước Thái Lan-Lào-Trung Quốc và dự án nối liền eo biển chiến lược bất chấp nỗ lực vận động của giới chức Trung Quốc.

Trong khi đó, một quan chức đảng Pheu Thai, đảng có mối quan hệ thân thiết với gia tộc Shinawatra, mới đây cho biết với Asia Times rằng, nếu lãnh đạo chính quyền sau cuộc bầu cử vào năm tới, đảng này mong muốn cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Tuy đang bị truy nã và phải sống lưu vong, anh em nhà Shinawatra được cho là có tầm ảnh hưởng lớn đối với Pheu Thai.

Các chuyên gia khác cho rằng, chức vụ mới của bà Yingluck có thể là khởi đầu để nhà Shinawatra tham gia vào thương vụ đầu tư 600 triệu USD của công ty cảng Hutchison (trụ sở tại Hong Kong) vào cảng Laem Chabang - một cảng thương mại quan trọng của Thái Lan.

Ông Thaksin được cho là có cổ phần đầu tư ở nhiều quốc gia trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm cả khai mỏ, công nghệ y tế, bóng đá. Tuy nhiên, hiện tại chưa rõ ông có nắm cổ phần trong công ty vận tải biển hay logistic nào không.

Một phái viên ở Bangkok thạo nguồn tin tình báo mới đây ước tính, khối tài sản của ông Thaksin khoảng 600 triệu USD. Tuy vậy, một số khoản đầu tư ở nước ngoài của ông Thaksin cũng khá gây tranh cãi khi phải đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối của người dân địa phương, như dự án xây khách sạn ở Montenegro. Ông Thaksin được cho là đã được cấp quyền công dân ở Montenegro sau khi hộ chiếu Thái Lan của ông bị hủy.

Minh Phương

Theo Asia Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm